Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

Tin chứng khoán ngày 16/6: Thu tiền tươi 400 triệu USD, tỷ phú Việt chinh phục mục tiêu lớn

Bên cạnh Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang là doanh nghiệp hiếm hoi có những thương vụ huy động cả chục nghìn tỷ đồng tiền mặt để đầu tư kinh doanh.

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings (một công ty con của Tập đoàn Masan) và VinCommerce (công ty quản lý chuỗi bán lẻ Vinmart trước của tỷ phú Phạm Nhật Vương).

Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng). Sau đợt phát hành này, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, thương vụ lớn đã được thực hiện và dòng vốn ngoại đã chảy vào doanh nghiệp.

Huy động vốn quốc tế được xem hướng đi của nhiều DN lớn Việt Nam mà điển hình như Masan, Vingroup...

Trong hơn một thập kỷ, Masan đã huy động gần 3 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế và chưa có dấu hiệu dừng lại. Masan cũng cho biết đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác trị giá từ 300-400 triệu USD vào The CrownX, dự kiến hoàn tất trong năm nay.

{keywords}
Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một doanh nghiệp huy động được nhiều vốn ngoại.

Theo Bloomberg, Masan cũng muốn huy động 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi trực thuộc Masan MEATLife.

Nhờ huy động được vốn lớn trong và ngoài nước, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang thực hiện hàng loạt vụ mua bán sáp nhập (M&A), thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng để mở rộng vị thế của mình, với các thương vụ nổi tiếng như: Mua cổ phần kiểm soát mỏ Núi Pháo; Thâu tóm Vinacafe Biên Hòa; Vĩnh Hảo; Mua cổ phần Thực phẩm Cholimex; Đầu tư vào Proconco và ANCO; NETCO; 3F Việt; và lớn nhất là mua lại VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup...

Trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp Việt thu hút sự quan tâm của các tổ chức đầu tư lớn trong khu vực. Nhiều thương vụ tỷ USD đã được thực hiện như vụ TCC Holdings thông qua ThaiBev chi 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco hồi cuối 2017; Quỹ đầu tư Hàn Quốc STIC Investments đầu tư vào loạt doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, từ Grab, Tiki...

Bên cạnh đó, dòng vốn tỷ USD chảy vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây sôi động và lên đỉnh cao lịch sử nhờ có cơ hội bứt phá mạnh so với các nền kinh tế khác nhờ độ mở cửa cao, tốc độ hồi phục nhanh sau dịch.

Sau một giai đoạn tụt giảm khá mạnh xuống dưới 700 điểm hồi tháng 3/2020 vì đại dịch Covid-19, chứng khoán Việt Nam hồi phục ấn tượng và chỉ số VN-Index đã lên gần ngưỡng 1.400 điểm ở vào thời điểm hiện tại.

Dòng “tiền Tây” đổ vào trong vài năm gần đây, nhất là vào các doanh nghiệp công nghệ và tập đoàn lớn đã giúp dàn lãnh đạo Việt lên đời đại gia triệu USD, tỷ USD.

Hàng loạt các startup giải pháp công nghệ được hình thành như Momo, VinID, VnPay, giaohangnhanh, Sendo, Tiki...  Các quỹ đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư vào các startup này như trường hợp Warburg Pincus (Mỹ) rót đầu tư vào Momo, hay SoftBank của Nhật và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đầu tư gần 300 triệu USD vào nền tảng thanh toán số VNPay.

Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam - Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng trong vài năm gần đây cũng đẩy mạnh tái cấu trúc và chuyển hướng từ bất động sản và dịch vụ sang trọng tâm mới là: công nghệ-công nghiệp-dịch vụ. Theo đó, mục tiêu của tập đoàn này là đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index lên sát ngưỡng 1.370 điểm.

Theo MBS, với 3 phiên tăng liên tiếp VN-Index có nhiều cơ hội để kiểm tra lại (retest) đỉnh cũ trong phiên hôm nay mặc dù phần lớn các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục suy yếu. Điểm sáng trong phiên hôm qua là nhóm cổ phiếu Vingroup trở lại nâng đỡ thị trường cùng nhóm cổ phiếu chứng khoán, bên cạnh đó là khối ngoại mua ròng.

Về kỹ thuật, sau 3 phiên tăng VN-Index đã gần như lấy lại toàn bộ số điểm đã mất ở nhịp điều chỉnh vừa qua, cơ hội để thị trường vượt đỉnh cũ là khả quan bất chấp nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu. Nhiều khả năng chỉ số chung sẽ không tăng mạnh nhưng độ rộng thị trường sẽ tích cực khi dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong lúc chờ đợi tín hiệu trở lại của nhóm bluechips.

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 15/6, chỉ số VN-Index tăng 5,64 điểm lên 1.367,36 điểm; HNX-Index giảm 0,72 điểm xuống 318,29 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 88,87 điểm. Thanh khoản đạt 29,8 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét