Mâu thuẫn nội bộ kéo dài cùng với cú sốc Covid-19 trăm năm hiếm có đã khiến ông lớn xây dựng số 1 lao dốc, mất 10 ngàn tỷ đồng trong vòng 3 năm qua.
Trong phiên giao dịch ngày 2/6, cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons giảm sàn 7% xuống còn 71.900 đồng/cp. Một cuộc chiến mới lại nổi lên trong nội bộ DN xây dựng số 1 tại Việt Nam và nó khiến nhiều người lo ngại giá cổ phiếu lại bước vào một đợt giảm giá mới, sau cú tụt giảm từ mức khoảng 230 ngàn đồng (giá điều chỉnh) xuống 45.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Tính ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi cả chục ngàn tỷ đồng so với thời kỳ đỉnh cao.
Cổ phiếu Coteccons giảm mạnh sau khi cổ đông lớn là Kustocem (sở hữu 17,55% cổ phần) gửi thông báo đến các cơ quan chức năng về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cho CTD vào ngày 13/07 sắp tới, với ngày đăng ký cuối cùng là 22/06.
Kustocem muốn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương (chủ tịch CTD hiện tại) rời khỏi Coteccons, thay đổi HĐQT hiện tại, bầu HĐQT mới, đồng thời kiểm toán đặc biệt hoạt động kinh doanh của Coteccons từ 2017, liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong Coteccons Group.
Theo Kustocem, Kusto Group đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của Coteccons trong 8 năm qua. Tuy nhiên, trong các đề xuất của mình, nhà đầu tư cho rằng, các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong Coteccons Group đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của đơn vị khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng.
Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương. |
Một dẫn chứng được Kusto đưa ra là: một số thành viên của HĐQT và Ban giám đốc hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại Công ty Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật.
Ricons vừa là nhà thầu phụ của Coteccons cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế và thi công, đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons, và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường. Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons và đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.
Ở chiều ngược lại, Trần Bá Dương chưa đưa ra ý kiến của mình về vấn đề này. Trong ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Trần Bá Dương trình phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons để tăng khả năng phòng thủ. Theo đó, nếu sáp nhập, Coteccons sẽ có 3 trong 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam, để thương hiệu mạnh hơn. Riêng Coteccons và Unicons đã chiếm 10% thị trường xây dựng.
Tuy nhiên, phương án không nhận được sự đồng thuận từ cổ đông lớn Kusto. Tại đại hội, đại diện Kusto cho rằng sự sáp nhập này sẽ không bổ sung được lợi ích cho hai công ty. Thay vì M&A thì Coteccons nên tập trung vào yếu tố cốt lõi, nền tảng. Chính vì không nhận được sự đồng thuận của Kusto, Chủ tịch Coteccons đã tuyên bố dừng phương án sáp nhập và khẳng định từ nay không bàn đến nữa.
Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến nhiều cuộc đối đầu giữa nhóm cổ đông nội-ngoại tại nhiều doanh nghiệp như ở trường hợp Bibica, hay tại doanh nghiệp đá nhân tạo Vicostone (VCS). Tại Vicostone, cách đây hơn 4 năm, đại gia Hồ Xuân Năng (“Năng Do Thái”) nổi tiếng với cú thâu tóm kinh điển.
Bước ngoặt đến với ông Hồ Xuân Năng chính ở vào thời điểm mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông trong nước và nhóm cổ đông nước ngoài (nắm giữ khoảng 45% cổ phần) cách đây khoảng 5 năm. Mâu thuẫn đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Cuộc chiến cổ đông tại Vicostone chấm dứt với việc 3 cổ đông ngoại đến từ châu Âu sở hữu hơn 46% cổ phần thoái vốn trong tháng 6 và tháng 7/2014, tạo cơ hội cho Phenikaa (của oogn Năng) mua lại và nắm quyền kiểm soát Vicostone.
Ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone, chính là người sau đó đã thâu tóm tới 99% cổ phần công ty đi thâu tóm và trở thành ông chủ của Phenikaa.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 3/6, chỉ số VN-Index dao động quanh ngưỡng 880 điểm.
Theo MBS, thị trường có phiên điều chỉnh kỹ thuật sau nhịp tăng gần 30,5% kéo dài 2 tháng vừa qua. Tuy vậy, áp lực chốt lời phần lớn tập trung vào nhóm smallcap khi nhóm này đã tăng 8 tuần liên tiếp, đó cũng là lý do thị trường chỉ giảm nhẹ nhưng số mã giảm phiên này đã tăng lên đáng kể. Đây là phiên chốt lời thuần túy khi cả trong và ngoài nước không có thông tin nào bất lợi tác động đến thị trường. Xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa có gì thay đổi, thị trường sẽ thử thách mức cản quan trọng 884 điểm vào ngày mai.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/6, VN-Index giảm 3,87 điểm xuống 874,8 điểm; HNX-Index giảm 0,49 điểm xuống 113,64 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 8,2 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét