Bất chấp những khó khăn vì đại dịch Covid-19, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn có mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao trong 9 tháng năm nay, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm qua.
Khu vực FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu ngày càng cao
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 giảm nhẹ 2% so với tháng 8.
Trong đó, ước tính tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, chỉ giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Quý III là khoảng thời gian “cam go” của trận chiến chống lại dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam, nhất là các địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... Song, kim ngạch xuất khẩu quý III/2021 ước tính đạt xấp xỉ 83,4 tỷ USD, vẫn tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay (tăng 7% so với quý I).
Tăng trưởng xuất khẩu vẫn rất ấn tượng. Nguồn: GSO |
Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt trên 240 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 177,8 tỷ USD, vẫn tăng rất cao là 22,8%, chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Soi” lại dữ liệu xuất khẩu của 9 tháng năm 2020 thấy rằng xuất khẩu của khu vực FDI thời điểm đó chậm lại đáng kể.
2020 được cho là một năm Việt Nam khá “bình yên” với Covid-19, thế nhưng 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Việc châu Âu, Mỹ bùng phát dịch Covid-19 thời điểm đó là một trong những lý do khiến thị trường xuất khẩu của các DN FDI bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong đó, xuất khẩu 9 tháng năm 2020 của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 2,9%, chỉ chiếm 64,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Còn khu vực kinh tế trong nước lại cho thấy năng lực của mình khi hoạt động xuất khẩu tăng tới 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhìn số liệu xuất khẩu 9 tháng năm 2021 và 10 năm nay, có thể thấy khu vực FDI đang tăng tốc xuất khẩu rất mạnh và chiếm tỷ trọng vượt trội về xuất khẩu so với DN “nội”. Khu vực FDI từ chỗ chiếm tỷ trọng khoảng 65,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng lên 71,5% từ 2016-2020 và tăng lên gần 74% trong 9 tháng năm 2021.
Điều này cũng phản ánh “sức khỏe” của khu vực DN ‘nội’ đang rất có vấn đề, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp.
10 năm nay, xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng chiếm tỷ trọng áp đảo so với DN nội. |
Tăng thêm tiền đầu tư
Kết quả xuất khẩu trên của khu vực FDI phần nào được giải thích Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ tại buổi tọa đàm mới đây về FDI: Không chỉ Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.
Không còn chỉ xem Việt Nam như một cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu, tập đoàn này quyết định xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển riêng Samsung tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn.
Còn Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tiếp tục đầu tư 132 triệu USD vào Việt Nam trong hai năm để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Úc.
Cuối tháng 8, Tập đoàn LG của Hàn Quốc cũng chính thức rót thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD. LG Display Việt Nam Hải Phòng trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố cảng.
Nhà máy tại Hải Phòng của LG dự kiến tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ khoảng 10 triệu sản phẩm lên 13-14 triệu sản phẩm. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu mỗi năm tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD, nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.
“Thời gian qua các nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị nhiều những khó khăn trong việc sản xuất ‘3 tại chỗ’, ‘1 cung đường 2 điểm đến’ là đúng. Việc chuyển dịch đơn hàng tạm thời là có xảy ra nhưng không có nghĩa là họ sẽ rút khỏi Việt Nam”, đại diện một Hiệp hội về đầu tư nước ngoài cho biết.
Nhắc đến con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đánh giá: "Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thời gian vừa qua. Chúng tôi cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời".
Cùng với việc nhiều tỉnh thành dần kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa dần nền kinh tế, tỷ lệ tiêm chủng được tăng cao, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ sớm trở lại trạng thái an toàn cho sản xuất của doanh nghiệp nói chung và DN FDI nói riêng.
Tại báo cáo động thái và thực trạng kinh tế xã hội Việt Nam 2016-2020, Tổng cục Thống kê lưu ý về vấn đề thu nhập quốc gia (GNI) của Việt Nam. Theo đó, GNI so với GDP ngày càng thấp hơn, hay nói cách khác thu nhập thuộc sở hữu nước ngoài mang ra khỏi Việt Nam ngày càng nhiều. Giai đoạn 2006-2010, bình quân GNI bằng khoảng 96,6% GDP; giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 95,46%; giai đoạn 2016-2020 là 94,13%. Tổng cục Thống kê cho rằng: Xu hướng này xuất hiện phổ biến ở các nước có đầu tư nước ngoài nhiều như Indonesia (GNI so với GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 là 96,95%), Campuchia (93,79%), Lào (95,91%) và Thái Lan (95,6%). Riêng Brunei và Philippines thu nhập từ nước ngoài chuyển về nước khá nhiều làm cho GNI so với GDP của hai quốc gia này ở mức cao, tương ứng đạt 104,02% và 110,65%. |
Lương Bằng
Con số bất ngờ về dòng vốn tỷ USD đổ vào Việt Nam giữa đại dịch
Số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương trọng điểm thực hiện giãn cách, nhưng một con số khác về đầu tư nước ngoài lại gây ấn tượng mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét