Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Karaoke đóng cửa, chủ đầu tư tốn tiền tỷ cầm cự

Hụt thu hàng chục tỷ đồng sau gần 3 tháng dừng hoạt động, các cơ sở kinh doanh karaoke vẫn phải đều đặn chi nguồn tiền lớn cho mặt bằng, nhân sự và lãi vay ngân hàng...

Ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc Marketing của Kingdom, cho biết 2 chi nhánh karaoke tại TP.HCM đem về trung bình 7-8 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng cho doanh nghiệp này.

"Ba tháng đóng cửa là mất khoảng 20 tỷ đồng. Không những thế, hiện với mỗi tháng không hoạt động, chúng tôi còn mất thêm khoảng 800 triệu đồng để duy trì mặt bằng và chi trả trợ cấp cho nhân viên", ông Hùng chia sẻ.

Doanh nghiệp và nhân viên đều "đuối"

Theo đại diện chuỗi Kingdom, tổn thương thực tế của doanh nghiệp đã kéo dài từ lúc dịch Covid-19 bùng phát. Thông thường, tháng 1, 2 là cao điểm kinh doanh, nhưng doanh thu ghi nhận được trong tháng 2 vừa qua giảm mạnh so với các năm trước, do tâm lý e ngại của người dân.

Một số nhà hàng và pub của đơn vị này đã hoạt động bình thường và đông khách trở lại, nhưng theo ông Tạ Quang Hùng, khách hàng có xu hướng cắt giảm chi tiêu đáng kể, thấp hơn khoảng 40% so với thời điểm trước dịch.

"Các tối thứ 7 trước đây, quán pub của chúng tôi kín bàn thì doanh thu rơi vào khoảng 300 triệu đồng, còn hiện nay có kín bàn cũng chỉ thu về tầm 180 triệu. Khách vẫn đông nhưng không tiêu tiền nhiều như trước", ông Hùng nhận xét.

{keywords}
Một cơ sở karaoke của Kingdom ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: PC

Do đó, ông cho rằng doanh nghiệp sẽ không trụ nổi nếu tình trạng đóng cửa dịch vụ karaoke còn kéo dài. "Chúng tôi đã bắt đầu đuối rồi", ông tâm sự.

Trong khi đó, đối với B3 Karaoke Luxury (quận 9, TP.HCM), Tổng quản lý Trần Quang Thiện chia sẻ có 3 khó khăn lớn nhất. Đầu tiên là gánh nặng trả lãi ngân hàng cho khoản vay đầu tư hơn 20 tỷ đồng khi hoàn toàn không có nguồn thu.

Đồng thời, các máy móc, thiết bị, nội thất trong quán khi không hoạt động sẽ dễ bị hư hỏng hoặc ẩm mốc. Do vậy, doanh nghiệp lại cần đầu tư thêm nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, tân trang cơ sở.

Bên cạnh đó, toàn bộ gần 30 nhân viên tại đây mất việc, chỉ còn nhận trợ cấp, trong khi trước đây chủ yếu dựa vào tiền tip từ khách hàng.

{keywords}
Một quán karaoke đóng cửa im lìm ngày 1/6. Ảnh: L.A.

Nói như một số nhân viên tại chi nhánh ICool Karaoke trên đường Trần Não (quận 2, TP.HCM), nhân sự trong ngành vốn đã quen với nghề, nên nếu tìm công việc mới cũng chỉ là tạm thời.

"Chúng tôi khó khăn lắm rồi, chỉ mong sớm được mở cửa đón khách", một nam nhân viên tại đây chia sẻ.

Bán cơm văn phòng để cầm cự

Trong bối cảnh này, chuỗi ICool bắt đầu triển khai bán cơm trưa văn phòng tại 2 chi nhánh kể từ ngày 1/6.

"Nhân viên đuối quá muốn đi làm, trong khi bộ phận bếp cũng có tay nghề nên công ty đồng ý cho thực hiện. Thực ra bán cơm trưa văn phòng không được bao nhiêu, chủ yếu là tạo không khí làm việc cho anh em. Họ chỉ nhận được 70% lương so với trước đây nhưng ai nấy đều hào hứng", bà Oanh, phụ trách kiểm soát nội bộ của chuỗi này cho biết.

Vị này cũng chia sẻ thêm, việc chuyển từ dịch vụ karaoke sang đồ ăn bước đầu gặp một số khó khăn, chủ yếu do nhân viên lúng túng chưa biết phục vụ như thế nào. "Chúng tôi thử nghiệm liên tục trong 1 tuần thì chính thức bán. Nếu khách hàng chấp nhận thì sẽ tiếp tục bán cơm trưa sau khi karaoke được hoạt động trở lại", bà Oanh nói.

Theo phó quản lý chi nhánh ICool Trần Não, trong ngày đầu tiên mở bán 1/6, quán đã phục vụ hơn 60 suất cơm. Đây là một tín hiệu đáng mừng sau gần 3 tháng tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn bày tỏ mong muốn được chính thức hoạt động trở lại. Đại diện ICool Trần Não chia sẻ, có ngày chi nhánh này tiếp nhận đến 200 cuộc gọi từ khách hàng có nhu cầu đặt phòng hát.

{keywords}
Quán karaoke chuyển sang bán cơm trưa văn phòng sau gần 3 tháng đóng cửa. Ảnh: L.A.

Mới đây, hệ thống Nnice gồm 7 địa điểm tại TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP và Sở Văn hóa Thể thao đề nghị cho phép dịch vụ karaoke kinh doanh trở lại sau 3 tháng đóng cửa do dịch Covid-19.

"Kingdom cũng đã tiến hành làm văn bản kiến nghị gửi UBND TP.HCM. Chúng tôi có chuẩn bị phương án phòng chống dịch Covid-19 khi mở cửa như cho nhân viên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, thường xuyên khử trùng micro và phun khử khuẩn các phòng karaoke", ông Tạ Quang Hùng cho biết.

Trong khi đó, bà Oanh dự đoán người dân sẽ còn thái độ e dè trong giai đoạn đầu các cơ sở mở cửa trở lại, do đó doanh nghiệp sẽ làm mọi cách để họ cảm thấy yên tâm sử dụng dịch vụ.

Người phụ trách kiểm soát nội bộ của ICool cho biết thêm, doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai vách ngăn trong phòng karaoke để hạn chế tiếp xúc, đồng thời trang bị micro cho từng khách hàng và bọc kĩ những micro này. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ gợi ý tách phòng cho các đoàn khách đông người, có thể chỉ nhận khoảng 5-10 khách mỗi phòng nếu cần thiết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đánh giá, bản chất mô hình kinh doanh karaoke không có khả năng lây nhiễm cao như nhà hàng, quán bar. Lý do là khách hàng thường đi theo đoàn thân quen và sử dụng dịch vụ trong phòng kín. Đối tượng lạ duy nhất là nhân viên ở cơ sở karaoke đó.

Bởi vậy, miễn là các quán karaoke thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang của nhân viên và có thêm nhiều biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 cơ bản là có thể an toàn.

Trả lời chiều 2/6 về kiến nghị xin hoạt động lại của doanh nghiệp kinh doanh karaoke, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu và sớm báo cáo Thủ tướng về việc mở lại loại hình dịch vụ này.

“Tinh thần là ủng hộ việc mở lại hoạt động khi dịch đã được kiểm soát. Chúng ta phải rất thận trọng trong việc mở lại. Tuy nhiên, đề xuất mở lại sẽ dần đưa các hoạt động trở lại bình thường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trước đó, theo chủ trương của Chính phủ, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hàng loạt hoạt động trên địa bàn từ 18h ngày 15/3, trong đó có karaoke. Đến ngày 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại, tuy nhiên vũ trường và karaoke phải tiếp tục đóng cửa. Đến nay, loại hình này vẫn đang tạm dừng tại TP.HCM và nhiều địa phương khác.

(Theo Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét