Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Ether khác gì Bitcoin?

Nhà sáng lập Ether ban đầu yêu thích Bitcoin, nhưng không hài lòng về giới hạn của hệ thống này. Sau quãng thời gian phát triển nóng, Ether đang đe dọa vị thế độc tôn của Bitcoin.

Dogecoin - đồng tiền mã hóa ra đời như một trò đùa - đạt vốn hóa hơn 66 tỷ USD. Ngoài Bitcoin, Ether và Dogecoin, CoinGecko còn theo dõi hơn 7.000 loại tiền mã hóa khác. Tuy nhiên, theo Bloomberg, hầu hết nhà đầu tư muốn quan sát Bitcoin và Ether - hai đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

Bitcoin được thiết kế như một loại tiền tệ có thể trao đổi mà không cần bất cứ tổ chức trung gian nào. Đây là một dạng tiền mới, được xác minh thông qua công nghệ mã hóa trong các hệ thống ngang hàng (P2P). Sổ cái (blockchain) ghi lại tất cả giao dịch mua bán Bitcoin.

Bitcoin là một kho lưu trữ trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nó không có bất cứ tòa nhà, giám đốc điều hành, luật sư, cơ cấu chính trị hay tổ chức việc làm nào. Bitcoin cũng không cần kế toán dù là một sổ cái kỹ thuật số.

{keywords}
Bitcoin và Ether là hai đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Vàng kỹ thuật số

Mã Bitcoin thực hiện công việc trung tâm, bảo mật và nâng cấp cho các cải tiến mới. Những công ty máy tính quy mô trung bình quản lý máy thực hiện giao dịch. Chúng được gọi là các "thợ đào", chẳng khác gì công ty khai thác kỹ thuật số khai thác vàng kỹ thuật số.

Do không có tổ chức trung gian, Bitcoin có thể giải quyết vấn đề chuyển giao giá trị ở khoảng cách xa một cách hiệu quả, không tốn kém và phi chính trị. Cho đến nay, hệ thống Bitcoin được chứng minh là một trong những công nghệ linh hoạt nhất mà chúng ta từng có.

Bitcoin hầu như không có giá trị gì khi được kích hoạt lần đầu tiên vào tháng 1/2009. Đến tháng 4/2021, giá Bitcoin đạt kỷ lục gần 65.000 USD.

Còn Ethereum được Vitalik Buterin - một thiếu niên người Canada gốc Nga - phát triển vào năm 2013. Ban đầu, Buterin yêu thích Bitcoin nhưng nhanh chóng không hài lòng về giới hạn của loại tiền này.

Buterin quyết tâm bắt tay vào xây dựng một hệ thống có thể làm được nhiều hơn. Tầm nhìn của anh là tạo ra một blockchain lưu trữ hợp đồng thông minh - thực thi những tác vụ cụ thể trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện nhất định. Nói cách khác, giới hạn duy nhất đối với những giao dịch chạy trên Ethereum là trí tưởng tượng của các nhà phát triển.

{keywords}
Giá Bitcoin tăng gần 100% kể từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi giá Ether leo dốc gần 400%.

Câu hỏi đặt ra là Ethereum đã vay mượn gì từ Bitcoin. Đó là ý tưởng hoạt động dựa trên một mạng lưới phi tập trung ghi lại các giao dịch mua bán. Cả hai hệ thống đều công khai và được xây dựng trên phần mềm nguồn mở.

Cả hai cũng đều có các thợ đào. Họ thực hiện những phép tính phức tạp được sử dụng để xác minh giao dịch và nhận loại các đồng tiền kỹ thuật số mới. Hệ thống cũng hứng chịu chỉ trích vì tiêu thụ nhiều năng lượng. Một ước tính chỉ ra mạng lưới Bitcoin sử dụng nhiều điện hơn Thụy Điển trong vòng một năm.

Bitcoin đã được coi là một dạng "vàng kỹ thuật số". Dĩ nhiên, loại tiền mã hóa này rất dễ bay hơi và đã nhiều lần chứng kiến bong bóng sụp đổ.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nắm giữ Bitcoin như một hàng rào chống lạm phát do nguồn cung giới hạn. Giá Bitcoin cũng không bị ảnh hưởng bởi các tài sản khác. Do đó, nhiều nhà đầu tư sử dụng chúng để đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Ethereum cũng trải qua một quá trình phát triển. Nhưng sự bùng nổ đầu tiên diễn ra vào năm 2017 với hàng loạt đợt ICO (phát hành tiền mã hóa lần đầu). Nhiều loại tiền mã hóa ra đời, được dùng để đổi Ether và hầu hết sử dụng chuỗi khối Ethereum. Giá Ether khi đó đã chạm ngưỡng kỷ lục 1.200 USD/đồng.

Lần bùng nổ thứ hai diễn ra trong năm 2020 khi các dự án tài chính phi tập trung (DeFi) phát triển mạnh mẽ. Những startup này trả lãi cho tiền gửi Bitcoin hoặc Ether, cho vay thế chấp hoặc hoán đổi tiền mã hóa trên các sàn giao dịch phi tập trung.

Mạng lưới Ethereum do đó được sử dụng để quản lý tài chính, cho vay và thế chấp. Tất cả đều không cần ngân hàng và nhà môi giới. Cùng với đó là sự phát triển nóng của các token không thể thay thế (NFT), một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu.

NFT là một tài sản nguyên vẹn không thể phân chia, lưu trữ trên nền tảng blockchain thông qua hợp đồng thông minh, không thể phá hủy, có thể xác minh và không có bản sao thứ hai. Tác phẩm có tên Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ tiền mã hóa Beeple được bán với giá 69,4 triệu USD trong một cuộc đấu giá của Christie's.

Đe dọa vị thế độc tôn của Bitcoin

Giá của Bitcoin và Ether không biến động nhiều trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, còn được gọi là "mùa đông tiền mã hóa". Nhưng cả hai đều hưởng lợi khi các chính phủ mạnh tay bơm tiền vào nền kinh tế để đối phó với tác động của dịch Covid-19.

MicroStrategy Inc. - một công ty phần mềm và tư vấn - và hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã đầu tư vào Bitcoin. Phố Wall và nhiều tổ chức tài chính khác cũng bắt đầu chấp nhận Bitcoin. Morgan Stanley và PMorgan Chase & Co. đều mở kênh theo dõi tiền thuật toán cho các khách hàng.

Trong khi đó, giá Ether được thúc đẩy bởi những hoạt động đang diễn ra trên blockchain phổ biến nhất thế giới. Công ty đã trải qua nhiều đợt nâng cấp để cải thiện mạng lưới. Sự thay đổi cũng có khả năng giảm nguồn cung. Điều đó sẽ thúc đẩy giá do gia tăng sức hút và giới hạn số lượng Ether có sẵn.

"Các nhà đầu tư thường xem Ether như một loại hình đầu tư tăng trưởng. Họ đặt cược vào sự phát triển của hệ sinh thái phi tập trung được xây dựng dựa trên Ethereum", ông Phil Bonello, Giám đốc nghiên cứu tại Grayscale Investments, nhận xét.

{keywords}
Giá Ether lập đỉnh hơn 4.200 USD/đồng hôm 10/5. Ảnh: Coin Desk.

Mạng lưới Ethereum được sử dụng nhiều hơn Bitcoin và vô số nhà phát triển vẫn đang làm việc. Bitcoin hiện chiếm khoảng 46% tổng giá trị thị trường tiền mã hóa, giảm từ 70% hồi đầu năm. Tỷ lệ của Ether là 15%.

Tuy nhiên, các rủi ro pháp lý hoặc thuế quá khắt khe có thể đe dọa sự phát triển của Bitcoin và Ether ở một số quốc gia. Cùng với đó là nguy cơ lừa đảo hoặc nhà đầu tư quên mã tài khóa kỹ thuật số.

Một số nhà quan sát coi sự bùng nổ của tiền mã hóa là bong bóng. Các tổ chức lớn - thường được gọi là "cá voi", nắm giữ khối lượng tiền mã hóa khổng lồ - cũng có thể điều chỉnh giá tùy theo ý muốn.

Ngay cả những người ủng hộ tiền mã hóa cũng cho rằng lĩnh vực này biến động rất mạnh. Tuy nhiên, Bitcoin và Ether đã phục hồi từ xu hướng giảm trong nhiều năm qua và ngày càng được nhiều người chấp nhận như một tài sản tài chính chủ đạo.

(Theo Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét