Khi nhắc đến đa cấp, chắc chắn sẽ có rất nhiều người Việt nghĩ tới hành vi lừa đảo. Thậm chí hiện nay cụm từ “đa cấp” còn trở thành khái niệm ám chỉ lừa đảo.
Thế nhưng kinh doanh đa cấp có xấu như người ta nghĩ hay không, bản chất thực sự của kinh doanh đa cấp và đa cấp biến tướng là gì thì không phải ai cũng biết.
Bản chất thực sự của đa cấp
Ở Việt Nam khi ai đó nhắc đến cụm từ “kinh doanh đa cấp” thì đa phần đều nghĩ người đó không phải kẻ lừa đảo thì cũng là nạn nhân của những vụ lừa đảo. Bởi thế, dường như cả xã hội đều đề phòng “đa cấp”, thậm chí là tẩy chay, khinh bỉ hoặc xúc xiểng. Song trên thực tế, số người tham gia kinh doanh đa cấp lại ngày một tăng cao trái ngược với tâm lý loại trừ của xã hội.
Giả sử bạn vừa cho ra đời một sản phẩm mới là A chẳng hạn. Bạn muốn đưa sản phẩm A ra thị trường nhưng A là sản phẩm mới tinh chẳng ai biết đến nên rất khó bán. Muốn bán được hàng bạn buộc phải làm chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhưng khổ nỗi những chiến dịch này tiêu tốn một lượng tiền khổng lồ mà bạn vừa khởi nghiệp nên vay đâu ra tiền. Thứ nữa là quảng cáo thì chung chung không trúng khách hàng tiềm năng, chi phí thì cao mà hiệu quả chẳng là bao.
Hoặc giả như chiến dịch quảng cáo, tiếp thị của bạn thành công tới mức cả nước ai cũng biết. Bạn không thể đi bán rong trong khi sản phẩm A đưa ra thị trường thì không có hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng, siêu thị nào tiếp nhận. Như vậy việc chào hàng của bạn lại đi vào ngõ cụt, tình trạng này xưa nay không hiếm gặp và đương nhiên sản phẩm A của bạn sẽ bị thị trường loại trừ vĩnh viễn. Thế nên muốn bán được hàng, bạn phải cắt phần trăm hoa hồng, khuyến mại và chăm sóc khâu trung gian này thật tốt.
Thành ra, việc đưa sản phẩm A vào lưu thông đã phát sinh vô vàn chi phí từ quảng cáo, tiếp thị đến hoa hồng, khuyến mại. Vậy nên để có lợi nhuận bạn buộc phải tăng giá của sản phẩm. Chẳng hạn sản phẩm A sản xuất hết 2 ngàn + quảng cáo tiếp thị 3 ngàn + hệ thống phân phối bán hàng 3 ngàn = tổng là 8 ngàn, muốn có lãi bạn phải bán 9 – 10 ngàn. Vậy là người tiêu dùng phải gánh tất tần tật, nếu cắt bỏ được khâu trung gian thì khi sản phẩm A tới tay người tiêu dùng thì chỉ cần giá 4 ngàn là người sản xuất đã có lãi.
Bạn chắc chắn sản phẩm A của bạn có chất lượng tốt, khi đến tay người tiêu dùng sẽ chấp nhận ngay. Bạn không có các hệ thống phân phối sản phẩm cũng chẳng có tiền quảng cáo tiếp thị, hơn nữa bạn không muốn khách hàng phải bỏ tiền ra vì chi phí trung gian để sở hữu sản phẩm A của mình. Do đó bạn phải đi con đường riêng, con đường ít người đi và hầu như không phụ thuộc vào ai.
Bạn chợt nhận ra người thân, bạn bè, đồng nghiệp là những khách hàng tiềm năng không chỉ vậy họ còn là kênh phân phối cực kỳ uy tín cho sản phẩm A của bạn qua phương thức “rỉ tai mạng xã hội”. Và thế là chỉ cần 1 status đăng lên mạng xã hội với nộ dung đại loại “Vợ chồng em vừa sản xuất được sản phẩm A cực kỳ chất lượng, số lượng thì có hạn, với giá chỉ 4 ngàn một sản phẩm trong khi giá thị trường là 10 ngàn, ai cần tìm hiểu thì inbox về với team vợ chồng em” kèm theo bức ảnh minh họa đầy cảm xúc. Đảm bảo chỉ ít phút sau người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn sẽ vào hỏi han và trong số đó sẽ có không ít người mua hàng cho bạn.
Bạn tiếp tục nhấn thêm một bước nữa đó là thuyết phục những người mua và sử dụng sản phẩm (tạm gọi là khách hàng F1) quảng cáo và tiếp thị về sản phẩm A giúp bạn bù lại bạn sẽ cắt phần trăm, chia hoa hồng cho mỗi sản phẩm bán được thông qua sự giới thiệu của người đó là 1 ngàn đồng. Tiếp đến nhóm khách hàng F1 tiếp tục nhập mặt hàng A của bạn với số lượng lớn rồi thuyết phục nhóm khách hàng F2 sử dụng và giới thiệu sản phẩm để nhận được 500 đồng phần trăm, hoa hồng trên mỗi sản phẩm. Cứ như vậy càng ngày hệ thống sử dụng, giới thiệu và phân phối sản phẩm của bạn một kéo dài đến mức bạn phải gia tăng sản xuất nhằm cung ứng hàng hóa cho chuỗi bán hàng đa cấp của bạn hoạt động.
Vậy là mô hình kinh doanh đa cấp được sinh ra từ thực tế hết sức đơn giản, thậm chí nó còn là mô hình đầu tiên sinh ra trong quá trình trao đổi hàng hóa của con người. Mô hình này có nhiều ưu điểm, nó giúp cắt giảm đáng kể các chi phí phát sinh các khâu trung gian, giúp sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, giá thành hợp lý hơn. Mô hình này được xây dựng trên nền tảng mỗi khách hàng sử dụng sản phẩm là một kênh phân phối sản phẩm tức là vừa sử dụng, vừa kiểm nghiệm, vừa tiếp thị, vừa bán hàng.
Ảnh minh họa. |
Đa cấp và sự biến tướng hãi hùng
Mô hình tốt như vậy, hà cớ gì kinh doanh đa cấp lại bị lên án, lại bị khinh miệt đến mức nói đến đa cấp là nói đến lừa đảo. Thì trước tiên phải khẳng định rằng mô hình kinh doanh đa cấp tự bản chất của nó không hề xấu, không hề gian dối. Vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình ứng dụng mô hình này vào việc phân phối sản phẩm, chính người sản xuất đã chi phối đã tính toán ngay từ đầu hòng để trục lợi và ta gọi đó là “đa cấp biến tướng” với rất nhiều hình thái khác nhau và thường núp bóng dưới danh nghĩa “bán hàng online”.
Hình thái thứ nhất là “lợi dụng chất lượng sản phẩm”: Sản phẩm A rất chất lượng, người tiêu dùng sử dụng không chê vào đâu được. Chi phí sản xuất sản phẩm A hết 2 ngàn và nếu quảng cáo tiếp thị và bán qua các kênh phân phối trung gian thì phải nâng giá thành 10 ngàn mới có lãi. Nhưng nếu bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng thì chỉ cần 4 ngàn là nhà sản xuất có lãi. Vấn đề nảy sinh ở chỗ nhà sản xuất lại muốn có lãi nhiều hơn, bán được nhiều hàng hơn mà không phải mất nhiều chí phí. Và thế là nhà sản xuất (F0) đặt mức giá sản phẩm A là 10 ngàn đồng tương đương với các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường, tiếp đó là xây dựng hệ thống đa cấp bán hàng. Nhóm khách hàng F1 sẽ được cắt 30% giá trị sản phẩm tương đương 3 ngàn trên một sản phẩm, nếu nhập với số lượng lớn thì sẽ được giảm tới 50% và được “phong” làm nhà phân phối. Cứ như thế nhà phân phối (Team) sẽ triển khai tìm kiếm xây dựng tổng đại lý (F2), tổng đại lý xây dựng đại lý các cấp (F3, F4, F5…, rồi thì bán buôn, bán lẻ, cộng tác viên (Fn) đủ kiểu dựa trên số lượng hàng nhập mỗi lần mà nâng cấp và trích phần trăm hoa hồng. Mô hình này đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất (Boss) là bao nhiêu thì ai cũng có thể nhẩm tính, tiền hoa hồng khi mua nhiều sản phẩm là tiền của ai thì không phải ai cũng biết.
Hình thái thứ hai là “nâng khống công dụng sản phẩm”: Thực tế sản phẩm A giá trị sử dụng bình thường, chất lượng cũng bình thường, nhưng để nâng giá bán nhà sản xuất đã gắn cho nó hàng công dụng, biến nó thành kem đa năng, thực phẩm thần tiên hỗ trợ điều trị đủ chứng bệnh. Sản phẩm A sản xuất hết sức đơn giản và chi phí chỉ hết 1 ngàn nhưng F0 lại gắn giá sản phẩm là 10 ngàn. Và tương tự như hình thái trên, nhóm F1 sẽ được cắt 30% giá trị sản phẩm tương đương 3 ngàn trên một sản phẩm, nếu nhập với số lượng lớn thì sẽ có thể giảm tới 60% và được “phong” làm nhà phân phối. Cứ như thế nhà phân phối (Team) sẽ triển khai tìm kiếm xây dựng hệ thống từ F2 đến Fn nhằm để hưởng hoa hồng trên sản phẩm. Hình thái này hiện đang nở rộ và khiến nhiều người hám lợi muốn một bước trở thành nhà phân phối. Hình thái này đem lại cho nhà sản xuất (Boss) lợi nhuận nhanh chóng và những nhà phân phối F1 (Team) đôi khi còn có lợi nhuận cao hơn cả Boss
Hình thái thứ ba là “bán những sản phẩm ảo”: Hình thái này rất đa dạng phức tạp và không dễ nhận diện. Bởi lẽ sản phẩm của hình thái này thực thực ảo ảo, người mua không biết đâu mà lần. Chỉ xin nêu ra đây ví dụ minh họa tạm thời để nhận diện. Đó là một cá nhân mà thường là một nhóm một tổ chức (F0) tạo ra các sản phẩm ảo, ví dụ như tạo một trang mạng kiểu chứng khoán nhằm bán cổ phần A.B.C Lucky chẳng hạn, mỗi cổ phiếu có giá 100đ, kèm với đó là những lời có cánh hứa hẹn tương lai tươi sáng cho những nhà đầu tư về giá trị cổ phiếu tăng cao và việc chia cổ tức khủng khiếp. Đồng thời càng mua nhiều cổ phiếu thì càng được khuyến mãi. Giả dụ mua 1000 cổ phiếu bạn sẽ được tặng thêm 100 cổ phiếu. Một thời gian sau nhà đầu tư thấy giá trị cổ phiếu tăng lên nhanh chóng, 3 tháng được chia cổ tức một lần cũng đem lại kha khá tiền và chuyển thẳng vào tài khoản. Thấy kiếm ăn ngon lành F1 tiếp tục đầu tư và cứ như thế giá cổ phiếu tiếp tục tăng, cổ tức cũng tăng khủng khiếp và bạn lại tiếp tục đầu tư rồi kêu gọi người thân, bạn bè, đồng nghiệp (F2) vào đầu tư để hưởng thêm phần trăm hoa hồng giới thiệu. Đến một lúc nào đó A.B.C Lucky tuyên bố phá sản và cổ phiếu của bạn cũng theo đó bốc hơi. Hình thái này tuy khó nhận diện vì khi F2 đầu tư thì sẽ trở thành F1 nhưng nó không hề hiếm xuất hiện không ít trên cộng đồng mạng.
Hình thái thứ tư “huy động vốn trả lãi ngay”: Hình thái này nghe có vẻ cũ rich và lỗi thời nhưng thực tế nó vẫn đang âm ỉ gặm nhấm không ít vùng quê yên bình. Cách thức thực hiện hết sức đơn giản đó là huy động vốn nhàn rỗi của người dân và trả lãi cao. F0 chỉ cần vẽ ra lý do đó để đầu tư như xây phòng khám, bệnh viện, khu vui chơi giải trí nhằm thuyết phục con mồi. Đặc biệt, F0 sẽ trả lãi cao ngay lúc F1 giao tiền, 10 triệu cho vay thì cắt 1 triệu tức 10% lãi mỗi tháng. Thấy lãi cao, F1 hám lời đi vay tiền của F2 đem cho F0 vay, lúc này F0 thay đổi chiến thuật, nếu viết giấy biên nhận thì F0 trả F1 10% lãi mỗi tháng tùy số tiền vay còn nếu không viết giấy biên nhận, chỉ thỏa thuận miệng thì F0 sẽ trả 20% lãi ngay lập tức, thậm chí là 20-30% lãi đối với khoản vay lớn. F1 bị lời lãi làm u mê nên kết quả thế nào thì xã hội đã đầy rẫy những gương tày liếp mà có lẽ ở nơi nào cũng có, chẳng cần nêu dẫn chứng.
Đa cấp biến tướng với đủ hình thái đang tấn công mạnh mẽ vào các hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm. Tuy nhiên có thể nhận thấy chúng thường nhắm vào những người phụ nữ nhàn rỗi đã nghỉ hưu hay đang nuôi con. Để tránh dị nghị hay nhận diện, “đa cấp biến tướng” có tên thường gọi là “bán hàng online” đã đánh trực diện vào tâm lý khẳng định bản thân, muốn độc lập tài chính và cả lòng tham của nhóm những phụ nữ này. Những nhà sản xuất (Boss) thường tổ chức những chương trình hoành tráng nhằm khuyếch trương thương hiệu hòng lôi kéo nhiều phụ nữ “nhất là các mẹ bỉm sữa” tham gia vào hệ thống để cuối cùng kết lại bằng những câu chuyện dở khóc dở cười.
Có lẽ đa cấp biến tướng còn có nhiều hình thái và còn tiếp tục thay hình đổi dạng theo sự phát triển của xã hội nhằm để thích nghi. Một lần nữa cần khẳng định lại rằng tự bản chất mô hình kinh doanh đa cấp là mô hình bình thường nếu không muốn nói là có nhiều ưu việt. Điểm nổi bật của mô hình này là cắt giảm chi phí ở khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm, biến người tiêu dùng thành người phân phối sản phẩm chất lượng. Thế nhưng ở đâu đó và có không ít người nhẫn tâm ứng dụng mô hình đa cấp hòng để lôi kéo khách hàng, trục lợi cho mình. Vì thế mỗi người cần tỉnh táo khôn ngoan khi đứng trước những miếng mồi mà “đa cấp biến tướng” đã giăng sẵn.
(Theo Viet Q)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét