Chuyển đổi số sẽ kết nối người tiêu dùng nông sản với các hộ nông dân, để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn khi cây lớn, ra hoa, kết trái và hưởng thụ sản phẩm. Đó là một thị trường đẳng cấp và sẽ xuất hiện trong tương lai.
Nông dân phải trở thành người kinh doanh
Xác định nông nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển, song cần phải vượt qua “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, chỉ hợp tác xã mới vượt qua “lời nguyền” này. Bởi, khi quần tụ với nhau, HTX sẽ tạo ra sức mạnh, sẽ có đủ năng lực và đến một ngày nào đó có thể "ngồi ngang hàng" với các doanh nghiệp để đàm phán vấn đề liên kết. Doanh nghiệp cũng đang cần HTX nhưng nhiều khi bà con vẫn quen làm riêng lẻ. Song, trước hết phải thay đổi suy nghĩ của người nông dân.
Bộ trưởng nhắc lại tư duy “hợp tác, liên kết, thị trường”. Trong đó, người nông dân phải thay đổi tư duy từ đơn lẻ sang hợp tác cùng nhau làm, cùng tạo ra cộng đồng có tiếng nói chung; liên kết để tham gia vào các chuỗi sản xuất và cung ứng nhằm phát triển bền vững; tư duy sản xuất cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - cũng cho rằng, phải thay đổi tư duy của người nông dân. Theo đó, tất cả nông dân bây giờ cũng đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Khi quan niệm rằng nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp mà là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh.
Người nông dân cũng cần tinh thần kinh doanh, thay vì bán cái mình có thì bán cái thị trường cần (ảnh: NLD) |
Người nông dân bây giờ cũng phải tính đầu tư vào đâu, sản xuất kinh doanh cái gì, bán đi đâu mới hiệu quả? Vì vậy, người nông dân cần phải có tinh thần của người kinh doanh. Đó là doanh nhân hóa nông dân, chứ không phải doanh nhân chỉ là nhà máy, xí nghiệp. Hộ nông dân cũng phải tiến hành sản xuất kinh doanh trên tinh thần của doanh nhân, bản chất là đầu tư để tìm lợi nhuận, để làm giàu cho mình. Vì vậy, nông dân phải có tinh thần khởi nghiệp, ông Lộc bày tỏ.
“Khi tôi nghe tin một vài sinh viên sau khi ra trường đã không nhận làm thuê cho một công ty ở thành phố mà về quê lập một trang trại nhỏ. Đấy là tín hiệu, theo tôi ,là quan trọng nhất của xã hội chúng ta hiện nay. Hãy về nông thôn, hãy làm nông nghiệp, nhưng với tinh thần của một doanh nghiệp và làm với kiến thức, với trình độ khoa học, với chuyển đổi số...”, ông Lộc nói.
Bộ trưởng Hoan cho biết, ngành nông nghiệp đang hướng tới việc người nông dân khởi nghiệp trong chương trình nông thôn mới, tức là đừng để người nông dân trong một ốc đảo tri thức. Ở nước ngoài, người dân nói chuyện như một nhà khoa học, không ai biết họ là nông dân. Vì vậy, không có con đường nào khác là phải chuyên nghiệp.
Chuyển đổi hướng tới thị trường đẳng cấp
Theo ông Vũ Tiến Lộc, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Hiện người ở thành phố mua chung một nhà, mua chung vườn vải thiều hoặc vườn cam. Hàng ngày ngồi ở thành phố cũng có thể quan sát vườn, theo dõi toàn bộ quá trình ra hoa, ra quả, rồi chờ đến ngày thu hoạch,... thông qua bảng điện tử. Tức là tạo ra kết nối giữa người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp với các hộ nông dân, để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn khi cây lớn, cây ra hoa, kết trái và hưởng thụ sản phẩm.
Đó là một thị trường đẳng cấp và sẽ xuất hiện trong tương lai, nhất là người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu sẽ hướng tới thị trường như vậy. Thậm chí giao tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng cũng quan trọng với giao tiếp xã hội, tạo lên một cộng đồng mới, giá trị nhân văn, giá trị con người mới.
Chuyển đổi số sẽ giúp nông dân kết nối được với người tiêu dùng (ảnh: TL) |
Ông cho rằng đây chính là cơ hội cho kinh tế hộ, cơ hội cho các cở sở sản xuất nhỏ trong nông nghiệp có thể kết nối với thị trường trong nước và thế giới. Mà ở đây là kết nối thông nền tảng kinh tế số.
Như vậy, hoàn toàn có thể phát triển một nền nông nghiệp mà quy mô các cơ sở sản xuất dù nhỏ nhưng vẫn đạt được giá trị gia tăng lớn, tạo ra sản lượng lớn. Song, điều kiện là phải liên kết lại thành nền tảng, kết nối với thị trường, kết nối với các đầu cung ứng và các đầu tiêu thụ.
Ngày xưa, đúng là nhỏ thì chỉ có cách liên kết với nhau để thành lớn và phải bán cho một bên trung gian. Khâu trung gian này được hưởng lợi nhiều nhất. Còn bây giờ, các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng để người sản xuất ở khâu cuối cùng có thể kết nối với người mua cuối cùng, không qua trung gian. Trong thời gian tới, với sự trợ giúp của các nền tảng số, nền kinh tế mới sẽ xóa bỏ mọi trung gian và tạo sự kết nối trực tiếp. Đây sẽ là mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại trong thời gian tới, ông Lộc nhận định.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi thương mại điện tử phát triển, Bộ NN-PTNT và Bộ TT&TT đang làm một chương trình chuyển đổi số nông nghiệp. Trong đó bao gồm các vấn đề chuyển đổi số từ sản xuất phân phối, thương mại... cho đến sàn giao dịch nông sản. Bởi khi kích hoạt toàn bộ sẽ tạo tăng đầu cầu lên.
Trước đây, người ta mua quả vải, người ta thấy ở tận đâu đâu nên không mua. Giờ chỉ cần vào app (ứng dụng), nhấn một nút là xong, ngày hôm sau có vải thiều tươi ăn. Tiện lợi như vậy nên nhiều người đặt mua. Khi đầu cầu, tổng cầu tăng lên thì sản xuất, giá trị nông sản sẽ lên theo.
“Như mô hình Hội quán, tôi đi xin từng chiếc điện thoại thông minh về rồi bà con dùng để học hỏi kỹ thuật canh tác, học hỏi cách mua bán”, ông chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Hoan, tri thức hóa người nông dân, huấn luyện người nông dân không có nghĩa là huấn luyện về kỹ thuật canh tác trồng trọt mà huấn luyện cả cách để người nông dân tiếp cận được với những công cụ, thiết bị thông minh để họ làm giàu, thay đổi cách làm nông, biết cách kết nối. Chuyển đổi số nông nghiệp cũng có thể bắt đầu từ cái đơn giản như vậy để người nông dân dễ tiếp cận hơn. Sau đó sẽ tiến dần đến áp dụng các công nghệ hiện đại như Big Data, IoT, AI.
Tâm An
Điều khác biệt để nông dân Nhật thu 40.000 USD, Việt Nam chỉ 1.000 USD
Không có tiềm năng phát triển nông nghiệp như ở Việt Nam, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, một người nông dân Nhật trung bình xuất khẩu nông sản thu được 40.000 USD năm 2019, trong khi Việt Nam là 1.000 USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét