Việt Nam có lợi thế lớn sau những thành công đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19. Nền kinh tế đang hồi phục nhanh chóng và có cơ hội đón nguồn tiền lớn từ thế giới để bứt phá đi lên.
Những tín hiệu tích cực
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo cập nhập đánh giá kinh tế vĩ mô Việt Nam. Theo đó, trong tháng 5, doanh số bán lẻ và hoạt động chế tạo chế biến trong nước đã có dấu hiệu hồi phục, tăng khoảng 10% so với tháng 4, cho dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm đã lên mức 10% (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn khoảng ba lần so với tăng trưởng GDP, theo chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ từng bước của Ngân hàng Nhà nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 5 bật tăng 11,2% so với tháng 4 và chỉ thấp hơn khoảng 3% so với cùng kỳ.Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1%.
Theo WB, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng khoảng 5% trong tháng 5 so với tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn 5,5% với cùng kỳ năm trước, do sức cầu bên ngoài yếu đi và có thể do một số gián đoạn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tháng 5, kim ngạch nhập khẩu giảm gần 6%, phản ánh của việc giá dầu thô giảm và nhu cầu đầu vào nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong nước chững lại.
Kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc. |
Còn theo CTCK SSI (SSI), điểm tích cực ghi nhận ở mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 19,9% so với cùng kỳ lên 10,9 tỷ USD. Giải ngân giảm 8,2% xuống còn 6,7 tỷ USD.
Theo đánh giá của SSI, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nhưng CPI bình quân 5 tháng vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã có sự phục hồi so với cả tháng 3 và tháng 4 khi giãn cách xã hội được nới lỏng mạnh mẽ trong tháng 5.
Về lĩnh vực du lịch, Bloomberg đánh giá Việt Nam là một cái tên nổi bật rõ ràng về sự phục hồi. Theo phân tích dữ liệu của Apple, có nhiều dấu hiệu hy vọng về việc mọi người sẽ đi du lịch ở Việt Nam.
Theo SSI, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 5, VN-Index tăng 12,4% so với cuối tháng 4, giá trị giao dịch trung bình cũng tăng 30% so với tháng trước. Tuy vậy, NĐTNN vẫn tiếp tục bán ròng 914 tỷ đồng trong tháng.
Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại. Không những thế, Việt Nam đang có lợi thế lớn để có thể bứt phá đi lên sau khi thành công hiếm có trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và được xem là điểm đến cho dòng vốn nước ngoài.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông gần 600 ngàn tỷ đồng, và đẩy mạnh dòng vốn trực tiếp FDI với khả năng một phần các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ về Việt Nam sau Covid-19 và căng thẳng Mỹ-Trung theo thang, thì vốn đầu tư gián tiếp FII được xem có thể là yếu tố giúp các DN Việt Nam bứt phá, qua đó giúp kinh tế đi lên.
Có cơ hội để bứt phá |
Cơ hội đón nguồn vốn khổng lồ
Một nghiên cứu của VinaCapital vừa công bố cho thấy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp kinh tế Việt Nam sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại hậu Covid.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ sớm phát hành nguồn tiền mới với tổng giá trị lên tới 6.000 tỷ đô la Mỹ, với phần lớn sẽ đổ vào thị trường vốn, với mục tiêu hỗ trợ kinh tế toàn cầu trong quá trình mở cửa trở lại sau dịch.
Theo VinaCapital, chỉ cần một phần nhỏ trong số này cũng có thể giúp kinh tế Việt Nam mau chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn trong tương lai. Và việc của Việt Nam là làm thế nào để thị trường vốn Việt Nam trở nên hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp cận nguồn vốn khổng lồ này.
Ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận đầu tư, Tập đoàn Vinacapital cho rằng, Việt Nam đã rất nhanh và quyết đoán trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Chuyên gia này hy vọng Việt Nam cũng nhanh chóng và quyết đoán trong việc cải cách và thay đổi nhằm giúp thị trường vốn.
Theo ông Andy Ho, Việt Nam cần thu hút thêm vốn để hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) và cần dòng tiền này để hỗ trợ thị trường vốn trong nước. Đây là một cơ hội lớn giúp Việt Nam thực hiện những thay đổi và cải cách để thu hút thêm vốn FII từ dòng tiền mà các NHTW toàn cầu dùng để hỗ trợ cho các nền kinh tế của họ.
Việt Nam cần tận dụng cơ hội hút nguồn vốn 6.000 tỷ USD mà các nước bơm ra cho thị trường vốn trong nước. |
Quy mô tiền bơm vào thị trường lần này gấp 3 so với con số khoảng 2.000 tỷ USD mà NHTW các nước bơm vào các nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo theo đại diện Vinacapital, thị trường Việt Nam hấp dẫn bởi mang lại lợi nhuận lớn hơn ở nhiều quốc gia khác, nơi mà trái phiếu thậm chí được giao dịch ở mức âm, cổ tức cũng chỉ 1-2%. Trong khi đó ở Việt Nam, mức lãi từ chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu ở mức 3-4% và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6-7%...
Bên cạnh đó, ông Andy Ho cũng đề cập tình hình chính trị và môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang rất ổn định, đồng nội tệ ổn định. Hơn thế, Việt Nam hiện có 97 triệu dân trong đó một nửa dân số ở dưới độ tuổi 35 và thu nhập bình quân nhóm phổ thông ở mức 3.000 USD/năm. Đây là lợi thế lớn thu hút nhiều DN cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Điều quan trọng, theo Trưởng Bộ phận đầu tư của Tập đoàn Vinacapital, là Việt Nam cần có những cải cách trong thị trường vốn để thu hút thêm dòng vốn FII. NĐT nước ngoài quan tâm tới sự phát triển của DN, họ muốn thấy những DN lớn hơn niêm yết trên sàn và cũng muốn thấy việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các DNNN. Việt Nam càng có nhiều DN được cổ phần hóa thì cơ hội cho NĐTNN càng nhiều.
NĐT cũng muốn có cơ hội đầu tư vào trái phiếu DN. Ở thời điểm này NĐT gián tiếp nước ngoài khó tiếp cận với trái phiếu DN bởi những khoản trái phiếu này thường chưa được niêm yết.
Nói tóm lại, NĐTNN muốn TTCK đa dạng hơn. Hiện nay chỉ có một số loại cổ phiếu đang chi phối thị trường, bao gồm cổ phiếu của ngân hàng và bất động sản. NĐTNN muốn có nhiều lựa chọn hơn, như cổ phiếu viễn thông, điện, phân bón… thậm chí là y tế. NĐT cũng muốn giao dịch cổ phiếu của những DN không còn room cho khối ngoại.
M. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét