Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Rừng gỗ sưa bí mật của người A Rem

Giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giờ đang hiện hữu một rừng sưa trị giá cả trăm tỷ, thuộc sở hữu của tộc người A Rem - một trong những tộc người được coi bí ẩn giữa chốn đại ngàn.

Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) từng được mệnh danh là “vương quốc” gỗ sưa. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, những khu rừng sưa ở đây bị lâm tặc khai thác cạn kiệt, đến mức người ta phải nổ mìn phá đá để tìm từng cọng rễ sưa đem bán. Nhưng thật bất ngờ, giữa vùng lõi của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giờ đang hiện hữu một rừng sưa trị giá cả trăm tỷ, thuộc sở hữu của tộc người A Rem - một trong những tộc người được coi bí ẩn giữa chốn đại ngàn.

Người A Rem trồng lại sưa

Người A Rem vốn sống trong hang đá, giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, lấy vỏ cây làm khố, bột nhúc, bột đoác làm thức ăn… Năm 1960, người A Rem được bộ đội biên phòng phát hiện khi chỉ còn lại vài chục người, nguy cơ tuyệt chủng đang cận kề. Vốn bản tính nhút nhát, không thích thế giới văn minh, người A Rem chỉ chấp nhận rời hang đá với điều kiện vẫn được sống giữa vùng lõi của Phong Nha - Kẻ Bàng. Một xã mới được thành lập không xa nơi người A Rem sinh sống trước đó, lấy tên Tân Trạch và người A Rem định cư ở đó.

Sau hơn 40 năm rời hang đá, cuối năm 2002, trong cộng đồng tộc người A Rem bỗng xuất hiện một căn bệnh bí ẩn: vàng da, trướng bụng, mắt mờ… cướp đi nhiều sinh mạng của tộc người này. Người A Rem cho đó là thần rừng phạt vạ, họ hết sức hoang mang, một số hộ rời bỏ nhà cửa ở khu tái định cư quay lại hang đá sinh sống.

{keywords}
Dưới vòm sưa của người A Rem

Ngày đó, Bí thư huyện uỷ Bố Trạch, ông Nguyễn Hồng Thanh đã dẫn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học lên Tân Trạch tìm nguyên nhân. Đích thân ông Thanh đã vạch từng bụi cây, moi từng mẫu đất mang đi kiểm nghiệm và phát hiện vùng đất mà người A Rem đang sinh sống từng là kho xăng phục vụ cho toàn tuyến đường 20 Quyết Thắng thời chiến tranh.

Già làng Đinh Rầu kể: “Khi phát hiện đất này nhiễm xăng, dầu nặng ông Bí thư đã nói với dân bản không phải thần rừng phạt vạ mà bệnh tật của dân bản là do hóa chất từ xăng dầu ngấm  vào nguồn  nước mà ra. Một vùng đất mới được ông Bí thư và các già làng, trưởng bản tìm thấy để dựng bản mới, tránh nơi ô nhiễm nguồn nước. Ông ấy đã lặn lội vào rừng tìm từng người dân giải thích, động viên rời hang đá về xây dựng bản mới. Cũng may, lúc đó lãnh đạo TPHCM nghe tin và tặng luôn 47 căn nhà cho bà con và một bản mới của người A Rem được hình thành tại cây số 39, đường 20 - Quyết Thắng”.

Về bản mới, có nhà cửa khang trang nhưng người A Rem vẫn nhớ nơi ở cũ, nhiều người vẫn vào ra tiếc nuối. Để dân bản yên tâm sinh sống nơi định cư, ông Thanh cho họp dân bản, nói rằng vùng đất cũ sẽ dùng làm đất sản xuất. Ông hỏi dân bản nên chọn giống cây gì phù hợp và có giá trị kinh tế. Dân bản đồng thanh nói “cây sưa” (còn gọi là  cây huê). Theo dân bản, cây sưa là loại cây quen thuộc của người A Rem thời sống trong hang đá, phù hợp với thổ nhưỡng nơi này, có giá trị kinh tế cao, nhưng nay đã bị lâm tặc đốn hạ cạn kiệt. Ông Thanh cho người tìm đúng giống loài sưa đỏ mang lên để dân bản trồng trên nền đất cũ, cạnh con suối Rục - Cà Roòng. “Cây sưa nay đã thành rừng, nhưng Bí thư Thanh giờ đã không còn. Dân bản vẫn nhớ mãi cái ơn ấy của Bí thư Thanh”- già làng Đinh Rầu nói.

“Báu vật”  dành cho hậu thế

Cựu Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trạch, ông Nguyễn Chí Sỹ nhớ lại: Khi sưa lên quá đầu người, xã Tân Trạch lập ban quản lý rừng sưa, cắt cử người canh giữ không để lâm tặc lọt vào cưa trộm. “Sau một thời gian, xã phân cây cho từng hộ gia đình quản lý tương ứng với số khẩu của gia đình đó. Dân bản rất vui, lấy sơn đỏ viết tên mình, hoặc đánh dấu lên từng cây để nhận biết. Người A Rem xem rừng sưa như báu vật nên họ chăm sóc rừng sưa rất kỹ, có thể nhận biết hình dáng, đặc điểm của từng cây sưa mình quản lí. Nay sưa phát triển tốt, to cao vạm vỡ, vết sơn không còn nhưng không thể lẫn của nhà này sang nhà khác.” - ông Sỹ nói.

Vì sưa đắt đỏ, thương lái lùng sục từng nhà để mua từng cọng sưa, nên người A Rem rất cảnh giác với người lạ muốn xâm nhập vào rừng sưa của họ. Phải thật thân thiết, hoặc được cán bộ xã giới thiệu, người A Rem mới dẫn khách vào rừng sưa quý hiếm của mình. Gần 20 năm, rừng sưa nay đã khép tán che kín ánh mặt trời trên diện tích 8ha.

Sau trận bão lớn năm 2017, một số gốc sưa của người A Rem bị gãy hoặc bật gốc để lộ nhiều cây đã có lõi đỏ au. Nhiều thương lái nghe tin tìm đến ngỏ ý muốn mua rừng sưa của người A Rem với giá đổ đồng 50 triệu/cây, nhưng chính quyền xã và người dân nhất quyết không bán, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ. Không ít lần lâm tặc dòm ngó nhưng đến nay vẫn chưa mất một cây sưa nào.

Theo ông Nguyễn Chí Sỹ, thực ra người A Rem đến nay vẫn còn đang rất khó khăn, đang nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước vào những mùa giáp hạt nhưng họ không bao giờ bán sưa để lấy tiền trang trải cuộc sống.

{keywords}
Một gốc sưa mà người A Rem khẳng định đã có lõi đỏ au

“Vốn người A Rem rất yêu rừng. Bằng chứng là tổ tiên của người A Rem sống trong hang đá, tất cả vật dụng, lán trại đều được làm bằng tre nứa mà không hề đụng đến một cây rừng. Họ quan niệm, mỗi cây rừng đều có hồn vía của nó, cây càng cổ thụ, càng to lớn thường là nơi thần rừng trú ngụ, nên bảo người A Rem chặt rừng sưa để bán là điều không thể” - ông Sỹ nói.

Ông Sỹ tin, thời gian tới người dân A Rem sẽ có thu nhập từ rừng sưa có một không hai này. “Hiện Quảng Bình gần như không còn một cây sưa nào ngoài tự nhiên. Một gốc sưa lớn được tìm thấy dưới con suối trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã phải đưa vào bảo tàng để lưu giữ cho con cháu sau này biết rằng, Phong Nha - Kẻ Bàng từng là “vương quốc” gỗ sưa. Rừng sưa của người A Rem là độc nhất vô nhị.

Hiện có một số công ty du lịch đang triển khai các dự án đưa khách lên khám phá cảnh sắc và văn hoá bản địa của người A Rem. Chỉ mới khảo sát và thử nghiệm, nhưng rất nhiều du khách muốn vào rừng sưa của người A Rem. Họ sẵn sàng bỏ tiền để được mắt thấy, tay sờ, chiêm ngưỡng một loại gỗ quý hiếm gần như đã tuyệt chủng ở vùng đất  này”- ông Sỹ nói.

Cũng từ bản tính yêu rừng của người A Rem mà VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã tin tưởng giao cho họ bảo vệ 4.000ha rừng vùng lõi di sản. 20 năm được giao bảo vệ rừng di sản, người A Rem không xâm xi một cây gỗ, không để mất một khoảnh rừng nào. Tâm huyết và công sức của người A Rem sẽ được đền đáp khi mà các đoàn khách du lịch vào trải nghiệm cách họ giữ rừng di sản và rừng sưa bí mật quý hiếm này.

(Theo Tiền phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét