Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Sáp nhập huyện xã, ngân sách tiết kiệm ngàn tỷ trả lương cho cán bộ

Việc sáp nhập huyện, xã giúp giảm hàng chục ngàn cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách, qua đó giúp giảm chi ngân sách hàng ngàn tỷ đồng trong 5 năm tới.

Bộ Nội vụ vừa có báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay (tháng 4/2020) phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV liên quan đến lĩnh vực Nội vụ.

Sáp nhập huyện xã, giảm tiền chi lương

Bộ Nội vụ cho biết: Theo tính toán của các địa phương, khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong đợt này thì dự kiến sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2024).

Tổng số tiền giảm chi là khoảng 1.431 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng; giảm chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng) .

{keywords}
Việc sáp nhập huyện xã là chủ trương lớn, nhưng nhiều nơi còn chậm trễ triển khai.

Trong đó năm 2020 giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 481 tỷ đồng, năm 2021 giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 305 tỷ đồng. Năm 2022: giảm chi ngân sách khoảng 215 tỷ đồng. Năm 2023: giảm chi NSNN khoảng 217 tỷ đồng. Năm 2024: giảm chi NSNN khoảng 213 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, bên cạnh hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì vẫn còn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vẫn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh xin lùi thời hạn sắp xếp sau khi tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

“Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp chưa ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp”, Bộ Nội vụ nhận xét.

Lý giải tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính chậm so với kế hoạch, lộ trình đề ra, Bộ Nội vụ cho rằng nguyên nhân do đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, các địa phương phải cân nhắc kỹ khi xây dựng các phương án. Nhiều địa phương phải thảo luận tại nhiều cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Sau đó, phải tiến hành theo các trình tự, thủ tục quy định gồm: tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn, tiếp đó thông qua Hội đồng nhân dân các cấp.

Bộ Nộ vụ cũng chỉ ra có nơi vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương mình. Một số cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp có tâm lý muốn ổn định, tiếp tục làm việc tại đơn vị hành chính cũ nên tìm các lý do để không tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính ở nơi mình đang công tác.

Dôi dư chục ngàn người

Đề cập kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Bộ Nội vụ cho biết: Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 6 đơn vị. Trong đó: tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện, tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hòa Bình giảm 1 huyện. Các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không làm giảm số lượng huyện.

Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm là 545 đơn vị. Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 28,09%); Cao Bằng giảm 38/199 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 19,10%); Phú Thọ giảm 52/277 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 18,77%)…

Việc xử lý cán bộ dôi dư sau sắp xếp huyện, xã đang là vấn đề nan giải. Dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức đúng quy định là 1.062 người. Số dôi dư là 428 người.

Ở cấp xã, lượng dôi dư lớn hơn nhiều. Dự kiến tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sẽ bố trí số cán bộ, công chức cấp xã đúng quy định là 10.043 người. Còn số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người. Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.

Các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã có báo cáo, phản ánh về Bộ Nội vụ là việc giải quyết các chính sách đối với những người dôi dư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó bảo đảm hoàn thành trước năm 2022.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương có phương án giải quyết dứt điểm được số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người; giải quyết được số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 7.006 người  và giải quyết được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người .

Đối với số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, đồng hành và kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện để bảo đảm giải quyết dứt điểm trước năm 2022. Trường hợp các địa phương có khó khăn về các cơ chế, chính sách, về nguồn lực để giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lương Bằng

Bộ trưởng Nội vụ: 38.000 tỷ đồng chờ các quy định để cải cách lương

Bộ trưởng Nội vụ: 38.000 tỷ đồng chờ các quy định để cải cách lương

Bộ Tài chính đã sắp xếp dành một khoảng ngân sách 38.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét