Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Làm việc thời cách ly: DN sáng tạo, thị trường lạc quan

Các doanh nghiệp đồng loạt ứng biến, chuyển sang hình thức làm việc mới trong bối cảnh cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc. Nỗi lo về khả năng gián đoạn đã tạm thời bị đẩy lùi và các thị trường bắt đầu tươi sáng.

Chuyển hình thức làm việc

100% nhân viên làm việc tại CTCP Chứng khoán SSI (SSI) - Chi nhánh Nguyễn Công Trứ được công ty bố trí làm việc tại nhà. Tất cả các giao dịch, hoạt động nghiệp vụ được triển khai trên môi trường trực tuyến. Mọi giao dịch diễn ra thông suốt, không xảy ra bất cứ sự cố nào.

Sau khi diễn tập thành công tại chi nhánh Nguyễn Công Trứ, Công ty SSI của ông Nguyễn Duy Hưng sẽ tổ chức diễn tập làm việc trực tuyến hoàn toàn, đồng thời tạm dừng giao dịch trực tiếp ở Hội sở tại TP.HCM trong ngày 3/4.

Đại diện SSI cho hay, công tác vận hành của CTCK có nhiều đặc thù, luôn phải đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, ổn định tới các cơ quan quản lý cũng như tới các nhà đầu tư, không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, công tác bảo mật, các hoạt động nghiệp vụ, vận hành diễn ra hoàn toàn trên môi trường trực tuyến cũng là bài toán khó. Đợt diễn tập lần này đã cho thấy kết quả tích cực, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường và SSI đã sẵn sàng cùng cả nước bước vào giai đoạn quan trọng phòng chống dịch Covid-19

{keywords}
Các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển sang hoạt động trực tuyến.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng chuẩn bị những phương án kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi do dịch bệnh.

Mảng bất động sản của Vingroup - Vinhomes tăng cường tương tác với khách hàng qua các kênh trực tuyến, đồng thời ra mắt kênh Youtube chính thức để quảng bá sản phẩm. Mảng ô tô, xe máy và điện thoại di động VinFast và VinSmart đều đẩy mạnh bán hàng online. Mảng bất động sản nghỉ dưỡng Vinpearl tận dụng thời gian “ngủ đông” để thực hiện các biện pháp phòng dịch, song song đó chuẩn bị các chương trình và sản phẩm để thu hút khách du lịch nội địa trong vòng vài tháng tới.

Mảng mặt bằng bán lẻ, Vincom Retail (VRE) sau khi dành 300 tỷ hỗ trợ đối tác, giờ triển khai khử trùng và đẩy mạnh các biện pháp tạo không gian mua sắm an toàn cho khách hàng, chuẩn bị cho cú bứt phá sau dịch.

Chuỗi bán lẻ vàng bạc trang sức PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung gần đây cũng củng cố kênh bán hàng online, đặt lợi ích khách hàng, lợi ích xã hội vào lợi ích doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện dịch vụ giao hàng tận nơi, livestream sản phẩm tại cửa hàng.

{keywords}
Các giao dịch chuyển sang chế độ trực tuyến.

Đảm bảo việc làm cho người lao động, niềm tin trở lại

Cho dù gặp khó khăn thời dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn tuyên bố không sa thải nhân viên, sắp xếp công việc hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như cho chính doanh nghiệp.

Thủy sản Nam Việt (ANV) vừa công bố kế hoạch sắp xếp làm việc theo hướng luân phiên, không sa thải công nhân viên cũng như giữ được mức lương và phúc lợi ổn định. Doanh nghiệp cân đối lại thị trường xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng. Công ty nhanh chóng chuyển đổi ngay sang thị trường Đông Nam Á và châu Âu khi mà thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng.

ANV vẫn thông qua việc chia cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu.

Các ông lớn hàng không cũng nói không với chuyện sa thải nhân viên, thay vào đó là cắt giảm lương lãnh đạo. Nhiều lãnh đạo các hãng bay nội địa đã chủ động đề xuất cắt giảm lương thưởng để giảm áp lực lên doanh nghiệp và toàn ngành do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 gây ra.

Cụ thể, tại VJC, ban giám đốc giảm 25% lương, phó giám đốc giảm 20% và cấp trưởng phòng phải điều chỉnh giảm 10% lương thưởng so với trước đây... Hãng Bamboo Airways một số cán bộ nhân viên nghỉ không lương và nghỉ luân phiên, đồng thời điều chỉnh thu nhập của những người ở lại cho đến khi thị trường phục hồi.

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, cũng khẳng định ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đảm bảo việc làm cho hàng vạn người lao động trong tập đoàn.

{keywords}
Doanh nghiệp tìm cách bảo đảm đời sống cho người lao động.

Đây là thông tin đáng chú ý nhất đối với người lao động tại doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng như các cổ đông FPT, các nhà đầu tư có ý định rót tiền và cổ phiếu của tập đoàn này.

Trước đó, không ít doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như Sungroup đã quyết định bước vào giai đoạn "ngủ đông" khi chấp nhận tạm thời đóng cửa nhiều các khu vui chơi giải trí để giữ uy tín cho thương hiệu và chuẩn bị cho sự phục hồi nhanh sau khủng hoảng.

Tình trạng ngủ đông giúp các doanh nghiệp tích trữ năng lượng để bung sức phục hồi.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo, hoạt động trên TTCK là dịch vụ thiết yếu và phải được đảm bảo tổ chức giao dịch an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống

Cùng với những nỗ lực của các cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp trên sàn, giao dịch được đảm bảo và niềm tin trở lại cùng với lực cầu bắt đáy đã giúp thị trường ấm lên.

Cổ phiếu SSI, Bảo Việt (BVH), Sacombank (STB)... tăng trần sau nhiều phiên ảm đạm. Nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, tài chính,... giao dịch tích cực giúp chỉ số VN-Index tăng vọt gần 20 điểm trong phiên đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày (1/4).

Cổ phiếu VietJet (VJC) lấy lại được ngưỡng 100 ngàn đồng/cp, trong khi FPT cũng tăng mạnh trở lại. Đây là một trong số những cổ phiếu chứng kiến mức giảm dưới 30% trong cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua.

M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét