Cất bằng kỹ sư rồi về quê nuôi cá, thời gian đầu anh Trần Thanh Hùng khiến nhiều người hoài nghi. Nhưng đến nay, anh đã lãi được khoảng 2 tỷ đồng từ cá chạch lấu và giúp bà con cải thiện cuộc sống.
"Hùng cá chạch lấu", biệt danh mà người trong nghề nuôi cá chạch lấu đặt cho anh Trần Thanh Hùng (35 tuổi), ngụ ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
PV gặp anh vào một buổi trưa đầu tháng 6. Anh Trần Thanh Hùng vừa đi giao cá giống về. Nắng và mệt nhưng anh rất phấn khởi vì dù dịch bệnh nhưng cá chạch lấu của anh vẫn giữ được giá cao và xuất hàng đi đều đặn.
Quyết tâm khởi nghiệp dù... thiên hạ cười
Học xong cấp 3, anh Trần Thanh Hùng lên TP Cần Thơ học đại học với quyết tâm phải có bằng kỹ sư thủy sản. Vừa học, anh vừa đi làm công cho một trại cá để lấy tiền ăn học và lấy kiến thức, kinh nghiệm thực tế.
Năm 2011, anh về quê xây 2 bể cá rộng chưa đến 50m2 bắt đầu hiện thực giấc mơ "tỷ phú" cá chạch lấu. Thời điểm này, cha mẹ ủng hộ ý tưởng của anh Trần Thanh Hùng nhưng cũng không có tiền bạc gì để giúp đỡ.
Theo anh Trần Thanh Hùng, cá chạch lấu và cá chạch thường là 2 loài khác nhau. Cá chạch thường sống ở tầng bùn, kích thước tối đa chỉ dài khoảng 20cm, nặng chưa đến 100g, miệng có nhiều tua thịt, thân hình không có hoa văn, vây lưng nhỏ và mềm, giá trị kinh tế không nổi trội.
Còn cá chạch lấu con có thể dài đến hơn 50cm, nặng nửa kg, miệng nhọn, không có râu, thân hình có hoa văn dạng tổ ong, vây lưng lớn và cứng, thịt ngon nên giá trị kinh tế nổi trội so với hầu hết các loại thủy sản nước ngọt khác, hương vị có thể so sánh với thịt ba ba hoặc cá chình.
"Hồi tôi mới làm, người ta nói ra nói vào nhiều lắm. Vì từ xưa đến nay có mấy ai đi học kỹ sư rồi về nuôi cá đâu. Hơn nữa ngày đó cá chạch lấu không có thị trường, rất khó tiêu thụ, trong vùng cũng không có người thích ăn nên tìm đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn", anh "Hùng cá chạch lấu" cho biết.
Theo anh Trần Thanh Hùng, quy trình để có được con giống hết sức gian nan. Trước khi cho cá sinh sản, anh phải thuần dưỡng cá bố mẹ thật kỹ. Khi cá thành thục, mang trứng đủ ngày thì anh mới bắt lên, dùng tay vuốt nhẹ phần bụng để kích thích cho trứng chảy ra.
Để đạt hiệu quả cao, anh rắc trứng cá được thụ tinh lên vỉ lưới dựng đứng trong bể xi măng, có mực nước từ 60-70cm, sục khí oxy liên tục 24/24h, nhiệt độ trong môi trường nước và hàm lượng oxy phải đảm bảo theo quy định.
Sau 6 ngày trứng cá chạch lấu sẽ nở thành cá bột. Giai đoạn này, khâu cho cá ăn vô cùng quan trọng, thức ăn chủ yếu là trứng nước và trùn chỉ. Do đó, môi trường nước dễ bị ô nhiễm và phát sinh nhiều ký sinh trùng gây bệnh trên cá nên phải chăm sóc cẩn thận và theo dõi từng ngày, cho đến khi cá lớn bằng ngón tay út thì mới đảm bảo được sự an toàn.
"Phải canh ao thường xuyên vì chỉ cần mất điện đột xuất làm tắt máy sục khí, thì chỉ một lúc là có khi chết cả bể cá. Cũng phải kiểm tra nước, kiểm tra bể liên tục, thấy bất thường là phải xử lý ngay, một con chết cũng có thể lây ra cả bể", anh Trần Thanh Hùng nói.
Thiếu "đầu ra"
Để có được nguồn thu nhập lý tưởng như hiện nay, suốt 10 năm qua anh Trần Thanh Hùng đã phải chịu không ít khó khăn, thử thách.
Theo bà Nguyễn Thị Sáu (mẹ anh Trần Thanh Hùng), những ngày đầu không có thị trường, cá giống không có người mua, anh phải mang đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để cho. Thậm chí, anh phải nài nỉ người ta mới chịu lấy.
Mỗi nơi cho một vài nhà, rồi người ta biết dần, mãi sau khi người ta biết giá trị con cá thì mới có người mua con giống.
"Mình ủng hộ con, thấy con làm ăn tốt thì phấn khởi, nhưng những ngày đầu tôi lo lắm. Cho tiền ăn học nhưng về làm lại không đâu vào đâu, đi ra thiên hạ lại nói ra nói vào nữa, buồn lắm", bà Nguyễn Thị Sáu tâm sự.
Thấy anh trai gác bằng đại học về nuôi cá chạch lấu thành công, anh Trần Văn Tính (28 tuổi) em trai của anh Trần Thanh Hùng cũng theo gương anh. Học đại học xong anh Trần Văn Tính cũng về quê cùng anh trai nuôi cá.
Hiện nay, anh Trần Văn Tính quản lý một trong 2 trang trại của anh Trần Thanh Hùng, nơi có hơn 20 hộ dân đang nuôi gia công.
Anh Trần Văn Tính khẳng định nghề nuôi cá chạch lấu cho thu nhập cao, những người nuôi gia công cho anh Trần Thanh Hùng thu nhập lên đến vài ba trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình bà Võ Thị Bảy (60 tuổi, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu) trước đây chỉ sống bằng nghề đi làm mướn và trồng cây ăn quả trong vườn, thu nhập bấp bênh. Những năm gần đây, gia đình bà và nhiều hộ chuyển sang nhận nuôi cá cho anh "Hùng cá chạch lấu", đời sống ai cũng khấm khá.
"Quanh đây hầu như nhà nào cũng đều nuôi cá cho anh Trần Thanh Hùng cả, nhà tôi là nuôi ít nhất nên cũng lời ít nhất. Một năm tôi nhận nuôi 60.000 con cá, tiền lời từ nuôi cá trừ hết các khoản, một năm vẫn dư hơn 100 triệu đồng", bà Võ Thị Bảy phấn khởi nói.
Hiện mỗi năm, trang trại anh Trần Thanh Hùng xuất bán khoảng 1 triệu con cá giống, với giá bán mỗi con từ 7.000-15.000 đồng tùy kích thước. Với sản phẩm cá thịt, anh xuất bán từ 15-20 tấn/năm, dao động quanh ngưỡng 300.000 đồng/kg.
Thị trường cả cá giống lẫn cá thịt của anh bao phủ khắp cả nước, một phần sản phẩm cũng được xuất đi thị trường Campuchia.
Sau 10 năm, từ 2 bể cá ban đầu, giờ anh Trần Thanh Hùng đã có vốn, mua thêm đất xây dựng thành 2 trang trại với tổng diện tích lên đến 3 ha. "Mỗi năm trừ hết mọi khoản, tôi lãi được 1,5-2 tỷ đồng", anh "Hùng cá chạch lấu" phấn khởi chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cá chạch lấu là loài thủy sản bản địa với ưu điểm thịt rất ngon, giá trị kinh tế cao, tuy nhiên để nuôi và nhân giống lại rất khó.
Mô hình nhân giống cá chạch lấu của anh Trần Thanh Hùng đã mở ra hướng phát triển mới tiềm năng cho ngành thủy sản của tỉnh.
"Cơ sở của anh Trần Thanh Hùng không chỉ cung cấp con giống mà còn bao tiêu sản phẩm đầu ra hoặc kết nối để tạo đầu ra sản phẩm cho các hộ nuôi. Việc này đã giảm đi rủi ro giá cả bấp bênh, tạo được sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá chạch lấu", bà Nguyễn Thị Thùy Lam nhận xét.
Với những thành công trên, năm 2015 anh Trần Thanh Hùng được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của vì có thành tích đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường. Mô hình sản xuất của anh cũng nhận được nhiều bằng khen của địa phương, anh Trần Thanh Hùng cũng thường xuyên đón các đoàn của bà con nông dân khắp cả nước đến trang trại tham quan, học hỏi kinh nghiệm. |
(Theo Dân Trí)
Bán nhà phố về quê nuôi chim khổng lồ, sau 2 năm anh kỹ sư có tiền tỷ
Đi làm 7 năm với mức lương 20 triệu đồng/tháng, đã có nhà ở phố. Nhưng vì yêu thích chăn nuôi, anh Khương đã quyết định bán nhà lấy vốn về quê nuôi đà điểu, mang lại thu nhập khá ổn cho chàng kỹ sư điện máy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét