Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tổng gói tài trợ cần ít nhất tương đương khoảng 6,5% GDP tức khoảng 18 tỷ USD hay 410.000 tỷ đồng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 2/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan cho biết, sức khỏe của DN, sức khỏe của nền kinh tế TP đang đứng trước tình huống khó khăn, thách thức. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế của TP tính đến 9 tháng đầu năm giảm rất sâu. Đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Thu ngân sách TP có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021.
Theo ông Hoan, bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày Thành phố thu khoảng 1.400 tỷ. Nhưng đến tháng 7, tháng 8 thì một ngày còn khoảng 700 tỷ và tháng 9 thì còn thu khoảng hơn 600 tỷ đồng/ngày. Con số giảm rất sâu tới hơn 50% so với ngày thường. DN không sản xuất, không có nguồn thu. GRDP của TP năm 2021 theo dự báo của Tổng cục Thống kê giảm 5,6%, tức tăng trưởng âm.
“Để phục hồi DN cũng như kinh tế của TP đòi hỏi phải có thời gian. Giống như người bệnh, phải có thời gian dưỡng rồi sau đó mới có đủ lực để có thể phát triển”, ông nói.
Kinh tế TP.HCM đang trải qua một giai đoạn khó khăn (ảnh: Trần Chung) |
Chính sách cần sát với thực tiễn
Phó Chủ tịch TP.HCM kiến nghị nhiều nội dung về thiết kế chính sách của Trung ương, từ đó giúp động viên sức dân và sát với thực tiễn hiện nay của TP.HCM.
Chính sách hiện nay là ban hành chung, khó áp dụng được cho từng nhóm DN. Do vậy, tùy thuộc vào sức khỏe nên phân loại ra từng nhóm DN, với chính sách riêng thì phù hợp hơn. Ví dụ, một DN đã đóng cửa và chuẩn bị phá sản thì không thể nào hưởng các chính sách chung được. Đối với những DN đóng cửa tạm thời, chờ điều kiện để phục hồi kinh tế để đưa sản xuất trở lại thì hoàn toàn khác với DN đang sản xuất.
Hiện thời hạn các gói hỗ trợ chủ yếu là năm nào hỗ trợ năm đấy. Tuy nhiên, thời gian hồi phục không đơn giản, để động viên nguồn lực DN thì phải có tầm nhìn xa, hỗ trợ xa, kéo dài 1-2 năm. Nếu để chính sách giật cục thì DN không thể yên tâm.
Thế giới xem dịch Covid-19 là trường hợp bất khả kháng và trong tất cả các hoạt động kinh tế quốc tế đều đưa trường hợp này để bảo vệ lợi ích của DN, tránh gây tình trạng phá vỡ hợp đồng, phạt nặng, gây bất lợi của DN.
Nghị định 46 năm 2014 có nêu việc giảm tiền thuê đất đối với những DN sản xuất phi nông nghiệp nhưng nằm trong điều kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay chưa nói rõ dịch bệnh bất khả kháng này có phải do dịch Covid-19 hay không nên không thể áp dụng để hỗ trợ cho DN. Nếu áp dụng, DN của TP.HCM sẽ được hưởng 50% theo mức hỗ trợ quy định của Nghị định 46/2014 thay cho mức hỗ trợ 30% mới được Chính phủ ban hành trong Quyết định 27/2021.
Ông Võ Văn Hoan cũng kiến nghị, cho phép DN dịch vụ, du lịch của TP bao gồm lữ hành, lưu trú và các dịch vụ hỗ trợ và cả DN Trung ương đóng trên địa bàn được hưởng hỗ trợ 100% tiền thuê đất của hai năm 2021 và 2022.
Cần gói hỗ trợ khoảng 410.000 tỷ
GS. Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhận định, TP đang đứng trước một tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử 30 năm phát triển, nên cần áp dụng giải pháp chưa từng có. Hiện nay, Việt Nam đã hỗ trợ ước chừng 100.000 tỷ, tương đương khoảng 4 tỷ đô. Đó là nỗ lực rất lớn bởi ngân sách không dự tính chi cho việc này.
GS. Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần có gói hỗ trợ ít nhất là 410.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế |
Tuy nhiên, GS Nhân cho rằng số tiền đó là chưa đủ, bởi khi nghiên cứu tình hình chống dịch tại 14 nước, các quốc gia chi theo nguyên tắc khi kinh tế suy giảm thì nợ công tăng. Dùng nợ công để hỗ trợ kinh tế phát triển trở lại, kinh tế suy giảm với tốc độ lớn thì nợ công tăng tốc độ lớn.
Ví dụ, khi kinh tế Mỹ bị tăng trưởng âm 5,7%, Chính phủ Mỹ dành 3 gói cứu trợ chỉ trong vòng một năm với giá trị 4.410 tỷ USD bằng khoảng 23% GDP Mỹ. Trong đó, có những giải pháp hỗ trợ kéo dài đến năm 2027-2030.
Trung Quốc ban hành chính sách hỗ trợ 2.225 tỷ USD tương đương 15% GDP trong hai năm khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm 3,7%.
Trong 5 nước phát triển châu Âu thì nợ công tăng bình quân 20,6% để cứu nền kinh tế. 4 nước phát triển ngoài châu Âu nợ công tăng 18,8%. 5 năm nước ở châu Á, nợ công tăng 12,8%. Như vậy, bình quân nợ công của các quốc gia tăng khoảng 15-17% khi kinh tế suy thoái. Các nước này hai năm có gói tài chính giá trị giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong khi Việt Nam hai năm qua nợ công tăng chỉ 0,5%.
“Nợ công là nguồn hỗ trợ khắc phục dịch. Chúng tôi kiến nghị, phải có tổng gói tài trợ ít nhất tương đương khoảng 6,5% GDP, tức 18 tỷ USD (khoảng 410.000 tỷ đồng) chủ yếu từ nguồn nợ công. So với con số hiện nay là khoảng 100.000 tỷ thì còn nhỏ”, ông Nhân nêu đề xuất.
Tỷ lệ này của Việt Nam chỉ gần bằng 1/3 so với các nước. Nợ công tăng 6,5% thì cũng không chạm trần nợ công, do nợ công hiện nay ở mức khoảng 55,6%; nếu cộng thêm 6,5% là khoảng 62%, ở mức chịu đựng được.
Tuy nhiên, thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, nếu áp dụng thì Quốc hội cần có Nghị quyết đặc biệt vì liên quan đến Luật Quản lý nợ công. Hiện, Luật Quản lý nợ công quy định nợ công chỉ chi cho đầu tư phát triển trong khi đây là chi cho chỗ trợ DN, hỗ trợ người lao động. Do vậy, cần có Nghị quyết riêng.
Các kiến nghị của các DN TP.HCM và Đoàn đại biểu Quốc hội đã được trực tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe từ điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội.
Trần Chung
Giảm thủ tục, thông cơ chế đưa chục ngàn tỷ về hỗ trợ dân
Từ khi đại dịch Covid bùng phát đến nay, đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN được các cơ quan Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách rất lớn, còn nhiều ách tắc do thủ tục, cơ chế...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét