Với ý tưởng độc đáo, sáng tạo, chị Phạm Thùy Thanh Thảo (Ninh Kiều, Cần Thơ) đã "hô biến" đất sét thành những "món ăn" mini dưới dạng mô hình.
Từng là giáo viên mầm non, chị Phạm Thùy Thanh Thảo (Ninh Kiều, Cần Thơ) quyết định nghỉ việc để về làm mô hình "món ăn" mini.
Mô hình các món ăn này được nặn từ loại đất sét tự khô có nguồn gốc từ Thái Lan, Nhật Bản. Tùy vào độ khó và cầu kỳ mà mỗi sản phẩm có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng, thậm chí là tiền triệu.
"Sản phẩm có giá dưới 100.000 đồng đa phần là những loại quả đơn lẻ như dưa hấu, dừa, cam, ổ bánh mì. Mô hình các món ăn Việt như cơm tấm, bánh xèo, lẩu có giá đắt hơn, từ 200.000 - 300.000 đồng. Cao cấp hơn là những sản phẩm có nhiều chi tiết, phức tạp dao động 1 - 3 triệu đồng", chị nói.
Những món ăn mô hình trông như thật. |
Kể về cơ duyên với nghề nặn đất sét, chị Thảo cho biết, trong một lần đi tìm đề tài cho học sinh trên mạng vào năm 2017, chị thấy ở nước ngoài có những món ăn làm bằng đất sét rất đẹp nhưng chủ yếu là đồ Tây. Do đó, nữ giáo viên thế hệ 9X cũng muốn đưa những món ăn, ẩm thực của Việt Nam lên mô hình.
"Để thực hiện giấc mơ, tôi quyết định nghỉ việc ở trường mầm non, tập trung phát triển sản phẩm và kinh doanh. Khi tôi nghỉ, ba mẹ tôi cũng không mấy ủng hộ, tuy nhiên, tôi vẫn muốn theo đuổi đam mê đến cùng", chị nói.
Sản phẩm nhiều chi tiết, phức tạp sẽ có giá 1 - 3 triệu đồng. |
Sau khi nghỉ việc, chị Thảo bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất sản phẩm. Lúc đó, trên thị trường có nhiều loại đất sét nhưng chị quyết định chọn dòng đất sét của Thái Lan và Nhật Bản vì chúng có nhiều tiện ích, dễ sử dụng.
"Tính ra tiền mua đất sét cũng rẻ thôi, chỉ từ 100.000 đồng/kg, thế nên, khoản tiền công là đắt nhất. Nếu người thợ làm đẹp thì tiền công cao, giá bán sản phẩm cũng tăng lên. Từ đó, mỗi khi nặn mô hình, tôi đều cố gắng làm chỉn chu, sao cho giống thật nhất có thể", chị tiết lộ.
Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm của chị Thảo đã được nhiều khách hàng ủng hộ, đón nhận. Trong đó, tệp khách hàng chủ yếu của chị là những người thích chơi búp bê, người muốn lưu giữ những ký ức xưa hoặc khách hàng trung tuổi.
"Nếu biết bảo quản, sản phẩm này có thể chơi, sử dụng được khá lâu mà màu sắc vẫn đẹp. Hơn nữa, chúng có kích thước nhỏ nên không tốn quá nhiều diện tích, không gian, người dùng có thể thoải mái đặt để, trang trí ở mọi nơi trong nhà", chị thông tin.
Các "món ăn" này đều được nặn từ loại đất sét tự khô có nguồn gốc từ Thái Lan, Nhật Bản. |
Trung bình, để làm ra một sản phẩm, chị Thảo mất khoảng 1 - 2 ngày. Để mô hình món ăn hoàn thiện, chị phải trải qua 5 khâu gồm: tìm ý tưởng, nặn sản phẩm, sơn màu, phủ bóng và phơi khô.
Hiện nay, các sản phẩm đều được chị rao bán trên mạng, khách chỉ cần chọn mẫu, sau đó, hàng sẽ được gửi tới tận nhà. Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt nên mỗi tháng, chị Thảo thu về 10 - 20 triệu đồng tiền bán mô hình.
Ngoài bán sản phẩm, trong thời gian tới, chị Thảo dự định sẽ mở các lớp học để truyền lại kinh nghiệm nặn mô hình đất sét cho những người cùng đam mê.
(Theo Dân Trí)
Chuyện lạ Việt Nam, đất sét hun khói thành món ăn đặc sản
“Cạp đất mà ăn” là câu cửa miệng để nói đến sự đói nghèo. Nhưng ở Việt Nam, có một ngôi làng chuyên lấy đất để ăn. Những cục đất được gọt tỉ mỉ, xắt thành miếng nhỏ như bánh quy và coi như đặc sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét