Nhiều tập đoàn lớn muốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam nhưng nhiều nút thắt đang khiến việc này không dễ.
Vẫn chỉ là tiềm năng
Tại Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện gió, điện gió ngoài khơi có mức giá bán là hơn 2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 cent/kWh). Tuy nhiên, đến nay, hạn cuối cùng doanh nghiệp được hưởng mức giá này là 31/10/2021 đã đến gần, trong khi chưa một dự án nào được hiện thực hóa. Tất cả vẫn còn trên bàn tính toán.
Tại buổi trao đổi trực tuyến về điện gió ngoài khơi ngày 11/6, do Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (QWEC) thực hiện, bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của QWEC, cho rằng: Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về điện gió ngoài khơi. Việt Nam có 160GW tiềm năng kỹ thuật có thể tận dụng điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, tại dự thảo Quy hoạch điện 8, mục tiêu của điện gió ngoài khơi đưa ra rất khiêm tốn, ở mức 2.000-3.000MW và vận hành đến năm 2030.
Điện gió ngoài khơi đang có nhiều nhà đầu tư muốn triển khai |
Theo bà Liming Qiao, Việt Nam hoàn toàn đạt được mục tiêu 10GW trước 2030 và nên đặt ra mục tiêu này.
Khi nhìn nhận giá điện gió trên thế giới, bà Liming Qiao cho rằng “đã giảm rất nhiều” so với trước đây. “Chi phí sẽ giảm khi tổng lượng lắp đặt trên thị trường đạt đến một ngưỡng nhất định”, bà Liming Qiao khẳng định.
Nhưng việc đầu tư điện gió ngoài khơi không dễ. Quá trình phát triển có thể mất 5-6 năm, lắp đặt mất 2 năm và hoạt động trong khoảng 25 năm. Hầu hết trang trại điện gió ngoài khơi nằm cách bờ biển đến 60km, với tốc độ gió trung bình 9m/giây và độ sâu nước lên đến hơn 50m.
Ông Andrew Ho, Giám đốc quan hệ chính phủ và chính sách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) cho rằng: Khi các nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới một thị trường thì họ cần thấy khuôn khổ chính sách ổn định để đầu tư lâu dài cho thị trường đó.
Điều này có thể đạt được thông qua đối thoại thường xuyên với Chính phủ, chính quyền địa phương,... Quan trọng là Chính phủ cần đưa ra các khung pháp lý quan trọng và minh bạch vì điện gió ngoài khơi rất khó để xây dựng, dẫn điện vào bờ cũng không dễ. Để làm được những điều này, các nhà đầu tư phải trao đổi với rất nhiều bên: Chính phủ, điện lực, cơ quan cấp địa phương.
“Tại nhiều quốc gia, họ đã lập ra một đầu mối liên lạc duy nhất, được Nhà nước chỉ định để quản lý vấn đề này. Đó là điều tuyệt vời cho các nhà đầu tư, bởi nhà nước sẽ chia sẻ rủi ro và góp phần giảm giá sản xuất điện, điều này lợi cho cả hai bên”, ông Andrew Ho nói.
Làm điện gió ngoài khơi không dễ dàng. |
Giá ưu đãi sắp hết hạn
Đại diện Hội đồng năng lượng gió toàn cầu đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục mức giá điện hiện tại (2.223 đồng/kWh, tức 9,8cent/kWh) cho 4.000-5.000 MW đầu tiên.
“Giá FIT sẽ hết hạn vào tháng 11 năm nay và khoảng thời gian còn lại không đủ nhiều để tính giá FIT sắp tới như thế nào là hợp lý. Tuy nhiên, DN có thể tiếp tục đầu tư với mức giá FIT hiện tại được kéo dài thêm”, bà Liming Qiao nói. Bà cho rằng, sau khi đạt ngưỡng điện gió ngoài khơi 5.000MW thì hoàn toàn có thể chuyển sang phương thức đấu thầu.
Chung quan điểm, ông Bernard Casey, Giám đốc phát triển Công ty Mainstream Việt Nam, nhìn nhận: Năm ngoái, Bộ Công Thương đã trình gia hạn cơ chế giá FIT thêm 2 năm nữa. Nhiều công ty đang hoạt động trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đánh giá đây là tín hiệu tốt. Nhưng Chính phủ vẫn chưa có câu trả lời cụ thể có gia hạn hay không và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp.
Ông Sebastian Haid Buhl, Giám đốc quốc gia của Tập đoàn Orsted, nêu quan điểm: Không phải cứ đấu thầu thì giá thấp hơn giá FIT. Nếu không có giai đoạn chuyển tiếp thì đấu thầu còn làm giá tăng cao hơn giá FIT.
Bà Maya Malik, Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, chia sẻ: "Tại Việt Nam, nếu làm đấu thầu chúng tôi phải đảm bảo giá thấp trong thời gian dài và không để xảy ra sai lầm. Hiện ở Việt Nam không có chuỗi cung ứng, chính sách không rõ ràng, hợp đồng mua bán điện muốn dùng để vay vốn rất khó nên chúng tôi không thể tính toán tài chính cụ thể cho dự án được. Nếu giá không cao sẽ khó thực hiện dự án.
“Vì vậy chúng tôi ủng hộ cần có giai đoạn chuyển đổi từ từ để hướng tới đấu thầu chứ không phải thực hiện đấu thầu ngay”, bà Maya nói.
Theo các chuyên gia, một dự án điện gió ngoài khơi muốn có tính kinh tế thì quy mô phải 400-500 MW/dự án, với mức vốn đầu tư tầm 800 triệu-1 tỷ USD trở lên. Thời gian triển khai mất khoảng 5-7 năm, từ lúc bắt đầu phát triển đến khi vận hành.
Nhưng ai sẽ là người đầu tư xây dựng cảng phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi và đường dây truyền tải từ ngoài khơi về điểm đấu nối của ngành điện ở đất liền?
Trả lời câu hỏi này của PV. VietNamNet, bà Maya Malik cho biết sẵn sàng đầu tư xây dựng đường truyền tải từ các khu vực dự án về lưới điện chính và mong muốn EVN nâng cấp lưới điện trên bờ hiện có để tải công suất dự án.
Ông Sebastian đồng quan điểm: "Để công ty nhà nước làm truyền tải nối từ đất liền ra biển thì tiến độ bị lùi nên chúng tôi sẵn sàng xây dựng đường truyền tải. Tuy nhiên, việc quan trọng là các công ty điện nhà nước cần nâng cấp hệ thống lưới điện trên bờ. Mức giá 9,8cent/kWh có thể đảm bảo cho chúng tôi tiến hành việc này".
Có thể thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang bày tỏ mối quan tâm đến điện gió ngoài khơi. Nhưng vấn đề an ninh quốc phòng cũng được đặt ra. Các nhà đầu tư cho hay các dự án đều được xin ý kiến Bộ Quốc phòng trước khi tiến hành làm các trình tự thủ tục tiếp theo, và sẽ tuân thủ tất cả các yêu cầu của Bộ Quốc phòng “nếu các vấn đề được đưa ra rõ ràng”.
Ngoài ra, việc các nhà đầu tư liệu có chấp thuận điều kiện “cắt giảm công suất” khi đàm phán Hợp đồng mua bán điện hay không cũng là điều không dễ thương thuyết.
Mặt khác, chi phí làm điện gió ngoài khơi không rẻ. Mức giá 2.223 đồng/kWh tại Quyết định 39 cũng cao hơn mức giá bán lẻ bình quân hiện hành rất nhiều (1.864,44 đồng/kWh). Cho nên, điện gió ngoài khơi dù sạch, ổn định cũng không dễ để triển khai. Dù thế nào, khi cân nhắc về thúc đẩy điện gió ngoài khơi cũng cần đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết, giống như lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu khi chỉ đạo làm Quy hoạch điện 8.
Lương Bằng
Cuối năm khó lường, nguồn điện vô tận tưởng ngon ăn thành nỗi lo
Sự gia tăng của điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng hiện tượng nghẽn mạch, tiết giảm năng lượng tái tạo trên hệ thống điện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét