Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Giải cứu nông sản nhiều khi tạo hiệu ứng ngược, nông dân lại bị ép giá

Giải cứu nông sản đôi khi tạo hiệu ứng ngược, làm giảm giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con nông dân bị ép bán giá thấp. Chưa kể, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương thêm.

Khoảng chục năm trở lại đây, cụm từ “giải cứu nông sản” xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Từ củ hành, quả dưa hấu, quả xoài, quả dứa cho tới củ cải, khoai lang,... cứ gặp khó khăn trong tiêu thụ là lại kêu gọi giải cứu. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, hoạt động giải cứu xuất hiện dày đặc. Nông sản đổ đống trên vỉa hè chờ bán giải cứu, người dân chen chân mua. Trên “chợ mạng”, mọi người cũng đua nhau bán nông sản giải cứu.

Trao đổi về vấn đề giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta không có quyền cấm cá nhân hay các tổ chức thiện nguyện tiêu thụ nông sản giúp nông dân. Thực tế ở một thời điểm nào đó, việc này góp phần giảm bớt áp lực trong tiêu thụ.

Song theo ông, làm thiện nguyện không đúng cách sẽ nảy sinh những bất cập, hình ảnh nông sản sẽ không còn đẹp đẽ khi bày ở vỉa hè, bên lề đường. Thậm chí, đôi khi ông còn nghe thông tin có những người lợi dụng cái gọi là giải cứu để ép giá nông sản xuống thấp.

{keywords}
Nhiều khi giải cứu tạo hiệu ứng ngược, làm giá nông sản giảm xuống thấp hơn (ảnh: BH)

Như công văn của UBND tỉnh Bắc Giang có nêu, việc dùng từ "giải cứu" dẫn đến hiệu ứng ngược, giá cả nông sản lại bị giảm xuống. Mặt khác, việc tổ chức mua bán nông sản tại các điểm giải cứu tự phát ở vỉa hè cũng xuất hiện nhiều bất cập như lượng người đến mua bán tại một thời điểm quá đông, không đảm bảo giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Một số người lợi dụng các điểm giải cứu đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần có một mô hình mới để giữ được giá trị nông sản bằng cách xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy, nông sản được nâng niu về giá trị, người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.

Người tiêu dùng không phải trên cương vị người bỏ tiền ra mua nông sản giúp bà con mà là mua vì sức khỏe, quyền lợi của chính mình, vì được sử dụng sản phẩm có chất lượng. Chưa kể, nhiều điểm giải cứu còn xuất hiện tình trạng chen chúc, không an toàn trong mùa dịch bệnh.

Ông cho biết, Bộ NN-PTNT đã xây dựng ý tưởng và họp bàn với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM cùng bắt tay vào kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Mô hình kết nối cung - cầu này sẽ chính quy, chuyên nghiệp hơn để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông sản Việt.

Cụ thể, tại các điểm bán hàng này sẽ phân luồng theo quy chuẩn phòng ciữahống dịch bệnh Covid-19. Các quầy hàng được bố trí lọ sát khuẩn trước khi vào mua hang, có kẻ vạch giãn cách đảm bảo khoảng cách tối thiểu đối với người mua hàng.

Bên cạnh đó, chất lượng nông sản cũng sẽ được kiểm soát ngay từ đầu vào. Phía Bộ sẽ thông tin về tình hình sản xuất, hướng dẫn thu hoạch, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản và phương án logistics, đồng thời hỗ trợ chế biến sâu, xúc tiến thương mại. Còn các đoàn thể, tùy theo điều kiện, nhân lực nhưng phải đưa người xuống hỗ trợ bà con thu hái, kết nối tiêu thụ cả trực tiếp và cả online.

{keywords}
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy, nông sản được nâng niu về giá trị (ảnh: AT)

“Nói cách khác, vẫn là giúp nông dân tiêu thụ nông sản nhưng làm bài bản, chính quy hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo đó, mô hình của 4 đơn vị không chỉ áp dụng trong mùa dịch này mà là nền tảng, cơ sở để thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân, khi ấy nông nghiệp không còn rủi ro mùa vụ, đứt quãng cung cầu. Song, khi đã chuẩn hóa trong kết nối cung - cầu nông dân cũng phải thay đổi quy trình canh tác, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.

Ông cũng khẳng định, thị trường nội địa 100 triệu dân là thị trường lớn cần hướng tới. Từ đó, phải làm ra những nông sản có chất lượng để phục vụ thị trường này chứ không chỉ chăm chăm lo xuất khẩu.

Dự kiến trong tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ lớn bàn kế hoạch thành lập Hiệp hội tiếp thị tiêu thụ nông sản Việt Nam. Bởi theo Bộ trưởng, trước đây nói bán lẻ là chung cho tất cả các mặt hàng, lần này sẽ tách ra một nhánh riêng cho nông sản.

Bộ NN-PTNT sẽ chủ động cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu đầu cung với quy mô sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn để các trung tâm bán lẻ, tập đoàn phân phối lớn kết nối được dữ liệu đầu cung, từ đó có kế hoạch tiêu thụ chủ động hơn.

“Chúng tôi quyết tâm không để tình trạng thu hoạch xong mới tìm bán mà ngay từ đầu vụ các địa phương đã cung cấp cho Bộ về kế hoạch sản xuất, dự kiến sản lượng. Từ đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chuyển dữ liệu đó cho hiệp hội để cùng phân tích lên phương án tiêu thụ”, Bộ trưởng nói.

Thế nên, làm tốt việc phát triển thị trường trong nước thì hình ảnh nông sản Việt ở nước ngoài cũng được nâng cao. Nông sản bảo chất lượng an toàn thực phẩm để phục vụ ngay trong nước chứ không chỉ làm sạch để bán ra nước ngoài. 

Tâm An

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tình hình cấp bách, không thể biết tuần sau sẽ thế nào

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tình hình cấp bách, không thể biết tuần sau sẽ thế nào

Vải thiều bước vào vụ thu hoạch, tình hình cấp bách rồi, bà con đang rất nóng ruột. Đây là lúc chúng ta phải dồn tổng lực để khơi thông thị trường cho quả vải thiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét