Các chuyên gia chỉ ra những nguyên nhân có thể dẫn đến cú sốc lạm phát hậu đại dịch Covid-19. Điều đó sẽ làm giá tăng vọt trong năm 2021.
Theo hai nhà quản lý danh mục đầu tư Richard Coghlan và Chris Faulkner-MacDonagh tại T. Rowe Price ở Tokyo và Baltimore, các lo ngại về lạm phát đã gây ra một cuộc tranh luận lớn trên thị trường.
Nhiều người tin rằng đợt lạm phát hiện tại chỉ là nhất thời. Nguyên nhân là tỷ lệ lạm phát thấp trước dịch Covid-19, giá năng lượng đột ngột tăng và các lĩnh vực mở cửa trở lại. Đó là một quan điểm có thể hiểu được.
"Tuy nhiên, thị trường có thể bỏ qua cú sốc lạm phát theo chu kỳ. Lạm phát bất ngờ là rủi ro đối với nhiều nhà đầu tư", các chuyên gia của hãng T. Rowe Price viết trên Nikkei Asian Review.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến một cú sốc lạm phát trên toàn cầu. Ảnh: Getty Images. |
Cú sốc lạm phát
Lý do đáng lo ngại đầu tiên là các điều kiện bắt đầu của lạm phát khá mạnh, nhất là trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt. Thay vì giảm mạnh như ở các cuộc suy thoái khác, lạm phát của Mỹ chỉ giảm với mức khiêm tốn trong năm 2020. Những biện pháp tạo áp lực lên giá cũng gia tăng. Kể từ quý IV/2020, giá hàng hóa luôn tăng trên 30%.
Việc chuyển sang mua sắm trực tuyến, làm việc tại nhà và các thay đổi khác trong thời kỳ Covid-19 cũng khiến nhiều công ty phải ngừng kinh doanh, làm giảm công suất tổng thể. Cùng với đó là sự thiếu hụt hàng tồn kho bất thường ở nhiều lĩnh vực.
Nguyên nhân đáng lo ngại thứ hai là sự phục hồi nhanh chóng của thị trường lao động Mỹ - vốn đang thu hẹp với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Khi nền kinh tế phục hồi, các công ty chật vật lấp đầy vị trí.
Thông thường, phải mất đến 2-4 năm sau khi suy thoái kết thúc, tỷ lệ thất nghiệp mới trở lại mức 6,1% như hiện tại. Tuy nhiên, vào năm 2020, thời gian cần thiết chỉ là 8 tháng.
Sự phục hồi nhanh chóng của thị trường lao động cho thấy rằng thị trường đang thu hẹp. Xu hướng đó diễn ra trong bối cảnh dân số già và dân số ở độ tuổi lao động tăng chậm nhất 70 năm qua.
Áp lực giảm lương do tỷ lệ thất nghiệp cao cũng ít hơn những năm 2000 và 2010. Trong thời kỳ đó, nhóm lao động phổ thông phải nhận những công việc thu nhập thấp hơn ở lĩnh vực dịch vụ. Họ phải cạnh tranh với các nhân viên giàu kinh nghiệm, đẩy tiền lương giảm xuống.
Ngược lại, sau cú sốc do dịch Covid-19, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã nhanh chóng phục hồi về mức 95% trước khủng hoảng. Số công nhân thất nghiệp chuyển sang lĩnh vực dịch vụ ít hơn. Các công ty phải tranh giành để thuê nhân công.
Nguyên nhân thứ ba được các chuyên gia của T. Rowe Price đưa ra là sự sụt giảm đầu tư trong ngành hàng hóa những năm qua. Do đó, nguồn cung của các ngành công nghiệp thượng nguồn có thể bị thắt chặt hơn nữa vào năm 2021 khi nhu cầu leo dốc.
Chẳng hạn, trong khai thác mỏ, có rất ít dấu hiệu cho thấy rằng giá quặng sắt gia tăng sẽ thúc đẩy chi tiêu vào vốn.
Giá tăng đột biến
Tương tự, mức tiêu thụ dầu hiện tại vẫn ở mức khoảng 2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các công ty khai thác vẫn trì hoãn đưa những giàn khoan hoạt động trở lại.
"Do đó, giá hàng hóa tăng đột biến cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn có thể tạo áp lực lạm phát trong những tháng tới", ông Richard Coghlan và Chris Faulkner-MacDonagh nhận định.
Thứ tư, công suất toàn cầu cũng thắt chặt hơn so với giữa những năm 2000. Một phần nguyên nhân là các đợt cắt giảm nguồn cung của Trung Quốc.
Cuối cùng, những người Mỹ có thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu có khả năng tăng chi tiêu nhờ Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Mỹ gần đây. Đạo luật cũng khiến thị trường lao động bị xói mòn nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc, nhất là đối với cơ sở hạ tầng, nhà ở và tăng trưởng dự kiến tiếp tục duy trì vào năm 2021. Điều đó làm giảm áp lực giảm phát.
Tình trạng thiếu hụt chip khiến nhiều lĩnh vực như sản xuất ôtô lao đao. |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn một số yếu tố làm giảm lạm phát. Chẳng hạn, dịch Covid-19 có thể quay trở lại và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là với những biến thể mới và tác động của chúng đối với hiệu quả của vaccine.
Cùng với đó, các yếu tố tạo ra môi trường lạm phát thấp hiện nay - toàn cầu hóa, nâng cao năng suất và công nghệ - sẽ không sớm biến mất.
Mục tiêu thắt chặt các điều kiện tín dụng của Trung Quốc cũng đe dọa làm giảm lạm phát toàn cầu. Chính quyền Bắc Kinh hiện ưu tiên chiến dịch xóa nợ và sẵn sàng cho phép những doanh nghiệp yếu kém vỡ nợ, ngay cả khi điều đó cản trở quá trình phục hồi kinh tế.
Cuối cùng, lạm phát cũng có thể được kiềm chế nếu đồng USD tăng giá dựa trên nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
(Theo Zing)
Giá dầu tăng cao nhất hơn 2 năm, có thể lên 80 USD/thùng vào quý III
Giá dầu thế giới đã vượt mốc 70 USD/thùng, cao nhất trong hơn 2 năm qua khi dự báo nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu tại các nước lớn đang có dấu hiệu cải thiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét