Nhiều DN lo lắng dịch Covid đang bùng phát sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đã đề nghị Chính phủ, có cơ chế cho phép các DN chủ động tìm nguồn mua vaccine, để tiêm phòng cho người lao động
Lo vỡ kế hoạch kinh doanh
Chia sẻ tại buổi toà đàm trực tuyến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm cuối tuần, đại diện nhiều DN lo lắng đại dịch Covid sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đã đề nghị Chính phủ có cơ chế cho phép các DN chủ động tìm nguồn mua vaccine. DN được chủ động tìm nguồn mua thì vaccine sẽ có nhanh hơn và sẽ giải nguy cho sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may hiện có gần 3 triệu lao động, chỉ cần bị giãn cách, ngừng sản xuất nửa tháng thì hậu quả vô cùng lớn, coi như kế hoạch sản xuất cả năm bị "vỡ". Ngoài những biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng thì vaccine vẫn là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Các DN đang sốt ruột chờ vaccine và mong muốn được chung tay, chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng cho người lao động.
Theo ông Giang, ngành dệt may hiện nay có rất nhiều DN FDI (có vốn đầu tư nước ngoài), có mối quan hệ và uy tín với Chính phủ các nước châu Âu, châu Mỹ, có thể kết nối để giới thiệu việc nhập khẩu vaccine thuận lợi hơn.
Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cũng cho biết, DN có gần 150 lái xe, từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay, đã phải chi vài trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm. Doanh thu sụt giảm, thậm chí nhiều tuyến vận tải gần như không có doanh thu, trong khi vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí phát sinh vì Covid, nên rất khó khăn. Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu, có cơ chế cho phép DN tham gia mua, tiêm vaccine trả phí, bởi tính ra chi phí tiêm còn rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện cho Hiệp hội Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ lo lắng, khi ngành điện tử và công nghiệp hỗ trợ đang đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bởi dịch Covid đang đánh thẳng vào "thủ phủ" công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều DN mong muốn được trực tiếp chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động. Đồng thời có cơ chế cho DN huy động các kênh, mối quan hệ để kết nối, đàm phán mua vaccine trên nguyên tắc Nhà nước phê duyệt, kiểm soát và quản lý chất lượng, triển khai tiêm cho người lao động.
Ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công Pepsi Việt Nam cho rằng có thể tham khảo mô hình Indonesia đang thực hiện. Quốc gia này đã có chính sách cho các DN được tham gia đóng góp chi phí để tiêm vaccine cho người lao động và gia đình. Cách triển khai là Bộ Y tế chỉ định các đầu mối được ủy quyền nhập khẩu vaccine, tiêm chủng, sau đó Phòng thương mại và các Hiệp hội DN gửi danh sách dữ liệu tiêm chủng, trên cơ sở đó DN đăng ký mua và tiêm cho người lao động. Vaccine được sử dụng phải đáp ứng quy định của WTO hoặc Bộ Y tế chấp thuận. Đó là mô hình cần tham khảo để huy động sức mạnh cộng đồng, ông Nam nói.
Muốn sớm mua vaccine
Bà Đỗ Hồng Hạnh, thành viên Vitas cho biết, trong liên minh hiệp hội DN Việt - Mỹ, có đơn vị sẵn sàng đứng ra kết nối với các hãng sản xuất vaccine. Họ cũng đảm bảo, chịu trách nhiệm đưa hàng về Việt Nam, sau khi vaccine được cơ quan y tế kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn mới thanh toán.
Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhìn nhận, ngân sách khó có thể chi trả được hết cho mọi người dân, dù có sự đóng góp, ủng hộ từ các nguồn lực khác. Vì thế, ngoài chương trình tiêm miễn phí cho người dân, lao động thu nhập thấp... Chính phủ nên cho phép xã hội hóa, tiêm vaccine trả phí với các đối tượng thu nhập cao, DN tự nguyện trả chi phí tiêm vaccine cho nhân viên.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cộng đồng DN hoan nghênh Chính phủ chủ động tìm nguồn vaccine để tiêm miễn phí cho người dân, nhưng trong tình cảnh hiện nay, việc chung tay và tham gia đóng góp của cả xã hội là cần thiết. DN mong muốn được chung tay tìm nguồn vaccine và chi trả chi phí, chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. VCCI sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị và đề xuất với Chính phủ và Bộ Y tế để sớm có giải pháp thiết thực nhất.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, với khoảng 150 triệu liều tiêm. Tuy nhiên, đến nay mới có hơn 100 triệu liều vaccine Covid được cam kết cung cấp. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 40 triệu liều để đạt mục tiêu.
Vaccine Covid không có hiệu lực bảo vệ miễn dịch suốt đời, chỉ kéo dài 6 tháng đến một năm. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung và cơ chế tài chính mua vaccine rất quan trọng. Hiện, Bộ Y tế đã nhận khoảng hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt và hàng từ người dân và các DN, tổ chức... đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này còn rất nhỏ so với nhu cầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với Đại diện một số Đại sứ quán các nước có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam và đại diện các DN nước ngoài tại Việt Nam. Cuộc làm việc là để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng Covid cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, tiếp cận vaccine phòng Covid đang là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của Việt Nam là tiếp cận vaccine phòng Covid nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng rộng nhất. Bộ trưởng mong muốn các Đại sứ quán, các DN hỗ trợ, tác động để có thêm vaccine cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các nước có dư thừa vaccine, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vaccine.
Đại diện các DN nước ngoài cũng đồng ý chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng vaccine cho người lao động và mong muốn Bộ Y tế sẽ hỗ trợ phê duyệt các thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam.
Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, là 1 trong 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thực hiện chiến lược vaccine, phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, trong lúc nguồn vaccine còn thiếu, cả thế giới đều lo vaccine, đây là một trong những biện pháp tấn công của các nước, tất cả đều đi mua, mà sản xuất thì có hạn, nên chúng ta phải quyết tâm. Đó là khó khăn khách quan, nhưng không vì thế mà chậm trễ. Do đó chúng ta phải dùng mọi biện pháp từ: biện pháp ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác… để tiếp cận mua vaccine. Đồng thời phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Bên cạnh đó, tiến hành mua công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài, Thủ tướng giao cho các cơ quan liên quan “bằng mọi biện pháp phải có công nghệ”. |
Trần Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét