Dịch bệnh kéo dài mãi khiến cho chủ các homestay tại Hà Nội không còn trụ được. Không ít người đã phải thanh lý lại các căn hộ cùng nội thất để thoi thóp duy trì tiếp.
Khi chưa có dịch COVID-19, chị Phương (ở Đường Thành, Hà Nội) kinh doanh homestay rất ổn, luôn duy trì khoảng 20-30 phòng, doanh thu mỗi tháng lên tới 200 triệu đồng.
Nhưng sau đợt dịch lần đầu tiên, chị Phương đã phải trả một nửa số căn hộ đang thuê. "Một phần do không đủ khả năng thanh toán 3 tháng tiền nhà, hai là các chủ căn hộ này cũng không có hỗ trợ nhiều" - chị Phương nói và cho biết cũng may do yếu tố bất khả kháng là dịch bệnh nên không bị phạt hợp đồng.
Thời điểm đó, chị Phương cũng phải chuyển sang cho thuê dài hạn để có kinh phí duy trì hoạt động, doanh thu giảm còn 50 triệu đồng/tháng, song có vẫn còn hơn không.
|
Chủ homestay không gánh nổi lỗ qua 4 lần dịch. |
Sau đợt dịch lần 2 và 3, mọi thứ tưởng như đã ổn định nên vợ chồng chị Phương mở rộng kinh doanh trở lại. Nhưng khi đợt "sóng" COVID lần thứ 4 ập đến, các nhà đầu tư của chị Phương cũng không trụ nổi nên chị đành phải thanh lý một loạt căn hộ với giá rất rẻ.
"Khách thuê ít, nhiều người chuyển hẳn về quê tránh dịch không ở lại Hà Nội nên việc cho thuê theo tháng cũng khó khăn. Khách thuê dài hạn không còn mặn mà thì homestay cũng đành phải thanh lý" - chị Phương nói và cho biết homestay thậm chí còn đang bị hạn chế, khách đến thuê phải khai báo rất nhiều.
|
Làn sóng bán tháo homestay đang diễn ra. |
Từ 28 căn hộ, hiện nay chị Phương chỉ còn duy trì 7 căn homestay tại Hà Nội. Theo chia sẻ của chị Phương, mỗi dự án gồm 4-5 căn hộ đều lỗ vài trăm triệu đồng, tổng số tiền ước tính lên tới cả tỷ đồng.
Đợt dịch trước, nhiều nhà đầu tư homestay còn lựa chọn phương án bắt đáy để gom mua lại các dự án thua lỗ như của chị Phương. Theo chia sẻ của anh H. - một người kinh doanh homestay, nếu nhanh nhạy gom lại được những căn hộ của các mô hình đã phá sản khác và duy trì bằng cách cho thuê dài hạn thì sau mùa dịch anh này sẽ có một lượng phòng rất khá.
|
Nhiều chủ đầu tư lỗ tiền tỷ với các dự án homestay. |
Cũng theo anh H., hiện nay, nhiều mô hình homestay được đầu tư rất lớn, lên tới 300 triệu đồng/phòng, nhưng mua lại chỉ khoảng 50 triệu đồng. Thậm chí, nhiều căn chỉ cần trả tiền thuê nhà đã có thể hưởng trang trí cơ bản của chủ trước.
"Hơn nữa, nhiều chủ nhà cũng sẽ hỗ trợ khách thuê giữa mùa dịch bằng cách giảm 30-50% giá nhà. Do đó, đầu tư thêm một chút đồ đạc cơ bản đã có thể cho khách thuê dài hạn" - anh H. chia sẻ thêm.
|
Mức chi phí đầu tư ban đầu với một số homestay không hề nhỏ. |
Song, thời điểm hiện tại, để duy trì được homestay cũng là cả vấn đề, chưa nói tới việc bắt đáy gom nhà. Do đó, sang nhượng homestay lúc này còn lỗ nhiều hơn các đợt dịch trước.
Giá thuê homestay theo tháng tại Hà Nội đang khá rẻ, dao động 4-5 triệu đồng/tháng, mức giá ngang với các phòng trọ. Trong khi đó, các homestay đều được thiết kế bắt mắt và gần như có đầy đủ nội thất.
Cho thuê dài hạn là nước đi cuối cùng của các homestay cũng đang gặp khó.
Nhiều căn homestay ở các vị trí trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc đi lại, người dân có thể cân nhắc tới việc thuê homestay để ở và tận hưởng không gian mới lạ.
(Theo VTV)
Hết thời căn hộ homestay, đua nhau cắt lỗ sâu mất đau tiền tỷ
Nhận thấy tiềm năng căn hộ nhỏ làm homestay tại một số dự án chung cư cao cấp ven đô, không ít nhà đầu tư đổ tiền tỷ vào lĩnh vực này. Lãi chưa thấy đâu, họ đã phải bán vội vì thua lỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét