Dù chỉ bán hàng vỉa hè, anh Ngọc cho biết, mình chăm sóc khách hàng thường xuyên, dịch vụ như một công ty.
Những người đi qua đoạn đường Lê Văn Lương, quận 7, TPHCM (gần Lotte Mart) thường xuyên thấy chiếc xe Ford Ranger đậu bên lề đường bán sầu riêng. Kẻ mua người bán tấp nập.
Chủ của cửa hàng sầu riêng mang tên "Ngọc sầu riêng Ford Ranger" này là anh Lê Duy Ngọc, 40 tuổi, quê ở Long An. Anh thường "mở cửa" hàng vào 4 giờ chiều và kết thúc vào lúc 11 đến 12 giờ đêm. Tuy nhiên, không phải ngày nào anh cũng bán vì phải chờ sầu riêng chín tự nhiên.
Anh Ngọc cho biết, trước Covid-19, có ngày anh bán được hàng tấn sầu riêng nhưng sau dịch, lượng bán giảm nhiều. Hiện tại, mỗi lần anh tiêu thụ được khoảng 200 đến 300 kg và lời khoảng 60 triệu đồng/tháng (tương đương 2 triệu đồng/ngày). Loại sầu riêng mà anh đang bán là giống sầu Thái Lan được trồng tại Việt Nam.
Cái duyên đưa những chuyến xe Ford Ranger chở sầu riêng tới đường Lê Văn Lương, ban đầu, chỉ là bán trái cây trồng ở Gia Lai, bên cạnh việc thầu phế liệu khu công nghiệp, chuyên về nhôm và đồng.
"Sau đó, tôi yêu sầu riêng và yêu luôn công việc bán mua này", anh Ngọc kể. Với chiếc xe Ford Ranger vốn dùng để giao dịch và chở đồ của nghề thầu, anh tận dụng luôn vào công việc mới. Anh đã đồng hành cùng "con ngựa sắt" và trái sầu được hơn 1 năm nay.
Thấy có thị trường, anh Ngọc liên kết với bà con ở nhiều tỉnh để họ trồng theo yêu cầu của anh. "Hợp đồng của tôi với nông dân thường cao hơn thị trường vì cam kết cơm phải ngon, trái đẹp xấu không quan trọng", anh Ngọc kể.
Theo lời anh Ngọc, với giá bán 120.000 đồng/kg, nhiều người chưa rõ sản phẩm nên kêu đắt nhưng khi biết chất lượng sầu rồi, họ vui vẻ mua tiếp. Anh hướng tới đối tượng khách hàng là tầng lớp trung lưu, nhân viên văn phòng.
Chia sẻ về câu chuyện "Vì sao phải mang xe đắt tiền đi bán sầu riêng?", anh Ngọc cho biết, anh từng thấy ở Thái Lan, người ta chuyên bán hàng trên xe tải. Về Việt Nam, anh cũng muốn thử xem sao. "Sẵn trái cây vườn nhà, tôi thực hiện ngay sau đó", anh Ngọc kể.
Dù chỉ bán hàng vỉa hè, chủ của chiếc xe Ford Ranger trên tự hào rằng, anh chăm sóc khách hàng thường xuyên, xem họ có hài lòng không, cần cải thiện những gì.
"Tiêu chí bán hàng của tôi là mua bán có tâm. Tôn trọng khách hàng. Dịch vụ như một công ty", ông chủ tiệm sầu riêng chia sẻ.
Theo anh Ngọc, chất lượng sầu riêng của anh được phía đối tác nhà vườn đảm bảo bằng hợp đồng cụ thể. Tỷ lệ phản hồi đổi trả của khách là 2%. Trong trường hợp khách không hài lòng, anh cho biết: "Khách phản hồi đúng là chúng tôi đền, bất cứ nơi đâu. Chúng tôi đền luôn phí ship và phí chuyển khoản". Tâm niệm của anh Ngọc "Ford Ranger" là thời buổi hiện tại, kinh doanh phải dựa trên nền tảng chất lượng và uy tín.
Khi "lấn sân" sang bán sầu riêng, anh mong muốn 3 điều. Thứ nhất, ổn định giá cho nông dân. Thứ hai, ổn định lãi cho bản thân khi kinh doanh. Và một điều quan trọng nữa là đảm bảo chất lượng cho khách hàng với dịch vụ tốt nhất có thể.
"Làm được điều trên thì cả người bán, nông dân và khách hàng đều vui vẻ. Và hơn nữa, có thể giải cứu được nông sản cho nông dân một cách bền vững", anh Ngọc nói.
Nói về việc phát triển kinh doanh trong thời gian tới, người đàn ông đến từ Long An cho biết, muốn phát triển thì phải có nhiều chi nhánh hơn. Việc bán hàng trên xe ô tô Ford Ranger tạo thương hiệu tốt, nhưng có những bất cập nhất định về vỉa hè, chỗ đậu xe, nên nếu mở rộng, anh mong muốn mở shop để bà con có thể đến mua sản phẩm. Anh cũng đã đi đăng ký thương hiệu độc quyền Ngọc sầu riêng Ford Ranger và đang chờ phê duyệt.
Bên cạnh đó, theo anh, cái khó của việc mở chi nhánh không phải kinh phí mà là cái tâm của cửa hàng trưởng, thần thái bán hàng, sự am hiểu tâm lý khách hàng…. Do đó, anh phải đi từng bước một để xây dựng con người, khách hàng trong thời gian tới.
(Theo Tổ Quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét