Các tỷ phú như Johnathan Hạnh Nguyễn, Trịnh Văn Quyết tham vọng với ngành hàng không, sếp kỳ cựu của Hoàng Anh Gia Lai từ nhiệm sau gần 30 năm gắn bó là những tin chính tuần qua.
Sếp kỳ cựu của Hoàng Anh Gia Lai từ nhiệm sau gần 30 năm gắn bó
Ông Nguyễn Văn Minh, Thành viên HĐQT HAGL (HAG), vừa có đơn từ nhiệm khỏi HĐQt Công ty, nguyên nhân vì lý do sức khoẻ. Được biết, ông Minh sinh năm 1959, làm việc tại HAGL từ năm 1992 đến nay.
Như vậy, HĐQT của HAGL còn 5 người gồm ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT; 2 thành viên là ông Võ Trường Sơn, bà Võ Thị Mỹ Hạnh và 2 thành viên độc lập gồm bà Võ Thị Huyền Lan, bà Nguyễn Thị Huyền.
Được biết, HAGL dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 11/2021 tới, do Covid-19 diễn biến phức tạp nên thời gian kéo dài so với kế hoạch ban đầu.
Mới đây, Công ty đã lấy ý kiến cổ đông thông qua việc dùng hết thặng dư trên thì HAGL sẽ giảm tương ứng hơn 3.200 tỷ đồng lỗ luỹ kế. Về việc tái cơ cấu tài chính, hiện Công ty cho biết đã hoàn thành về cơ bản. Theo đó, tình hình nợ của HAGL đã giảm đáng kể.
Hiện, Công ty chỉ còn chủ yếu khoản nợ trái phiếu tại BIDV, trong đó HAGL đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn tất nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025.
Vua hàng hiệu nuôi tham vọng lập hãng bay
Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, IPP Air Cargo có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 tàu bay B10 B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD với Tập đoàn Boeing, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, tập đoàn IPP đang cùng với các đối tác đầu tư Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các quốc gia khác tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố và các bộ ngành liên quan để nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại 5 lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; năm thứ hai tăng lên 7 chiếc và năm thứ 3 là 10 chiếc. IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt.
Đại gia Trịnh Văn Quyết hiện thực tham vọng bay thẳng tới Mỹ
Hãng hàng không Bamboo Airways vừa ký kết thoả thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho tàu bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỷ USD với GE Aviation, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn General Electric của Mỹ.
Động cơ GEnx dự kiến được chuyển giao năm 2022 và sử dụng cho đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways - đội bay chủ lực để hãng sử dụng bay thẳng Việt - Mỹ trong tương lai.
Đại gia Trịnh Văn Quyết |
Bamboo Airways cũng đã chính thức công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ và ra mắt AVIAWORLD (liên doanh của AVIAREPS AG) với vai trò tổng đại lý chính thức của hãng tại thị trường Mỹ.
Nếu thuận lợi, đường bay quan trọng này sẽ đi vào khai thác từ đầu năm 2022, tần suất khởi đầu là 3 chuyến/tuần và sẽ nhanh chóng nâng lên thành 5- 7 chuyến/tuần trên cơ sở nhu cầu thị trường. Trước mắt, hành trình sẽ từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tới sân bay quốc tế San Francisco.
Hồi đầu năm, Bamboo Airways tiếp tục tăng vốn lên 12.500 tỷ đồng. Theo đánh giá của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, vốn hóa dự kiến của hãng hàng không này sẽ đạt 3,25 tỷ USD. Ông Quyết đang nắm giữ khoảng 43%, FLC Faros (8,57%), FLC 39,4%...
Theo Reuters, Bamboo Airways có kế hoạch huy động vốn trên trường quốc tế và IPO sẽ giúp hãng hàng không này mở rộng dịch vụ ra toàn cầu.
Theo báo cáo, hãng bay này lãi trước thuế 400 tỷ đồng và là một trong số ít hãng bay trên thế giới có lợi nhuận năm 2020. Trong năm 2019, hãng lãi 300 tỷ đồng.
Chủ tịch Vietravel: Dịch kéo lùi DN về trạng thái 15-16 năm trước
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel - cho hay, từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa năm 2019 thì tới khi dịch bùng phát khiến ngành du lịch trở về 0, hàng vạn lao động mất việc và hàng vạn doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh.
Với bản thân Vietravel, là đơn vị đứng đầu ngành du lịch với 1.700 nhân viên có thời điểm chỉ có 15-20 nhân viên đi làm. Doanh thu của Vietravel trung bình từ 7.000-8.000 tỷ/năm giai đoạn trước dịch. Chỉ với ba tháng hoạt động năm nay, ông Kỳ đánh giá doanh thu 2021 không nổi 10% con số trước đó.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ |
"Vietravel chưa từng nghĩ tới việc dịch Covid-19 đánh quật Vietravel về quãng 2006-2007, lùi lại trạng thái của thời điểm 15-16 năm trước", Chủ tịch Vietravel trải lòng.
Về mảng hàng không của Vietravel, Vietravel Airlines hoạt động từ tháng 12/2020. Thời điểm đó, dự báo của nhiều chuyên gia và Chính phủ đó cho rằng năm 2021 hàng không sẽ khôi phục trở lại. nhưng thực tế tình hình rất tệ khi hãng chỉ bay tới tháng 5 thì phải dừng cho tới nay.
Hàng trăm phi công, tiếp viên và hàng trăm máy bay phải "nằm im bất động" đã gây ra tổn thất về tài chính cực kỳ lớn cho Vietravel Airlines.
Ông lớn số 1 đối mặt nguy cơ mới
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa kiến nghị cho phép là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong giai đoạn ngắn có thể âm vốn chủ sở hữu.
Trước đó, Vietnam Airlines đã chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng lên gần 22,2 nghìn tỷ đồng. Các cổ đông như Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Vietcombank,... đã mua mua hàng trăm triệu cổ phần HVN.
Tuy nhiên, dòng vốn tăng thêm chỉ giúp được Vietnam Airlines phần nào và hãng hàng không này vẫn đang gần như tê liệt do ảnh hưởng của làn sóng Covid thứ 4. Gói hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng do HVN đề xuất trước đó chỉ cho riêng 2020, không bao gồm năm 2021.
Theo báo cáo mới nhất, HVN lỗ lũy kế gần 17,8 nghìn tỷ đồng và qua đó âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Gần đây, đề xuất tăng giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines, nhằm cứu nguy cho hãng khi dòng tiền cạn kiệt, vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia, hành khách đi máy bay.
Bảo Anh (Tổng hợp)
Người của tỷ phú Trần Bá Dương rút hết vốn khỏi công ty 'vua cá' Hùng Vương
Sau khi tỷ phú Trần Bá Dương cùng công ty riêng thoái hết vốn khỏi Hùng Vương, một nhân sự lãnh đạo của Thaco cũng đăng ký bán nốt số cổ phiếu HVG còn lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét