Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Làm giả thép của thương hiệu nổi tiếng, có cần xử lý nghiêm?

Trong khi giá thép tăng cao, nhiều vụ việc làm thép giả cũng đã được phát hiện. Việc xử lý tình trạng làm thép giả cần phải được thực hiện nghiêm vì liên quan đến chất lượng các công trình xây dựng.

Hàng giả hay giả mạo nhãn hiệu?

Ngày 1/6, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Bình Dương) cùng Công an TP. Dĩ An và Công ty TNHH MTV Ống Thép Hòa Phát đã tiến hành kiểm tra đối với Kho hàng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt tại địa chỉ số 48, Quốc Lộ 1K, khu phố Đông A, phường Đông Hòa, TP. Dĩ An.

Tại đây, đoàn kiểm tra ghi nhận tại Kho hàng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt có chứa 5.914 kg ống thép ghi nhãn hiệu Hòa Phát các loại, nhưng đại diện Công ty TNHH MTV Ống Thép Hòa Phát xác định không phải hàng do công ty sản xuất ra.

Ngoài ra, tại hiện trường còn có 12.252 kg thép xây dựng các loại mang nhãn hiệu khác nhưng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

{keywords}
Thép giả mạo sản phẩm của Hòa Phát bị quản lý thị trường phát hiện.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên chuyển về Đội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia về xây dựng, thép không rõ nguồn gốc, thép kém chất lượng giả mạo thương hiệu không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của DN lớn uy tình và gây rủi ro đến chất lượng các công trình xây dựng, các hạng mục sử dụng ống thép.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết , đang xem xét nghiên cứu xử lý công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt về hành vi giả mạo nhãn hiệu Hòa Phát. Nhãn hiệu Hòa Phát đã đăng ký bảo hộ độc quyền, trong khi thép của công ty Tương Lai Việt không phải do Hòa Phát sản xuất.

Việc xử lý vụ việc này theo hướng “giả mạo nhãn hiệu” gây không ít băn khoăn. Bởi việc giả mạo nhãn hiệu được xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ với khung hình phạt nhẹ, trong khi việc làm giả hàng hóa được xử lý theo Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong việc buôn bán hàng giả, hàng cấm. Bộ Luật hình sự cũng có quy định rõ về tội làm hàng giả.

Xử nghiêm để bảo vệ người tiêu dùng

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết việc xác định mặt hàng là hàng giả đều có quy định rõ ràng. Việc chứng minh một mặt hàng là hàng giả có nhiều cách, trong đó ý kiến của đơn vị sản xuất ra mặt hàng bị làm giả là căn cứ quan trọng.

Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 đến dưới 150 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Theo đó, khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu rõ định nghĩa hàng giả là: Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Đại diện Công ty TNHH MTV Ống Thép Hòa Phát khẳng định sản phẩm của công ty đã bị công ty Tương Lai Việt làm giả với giá trị lô hàng ở mức trên 150 triệu đồng. Do vậy, công ty này cho rằng cần xử lý nghiêm về tội làm hàng giả để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn cho các công trình.

Không chỉ tại Bình Dương, gần đây, các lực lượng thực thi pháp luật, quản lý thị trường Bắc Kạn, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nội cũng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cố tình làm giả, nhái hàng ống thép Hòa Phát nhằm trục lợi. Điển hình là vụ việc của Công ty Cổ phần Thép Tổng hợp An Phát.

Thực tế, tháng 5/2019, Phòng An ninh Kinh tế (PA04) - Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14 - Cục Quản lý thị trường đã tiến hành xem xét việc thực hiện quy định pháp luật tại một dự án chung cư cao cấp tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Sau khi tiến hành xem xét tại dự án trên, PA04 phát hiện sản phẩm ống thép Hòa Phát sử dụng trong phòng cháy chữa cháy và đường nước dân dụng được cung cấp bởi công ty An Phát cho nhà thầu thi công là hàng giả, không phải ống thép do Hòa Phát sản xuất.

Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả sản phẩm ống thép theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (ban hành năm 2017). Đồng thời, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Buôn bán hàng giả”, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Quang Thành (SN 1982, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội); Nguyễn Trung Kiên (SN 1983, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) là Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thép Tổng hợp An Phát.

Cuối tháng 7/2020, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 3 bị cáo trong vụ án này. Tòa tuyên phạt Nguyễn Trung Kiên 15 tháng tù giam với tội danh Buôn bán hàng giả, 24 tháng tù giam với tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tổng cộng mức hình phạt là 39 tháng tù giam; Nguyễn Quang Thành 24 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Công 12 tháng, cho hưởng án treo.

Trong bối cảnh hàng giả “lộng hành”, đe dọa đến nền sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và chất lượng các công trình cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, việc có biện pháp mạnh tay với hành vi làm hàng giả là điều cần được quản lý thị trường thực hiện. 

Hà Duy

Giá tăng trên toàn cầu, Việt Nam đứng trước nhiều nỗi lo

Giá tăng trên toàn cầu, Việt Nam đứng trước nhiều nỗi lo

Việc giá thép trong nước tăng cao phần nào chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường thế giới và cung cầu trên thị trường. Do vậy, muốn giảm được giá thép thì phải giảm được giá thành sản xuất, muốn giảm được giá thành thì cần bàn tay Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét