Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Tăng trưởng mạnh trong đại dịch, doanh nghiệp lãi đột biến

Hàng loạt doanh nghiệp lớn báo lãi tăng đột biến trong quý I và triển vọng tích cực cho cả năm cho dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là một diễn biến lạ nhưng không quá bất ngờ.

Dồn dập báo lãi

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với lợi nhuận ròng gần 2.100 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ. Đây là một kết quả ấn tượng nhờ vào hoạt động bán hàng tốt của doanh nghiệp này tại 3 đại dự án bất động sản Vinhomes Ocean Park, Smart City và Grand Park cũng như hoạt động vượt trội trong mảng bán xe VinFast và điện thoại thông minh Vsmart.

Theo báo cáo, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý I của Vingroup đạt gần 23,3 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu và lợi nhuận của Vingroup tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí trong quý của Vingroup giảm tới 48% so với cùng kỳ năm trước do sự hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế.

Trước đó, hai doanh nghiệp con của Vingroup là Vinhomes và Vincom Retail đều ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng bất chấp đại dịch. CTCP Vinhomes (VHM) ghi nhận doanh thu quý I/2021 tăng vọt gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 13 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận ở mức cao: 7.050 tỷ đồng. Vincom Retail (VRE) ghi nhận doanh thu hợp nhất trong quý I/2021 tăng 32% lên 2.226 tỷ đồng.

{keywords}
Các doanh nghiệp lớn ghi nhận lãi tăng đột biến trong quý I/2021.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng thông báo lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.000 tỷ đồng trong quý I, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt gần 31,2 nghìn tỷ đồng, tăng 62%.

Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ tăng gấp 5 lần cùng kỳ, lên 1.035 tỷ đồng; doanh thu thuần quý vừa rồi tăng 88%, lên hơn 10,8 nghìn tỷ đồng.

Thép Tiến Lên (TLH) thậm chí báo lợi nhuận sau thuế quý I cao gấp 30 lần so với cùng kỳ, lên 120 tỷ đồng. Thép SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gấp 15 lần lên 216 tỷ đồng. Tổng công ty Thép Việt Nam - VnSteel (TVN) báo lợi nhuân tăng gấp 13,5 lần lên 394 tỷ đồng.

Trong mảng bất động sản, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) vừa báo cáo lãi ròng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hoạt động bán hàng của ông lớn bất động sản này tiếp tục khả quan khi 800 sản phẩm được bán ngay trong tháng 4.

Thai Holdings (THD) của tỷ phú mới nổi Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) báo lãi quý I gấp 40 lần cùng kỳ lên 368 tỷ đồng.

Mảng bất động sản công nghiệp ghi nhận Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) báo lãi quý I gấp 4 lần cùng kỳ lên hơn 208 tỷ đồng. Tập đoàn Tân Tạo (ITA) báo lãi tăng 2,3 lần lên 58 tỷ đồng.

Trong mảng bán lẻ, FPT Retail (FRT) ghi nhận lãi suất thuế đạt 31 tỷ đồng, thực hiện 1/3 kế hoạch lãi cả năm.

Trước đó, trong lĩnh vực ngân hàng, hàng loạt tổ chức báo cáo lợi nhuận tăng vọt. MBBank (MBB) ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt trên 4.570 tỷ đồng, cao gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2020. Vietcombank ước lãi quý I đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ...

Ở mảng tài chính chứng khoán, SAM Holdings (SAM) báo lãi quý I tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ nhờ nguồn thu tài chính; Bamboo Capital (BCG) lãi gấp 20 lần lên 163 tỷ đồng; Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ghi nhận lợi  nhuận trước thuế đạt 528 tỷ đồng, tăng gấp 34 lần so với cùng kỳ năm 2020,...

Đạm Phú Mỹ (DPM) ghi nhận lợi nhuận quý I tăng 74% so với cùng kỳ nhờ giá phân bón tăng mạnh. Phân bón Bình Điền (BFC) báo lãi tăng cao gấp 15 lần cùng kỳ 2020.

Kỳ vọng lớn, cổ phiếu tăng mạnh

Hiện tượng doanh nghiệp lớn ở nhiều ngành nghề từ công nghệ, chế tạo, vật liệu xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp thực phẩm chế biến,... cho đến tài chính ngân hàng chứng khoán đồng loạt công bố lợi nhuận tăng mạnh là diễn biến lạ nhưng không bất ngờ.

Sở dĩ các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh là nhờ sức cầu hồi phục mạnh, trong khi giá bán hàng hóa tăng cao.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, giá thép tăng nóng làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép đều tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép đã tăng khoảng gấp rưỡi so với cùng kỳ.

{keywords}
Cổ phiếu tăng vọt trong phiên giao dịch 5/5.

Việc thiếu hụt nguồn cung thép trong khi nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng... giúp các doanh nghiệp thép Việt đạt lợi nhuận cao.

Tập đoàn Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất khi giá thép tăng bởi công ty chủ động được nguồn phôi nguyên liệu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ lãi chuyển nhượng các dự án đầu tư và đầu tư tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Lãi suất huy động thấp giúp các ngân hàng lãi lớn. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng đột biến giúp các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư,... lãi lớn.

Với những diễn biến tích cực, phần lớn các doanh nghiệp đặt mục tiêu khủng. Thép Thép Tiến Lên đặt mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng tổng doanh thu, 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tập đoàn Nam Long đặt mục tiêu tăng trưởng tổng doanh thu trên 45 nghìn tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế khoảng hơn 4.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2023. FRT đặt kế hoạch tăng 320% lên 120 tỷ đồng trong năm 2021,...

Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục, thậm chí tính bằng lần so với cùng 2020. Cổ phiếu TLH ghi nhận nhiều triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên và giá tăng gấp đôi kể từ đầu năm. Cổ phiếu HPG liên tục lập đỉnh cao mới.

Nhiều dự báo cho thấy các doanh nghiệp sẽ tiếp tục ghi nhận mức lãi cao trong năm 2021. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đạt trung bình khoảng 20%. Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục đi lên bất chấp áp lực chốt lời và khối ngoại bán ra. Hàng trăm nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét