Đại gia quản lý kinh doanh cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam vẫn kiếm bộn tiền, bất chấp ngành vận tải hàng không gặp khó chưa từng có do đại dịch Covid-19.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố thêm tài liệu bổ sung cho Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sẽ được tổ chức vào ngày 26/6 tại TP.HCM.
"Ông lớn" đang quản lý 21 cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc này đặt kế hoạch lãi hơn 2.000 tỷ đông trong năm 2020. Tổng doanh thu hơn 11,3 ngàn tỷ đồng, đều giảm mạnh so với năm 2019. Riêng lợi nhuận chỉ bằng khoảng 1/5 so với 2019.
Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch. Kết quả thực tế có thể khác nhiều. Theo báo cáo tài chính, trong quý 1, ACV ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên tới gần 1.927 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Nếu trong quý 3 và 4, thị trường hàng không Việt sôi động trở lại, nhiều khả năng ACV sẽ có kết quả bứt phá gấp nhiều lần so với kế hoạch đặt ra cho cả năm 2020.
Trong vài năm gần đây, Tổng công ty Cảng hàng không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Trong 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt hơn 18,3 ngàn tỷ đồng, tăng 13,7% so với 2018; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8,2 ngàn tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm trước.
ACV đặt kế hoạch khiêm tốn trong 2020. |
Các hãng hàng không gần đây gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến số chuyến bay tụt giảm. Khách nội địa đang hồi phục do dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế tới Việt Nam được đự báo sẽ còn mất nhiều thời gian, có thể 1-2 năm mới trở lại được như trước đây, giống như những gì đã xảy ra khi dịch SARS cách đây một thập kỷ.
Lần này, tình hình có thể bi đát hơn. Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ chưa mở cửa đón khách quốc tế trong nhiều tháng tới.
Các hãng hàng không hiện chịu nhiều loại thuế và phí. Trong 2019, ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo đã nộp tổng các loại phí trực tiếp và gián tiếp lên tới hơn chục ngàn tỷ đồng. Thuế cũng ở mức tương tự.
Gần đây, ACV cũng đã có quyết định giảm giá một số dịch vụ cho tất cả các hãng hàng không như dịch vụ dẫn tàu bay, dịch vụ thang ống, bằng chuyền, thuê quầy, phục vụ mặt đất,... Tuy nhiên, nhiều mức phí vẫn cao như phí cất hạ cánh, điều hành bay, bãi đỗ,...
Trước đó, Hãng hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) đã đưa ra ước tính lỗ có thể lên đến 20 ngàn tỷ nếu dịch kéo dài. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế gần 15 ngàn tỷ đồng.
ACV ghi nhận lợi nhuận quý 1 đạt 96% kế hoạch cả năm. |
Trong quý 1, VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lỗ 989 tỷ đồng, lượng khách giảm 22%. Trong khi đó, Vietnam Airlines báo lỗ gần 2.600 tỷ đồng trong quý đầu năm, một mức lỗ chưa từng có kể từ năm 2008. Doanh thu thuần giảm 26% xuống còn 18,8 ngàn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 25/6, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm khá mạnh. Vn-Index tụt xuống ngưỡng 850 điểm. Đa số các cổ phếu blue-chips giảm.
Chứng khoán Việt Nam giảm theo thế giới sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy thế giới đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự báo có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 840-845 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Tại đây, chỉ số được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng thì thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780-820 điểm. Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch trong tuần tới. Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, VN-Index giảm 8,49 điểm xuống 859,71 điểm; HNX-Index giảm 0,93 điểm xuống 113,7 điểm. Upcom-Index tăng 0,1 điểm lên 56,74 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét