Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Giảm giá 50%, khách thuê bỏ của chạy lấy người

Nhà mặt phố từng hái ra tiền nhờ cho thuê lại, khách đi tìm thuê mặt bằng cũng thấy vô cùng khó. Nhưng Covid-19 ập đến đã thay đổi mọi thứ.

Chủ nhà bị ép

Nhà mặt tiền được xem là “con cưng”, như “gà đẻ trứng vàng”, chủ nhà ung dung hưởng lợi kiếm tỷ mỗi năm nhờ cho thuê lại. Điểm đặc biệt của loại hình tài sản này là ngày càng hạn chế dần về số lượng do quỹ đất nội thành khan hiếm dần và khả năng tăng giá trị hàng năm là gần như chắc chắn, khả năng khai thác giá trị thương mại cũng rất tốt.

Tuy nhiên, Covid-19 đã thay đổi mọi thứ. Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS, dù tọa lạc trên "đất vàng", đất "kim cương", nhưng nhiều nhà phố có tỷ suất sinh lời giảm mạnh. Ở khu vực phố cổ, tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm, các cửa hàng treo biển cho thuê dày đặc, nhiều nơi treo tới bạc màu không có khách.

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký hợp đồng. Chỉ có một số ít khách thuê vẫn hoạt động trong suốt quá trình giãn cách nghiêm ngặt tại TP.HCM là các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị...

{keywords}
Biển cho thuê nhà xuất hiện nhiều tại các tuyến phố (Ảnh: P.Hải)

Các chủ nhà giữ vị thế “quyền sinh quyền sát” thì nay bị khách thuê đối xử tệ. Như câu chuyện của ông T.K.M, chủ sở hữu nhà mặt phố, cho một đơn vị điện máy thuê trong vòng 8 năm, thanh toán 3 tháng/lần.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị thuê đơn phương gửi thông báo giảm số tiền thanh toán xuống 70-100% trong kỳ gần nhất. Quá trình thương lượng không đi tới kết quả, bên thuê thông báo chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn.

Không chỉ vậy, việc bên thuê tự cấn trừ khoản đã thanh toán vào các tháng tiếp theo khiến chủ nhà bỗng trở thành "con nợ". Theo hợp đồng thanh lý, bên thuê không những không cần phải trả 38,4 triệu đồng tiền thuê nhà còn thiếu, mà chủ nhà còn bị "nợ ngược" và "trả lại" cho bên thuê số tiền 12,5 triệu đồng do "đã thanh toán còn lại chưa sử dụng hết thời gian thuê". 

“Giờ tôi mệt mỏi rồi. Tôi sẵn sàng mất tiền, chấp nhận thua thiệt để họ trả mặt bằng, dọn đi càng sớm càng tốt", ông T.K.M chia sẻ với báo chí.

Không chỉ ông T.K.M, nhiều chủ nhà khác cũng đang ở thế bị động. Ông Thắng, chủ một ngôi nhà 5 tầng cho thuê làm văn phòng ở Thanh Xuân (Hà Nội), cho hay, hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh 36 tháng. Bên thuê mới sử dụng được 1 năm. Theo quy định, nếu bên thuê nhà không trả tiền từ 3 tháng trở lên và không có lý do chính đáng cho việc chậm trả tiền thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, thu hồi nhà.

Khó khăn vì dịch bệnh, hai bên đã thương lượng giảm giá hai lần, mỗi lần 20% giá thuê, tổng 40%, tương đương 90 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, phía bên thuê liên tục chậm trả tiền thuê mặt bằng, chủ nhà nhắc nhở nhiều lần. “Biết là dịch bệnh, bên mình cũng khá linh động nhưng họ vẫn kêu gặp khó khăn, chậm trả tiền thuê. Hiện chủ nhà rất khó xử, tiếp tục cho thuê cũng dở mà đuổi cũng không xong”, ông nói.

Dọn nhà trốn nợ

Một số chủ nhà còn rơi vào tình cảnh éo le hơn. Ông Đ.M.C, chủ nhà tại Tây Hồ, đang truy tìm đòi nợ tiền thuê nhà của một công ty. Theo hợp đồng, công ty này thuê nhà ông Đ.M.C với mức giá 50 triệu đồng/tháng. Họ đặt cọc tiền nhà 3 tháng và thanh toán theo năm. Ảnh hưởng của dịch, công ty gặp khó khăn, ông Đ.M.C đã giảm giá thuê, đồng thời ông cho phép thanh toán tiền nhà 6 tháng một lần.

{keywords}
Áp lực giảm giá thuê nhà ngày càng nhiều (Ảnh minh hoạ: P.Hải)

Đến tháng 9, công ty đã nợ tiền nhà quá 3 tháng. Bên công ty thuê có gọi cho ông Đ.M.C xin khất, sẽ chuyển tiền nhà trong thời gian sớm nhất. Sốt ruột, ông Đ.M.C liên tục gọi cho giám đốc và kế toán công ty đều không nhận được phản hồi. Qua kiểm tra, ông Đ.M.C phát hiện, công ty này đã thu dọn văn phòng. Số tiền thuê còn nợ ông sẽ trừ vào khoản đặt cọc.

Ông Tuấn, một chủ nhà khác cũng gặp tình trạng tương tự. Khách thuê nhà làm văn phòng, giá 30 triệu đồng/tháng. Sau thời gian nghỉ dịch, bên thuê chậm thanh toán tiền nhà và nhờ ông Tuấn hỗ trợ khoản chi phí. “Họ muốn miễn phí hai tháng nghỉ dịch, trừ ngay vào tiền đặt cọc trước đó. Tôi cũng muốn hỗ trợ lắm nhưng làm gì có tiền đâu mà trừ. Tiền thuê nhà tôi cũng phải trang trải, trả lãi ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn linh động giảm 50% các tháng tiếp theo từ nay tới cuối năm nhưng phía bên thuê không đồng ý. Sau khi trừ vào số tiền đặt cọc, công ty này vẫn đang nợ ông 3 tháng tiền nhà. Mới đây, công ty đã chuyển đi và không nhu cầu thuê nữa. Tuy nhiên, số tiền nợ vẫn chưa được thanh toán. Ông Tuấn liên tục gọi điện thì chỉ nhận được câu trả lời: “Khi nào làm ăn được sẽ trả”. Ông cho hay: “Bây giờ họ chuyển đồ đi rồi, tôi cũng không có cơ sở gì để chắc chắn, công ty thua lỗ biết tìm đâu mà đòi” .

Trường hợp chủ nhà khác còn trớ trêu hơn. Bà Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho thuê nhà làm quán ăn với giá 20 triệu đồng/tháng, đóng tiền theo quý. Ảnh hưởng dịch, chủ quán xin giảm giá nhà và đề nghị đóng tiền theo tháng, các tháng nghỉ giãn cách do dịch sẽ không tính tiền.

Trước khi nghỉ dịch, chủ quán đang nợ 2 tháng tiền nhà, hứa khi kinh doanh trở lại sẽ thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, Hà Nội cho phép bán hàng trở lại, chủ quán vẫn bạt vô âm tín. Sốt ruột với tiền nhà còn nợ và điều khoản nếu không bán sẽ không tính tiền nhà, bà Hải gọi điện nhiều lần giục chủ quán.

Tuy nhiên, chủ quán đưa ra hết lý do này tới lý do khác và cho rằng đang ở quê, không thể ra Hà Nội để mở cửa kinh doanh trở lại. “Họ nói mới cho bán 50% thì chưa có khách nên không mở lại, còn mình thì rất nóng lòng. Không biết họ có kinh doanh nữa không để còn đòi lại nhà cho khách khác thuê”, bà nói. 

Liên hệ với văn phòng luật sự, một khách hàng tại Mỹ Đình cũng trong tình trạng tương tự. Công ty chuyển đi mà đồ vẫn để lại, nhiều đồ không có giá trị nhưng làm chủ nhà khó xử. “Tôi  nhiều lần gọi điện hoặc nhắn tin nhưng phía công ty không đến giải quyết. Tiền nhà còn nợ thì coi như mất, nhưng đồ đạc thì không biết xử lý thế nào”, bà băn khoăn.

“Tài sản của công ty như bàn ghế, tôi có được thanh lý để trừ vào tiền nhà họ nợ hay không, nếu được thì thủ tục thanh lý thế nào? Tài sản hiện vẫn còn nguyên, tôi chưa mở cửa vào”, bà đặt câu hỏi.

Thư Kỳ

Nỗi khổ ông chủ toà tháp mặt phố, đại gia trăm tỷ nguy cơ mất nhà

Nỗi khổ ông chủ toà tháp mặt phố, đại gia trăm tỷ nguy cơ mất nhà

Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 kéo dài cùng các hoạt động giãn cách xã hội đang được xem là thách thức lớn đối với thị trường cho thuê văn phòng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét