Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Nhiều thương hiệu tivi biến mất

Trước Vsmart, những "ông lớn" Nhật Bản như Panasonic, Toshiba, Sharp cũng không còn mặn mà với thị trường tivi Việt Nam.

VinSmart là thương hiệu tivi mới nhất rút khỏi thị trường. Trong khi đó, Samsung, LG và Sony đang chiếm lĩnh hầu hết thị phần, dù những năm gần đây bắt đầu xuất hiện những thương hiệu tivi đến từ Thái Lan.

Những cái tên lần lượt ra đi

Hải Long, nhân viên lâu năm tại một siêu thị điện máy ở TP.HCM, cho biết từ nhiều năm qua, cạnh tranh giữa các dòng tivi chủ yếu chỉ sôi động ở ba "ông lớn" gồm Samsung, Sony và LG. "Các thương hiệu 'vang bóng một thời' như Panasonic, Toshiba và Sharp dần đi xuống vì mẫu mã ít, chậm cải tiến công nghệ trong khi giá thành cao hơn", Hải Long nhìn nhận.

Hiện nay, tại các chuỗi siêu thị điện máy lớn, người tiêu dùng không còn thấy sự xuất hiện của tivi Toshiba. Đại diện doanh nghiệp cho hay đã dừng bán tivi tại Việt Nam và tập trung vào các mặt hàng điện tử gia dụng khác.

Trước đó, từ năm 2015, Toshiba đã bán một phần công ty cho tập đoàn điện tử Đài Loan Compal Electronics và chuyển giao giấy phép kinh doanh tivi ở Bắc Mỹ. Lý do là mặc dù đã cố gắng cắt giảm chi phí và giới thiệu các dòng tivi màn hình lớn đem về mức lợi nhuận lớn hơn, cuộc cạnh tranh về giá vẫn ngày càng khắc nghiệt đến "khó thở".

{keywords}
Người tiêu dùng hiện khó tìm mua các sản phẩm tivi của Toshiba tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Tương tự, hồi đầu tháng 5, Panasonic cũng tuyên bố ngừng sản xuất tivi giá rẻ tại các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam để cắt giảm chi phí, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Hiện tại, giống như Sharp, sản phẩm tivi của Panasonic được bày bán tại Việt Nam chỉ còn số ít mẫu, ra mắt từ năm 2018-2019 với công nghệ cũ và mức giá "xả tồn kho".

Panasonic trước đó đã dừng ra mắt dòng tivi plasma và đóng cửa dây chuyền sản xuất tivi tại Mỹ và Trung Quốc. Hãng hiện chiếm 1,8% thị phần tivi trên toàn cầu, theo hãng phân tích Omdia, và chỉ có lãi nhờ tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản.

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo, từng đánh giá tivi không còn là ngành hàng chủ chốt của các doanh nghiệp điện tử. Ông cho rằng các hãng chỉ đưa ra sản phẩm mới để duy trì thị phần và thương hiệu, đa số đã dịch chuyển sang nhiều mũi nhọn khác như điện lạnh, lọc nước, lọc không khí...

Mới nhất, Tập đoàn Vingroup tuyên bố VinSmart sẽ dừng sản xuất tivi, điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ôtô VinFast. Trên thực tế, từ khi ra mắt 5 dòng sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2019 đến nay, thương hiệu tivi Vsmart chưa có thêm sản phẩm mới nào.

“Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng", ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Tam cũng nhìn nhận ngành tivi gần như đã bão hòa, trong khi điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, tủ đông... có biên lợi nhuận cao và chi phí bảo hành chỉ chiếm khoảng 1-2%.

"Một mặt là các hãng cạnh tranh nhau đến mức không còn lợi nhuận, mặt khác đặc thù sản phẩm có tấm màn dễ hư hỏng ở thời tiết ẩm nên chi phí bảo hành chiếm đến 10%", ông Tam phân tích.

"Kiềng ba chân" của thị trường tivi

Hồi giữa tháng 3, hãng điện tử, điện lạnh Aqua Việt Nam vẫn công bố chính thức gia nhập thị trường tivi. Ở lần ra mắt đầu tiên, thương hiệu tung ra 4 sản phẩm tivi thông minh AI được coi là dòng chủ lực.

Trong khi đó, chia sẻ với Zing, đại diện Sony Việt Nam cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ tập trung vào phân khúc tivi màn hình lớn và cạnh tranh dựa trên công nghệ, chất lượng sản phẩm.

Những năm qua, hãng này cùng các tên tuổi lớn khác như Samsung, LG và các thương hiệu tivi Trung Quốc, Thái Lan như TCL, Mobell, Falcon, Casper... liên tục tung ra sản phẩm và công nghệ mới để đối đầu trực diện.

Đại diện Samsung Việt Nam cho biết đã vạch chiến lược cụ thể để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường 8K, đồng thời đa dạng hóa dãy sản phẩm QLED và mở rộng thị trường cho các dòng tivi lifestyle.

{keywords}
Đồ họa: Hà My.

Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu GfK, tính đến hết quý III/2020, bộ ba thương hiệu đang dẫn đầu thị trường tivi tại Việt Nam là Samsung, Sony và LG. Trong đó, Samsung chiếm thị phần lớn nhất, lên đến 44,7%.

Tuy nhiên, trong khi Samsung và LG liên tục gia tăng 1-5% thị phần qua mỗi năm từ 2018, thì "miếng bánh" của Sony lại dần nhỏ đi, từ mức 32,6% năm 2018 còn 25,9% vào cuối tháng 9 năm nay.

Đồng thời, Samsung ngày càng nới rộng khoảng cách với 2 đối thủ, khi con số thị phần đã bắt đầu lớn hơn tổng thị phần của Sony (25,9%) và LG (17,6%) cộng lại.

Báo cáo này cũng cho thấy thị trường tivi màn hình lớn từ 55 inch trở lên có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ bất kể đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 9, người tiêu dùng Việt Nam mua 919.300 chiếc tivi ở phân khúc này, tăng 29% so với năm 2017. Thị phần nhờ đó cũng đạt 44%, tăng 11% so với năm ngoái.

(Theo Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét