Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Đắk Nông: Người dân cản trở, nhà đầu tư điện gió lại kêu cứu

Với 6 dự án điện gió được phê duyệt đầu tư, Đắk Nông kỳ vọng mỗi năm thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ các dự án đang chậm do gặp nhiều phát sinh với người dân. 

Đền bù rồi vẫn chặn xe đòi tiền

Ngày 5/5, tại vị trí trụ móng cột tuabin số 27 thuộc xã Thuận Hà, 7 hộ dân gồm các ông bà Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Thị Hường, Trịnh Thị Kim Duyên, Hoàng Thị Tốt, Nguyễn Văn Diễn, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Văn Đình đã tổ chức chặn 3 xe bê-tông của đơn vị thi công, không cho xe đi qua với lý do yêu cầu công ty đền bù ảnh hưởng trong phạm vi 300m.

UBND xã xuống lập biên bản, xử lý vụ việc vẫn không xong. Nếu sự việc kéo dài, 3 xe bê-tông thành phẩm sẽ đông cứng, thiệt hại tài sản lên tới hàng tỷ đồng. Cực chẳng đã, chủ đầu tư buộc phải bỏ ra số tiền 50 triệu đồng cho dân để xe được đi qua.

Đó là một trong rất nhiều những lần chủ đầu tư dự án điện gió Đắk N’Drung gặp phải sự cản trở của người dân, dù họ tiến hành thi công trên phần đất sạch đã đền bù, GPMB. Tháng 5/2021, chủ đầu tư điện gió Đắc N’Drung đã gửi đơn lên UBND tỉnh Đắk Nông kêu cứu, mong được “giải cứu” cho doanh nghiệp.

Thực tế trên đang diễn ra liên tục ở huyện Đắk Song, nơi tập trung 6 dự án điện gió. Phổ biến là người dân tụ tập đông người, đòi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) vượt khung so với quy định; trồng cây cối, hoa màu, dựng công trình tạm để đòi thêm tiền bồi thường; tìm mọi cách cản trở nhà đầu tư thi công như rào đường, chôn cọc ngăn đường,...

{keywords}
Người dân đóng cọc, rào đường, cản trở không cho chủ đầu tư điện gió thi công 

Chủ tịch huyện Đắk Song Nguyễn Văn Phò xác nhận, trực tiếp ông đã phải ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành, chính quyền địa phương các xã vào cuộc, xử lý các nội dung phản ánh của nhà đầu tư.

Ngày 13/5, UBND tỉnh Đắk Nông ra văn bản 2323 về việc chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý nội dung phản ánh của nhà đầu tư: giao Công an tỉnh, các Sở Công Thương, TN-MT vào cuộc giải quyết những vướng mắc đang tồn tại. Tỉnh cũng giao UBND huyện Đắk Song chỉ đạo các đơn vị trực thuộc yêu cầu người dân phối hợp với doanh nghiệp, không cản trở thi công; có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư.

{keywords}
Một con đường bị người dân đóng cọc ngăn đường, không cho xe của chủ đầu tư vào công trường
{keywords}
Người dân rào đường, đóng cọc ngăn đường để chặn máy móc, thiết bị của chủ đầu tư thi công điện gió

Đắk Nông cũng gửi văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương, Bộ TN-MT hướng dẫn, giải đáp đối với nội dung người dân yêu cầu đền bù, bồi thường trong phạm vi bán kính 300 mét tính từ trụ tuabin điện gió, lấy đó làm căn cứ để giải quyết những yêu cầu, thắc mắc của người dân.

Theo Chủ tịch huyện Đắk Song Nguyễn Văn Phò: “Những hành vi nêu trên là sai trái, vi phạm pháp luật. Bà con đòi hỏi mức giá đền bù không có căn cứ; dựng nhà tạm, công trình,... giả mạo để nhận tiền đền bù, tiếp đến lại đòi hỏi đền bù về ảnh hưởng tiếng ồn, bồi thường trong phạm vi 300m - điều chưa có quy định cụ thể”.

Cảnh báo lan rộng

Sau sự việc trên, ngày 14/5, huyện đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình, Đắk Hòa, thị trấn Đức An cùng vào cuộc, chấm dứt vấn nạn các hộ dân cản trở, làm khó cho doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐND xã Thuận Hạnh Đỗ Văn Vịnh cho biết, tại xã này, người dân cố tình dựng công trình tạm, trồng cây, khoan giếng,... để được nhận đền bù. Khi phát hiện sự việc, xã đã lập biên bản và loại khỏi danh sách nhận tiền đền bù.

Tại xã Thuận Hà, Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Tiền xác nhận: “Có những trường hợp, người dân không liên quan tới đất bị thu hồi, không phải chủ đất, không cư trú tại thôn có việc xảy ra tranh chấp nhưng cũng cản trở, gây khó dễ. Chúng tôi phải yêu cầu công an xã lập biên bản họ mới giải tán".

Xã Thuận Hạnh đã lập biên bản hơn 20 trường hợp người dân đứng ra cản trở, đóng cọc bê tông, rào đường, hay cho phụ nữ, trẻ em, người già,... đứng trước đầu xe, buộc chủ đầu tư phải dừng thi công; tổ chức 13 cuộc đối thoại với các hộ dân nhưng vẫn chưa có hồi kết.

{keywords}
Đắk Nông đang kỳ vọng mỗi năm có thêm nguồn thu khoảng 1.000 tỷ đồng từ điện gió 

Hệ lụy từ việc bị người dân cản trở thi công, chủ đầu tư đang phải chịu phạt từ các nhà thầu do không bàn giao được đất để thi công đúng hạn, với số tiền lên tới 5-7 tỷ đồng mỗi ngày.

“Nếu sự việc này tiếp tục kéo dài, dự án sẽ không hoàn thành đúng tiến độ gây tổn thất, thiệt hại lớn cho chủ đầu tư”, đại diện nhà đầu tư lo ngại.

Chủ tịch huyện Đắk Song Nguyễn Văn Phò cho biết: “Thời gian qua, địa phương tập trung nhiệm vụ chống dịch, chuẩn bị cho bầu cử nên chưa tập trung giải quyết dứt điểm các bức xúc của chủ đầu tư. Tới đây, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm để chủ đầu tư thi công, đảm bảo công trình đúng tiến độ. Nếu để tình trạng này kéo dài không những cản trở tiến độ của các dự án mà còn ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của địa phương.

Thậm chí, "Cơ quan công an đang xác minh, xử lý các đối tượng lợi cầm đầu, lợi dụng sự việc để kích động người dân”, ông Phò cho biết.

Hoàng Bình

Một mảnh đất 2 chủ đòi đền bù, chủ dự án điện gió 'kêu trời' vì mắc kẹt

Một mảnh đất 2 chủ đòi đền bù, chủ dự án điện gió 'kêu trời' vì mắc kẹt

DN điện gió 'kêu trời' khi không thể một lúc trả tiền cho cả hai đến ba chủ trên cùng một mảnh đất được. Điều đó trái luật và tạo ra tiền lệ 'đòi tiền' không tốt cho môi trường đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét