Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Nghị quyết số 21-NQ/TW đã xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 1/6, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010. 

{keywords}
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đồng bằng sông Cửu Long luôn là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước ta. Vùng có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng; là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á, là vựa lúa của cả nước; là địa bàn sinh sống gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khơ Me, Hoa, Chăm..., đa tôn giáo; có nền văn minh sông nước độc đáo không chỉ với Việt Nam, khu vực mà trên thế giới.

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010. Nghị quyết số 21-NQ/TW đã xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

{keywords}
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Năm 2012, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sơ kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết, trên cơ sở đó ban hành Kết luận 28-KL/TW ngày 14/8/2012 Bộ Chính trị khóa XI. Kết luận 28-KL/TW xác định vùng Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Phát triển mạnh kinh tế biển. Xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Phát triển mạnh dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế then chốt của cả vùng. Chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước, trước hết là các nước khu vực Đông Nam Á.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của của các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hiệu quả nêu trên, ông  Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất trù phú nhất toàn quốc nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam. Tình hình dân tộc, tôn giáo vẫn có những diễn biến phức tạp…

Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu… của Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW. Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

H.Duy

Đồng bằng Sông Cửu Long: Lộ thông - tài thông

Đồng bằng Sông Cửu Long: Lộ thông - tài thông

Việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ tạo điều thuận lợi và thu hút thêm các nguồn vốn FDI cho các tỉnh vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét