Vừa chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ gần 50% xong, cổ đông lớn này của Toyota, Honda và Ford (Việt Nam) đã tiếp tục dự chi thêm 615 tỷ đồng để tiêu nốt số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2020.
Chia cổ tức "khủng"
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - mã chứng khoán: VEA) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua việc trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại theo ý kiến Bộ Công Thương.
Dây chuyền lắp ráp xe tải của VEAM (Ảnh: Báo Công Thương). |
Cụ thể, theo văn bản 5374 của Bộ Công Thương ngày 1/9, cơ quan này đề nghị quyết định dùng toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối còn lại của VEAM năm 2020 để chia cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 4,627% (một cổ phiếu được nhận 462,7 đồng).
Ngày 13/10 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức tiền mặt và ngày thanh toán 15/11.
Như vậy, với 1.328.800.000 cổ phiếu đang lưu hành, VEAM sẽ chi gần 615 tỷ đồng để trả cổ tức đợt cuối của năm 2020 cho cổ đông hiện hữu.
Bộ Công Thương hiện đang là cổ đông lớn nhất tại VEAM với sở hữu lên tới 88,47% vốn điều lệ của VEAM. Với tỷ lệ sở hữu như trên, trong đợt chia cổ tức này của VEAM, Bộ Công Thương sẽ nhận về 544 tỷ đồng "tiền tươi thóc thật".
Trên thị trường chứng khoán, VEAM nổi tiếng là một trong những doanh nghiệp trả cổ tức "khủng" nhất và đều đặn hàng năm với tỷ lệ rất cao.
Hồi tháng 6 vừa rồi, ban lãnh đạo VEAM đã thông báo về việc chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 49,9% và thực hiện một lần trong quý III. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải chi gần 6.631 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2020 cho cổ đông.
Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông cô đặc, phần lớn phần nằm trong tay Nhà nước (đại diện là Bộ Công Thương), theo đó có thể nói đây là một trong những "quả trứng vàng" đối với thu ngân sách.
Những năm gần đây, VEAM có lịch sử chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao (Ảnh chụp màn hình). |
Năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.667 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ liên doanh liên kết giảm sâu 28% còn 5.124 tỷ đồng. Theo đó, mặc dù lợi nhuận sau thuế của VEAM đạt 5.594 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra nhưng chỉ bằng 76% so với thực hiện năm 2019.
Với kết quả này, Đại hội đồng cổ đông của VEAM đã thông qua mức chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 49,9% (một cổ phiếu nhận 4.990 đồng). Trước đó, VEAM cũng đã thanh toán khoảng 6.980 tỷ đồng cổ tức năm 2019 cho cổ đông với tỷ lệ 52,53%.
Lãi hơn 2.800 tỷ đồng từ liên doanh, liên kết nửa đầu năm
Là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô song phần lớn lợi nhuận của VEAM lại đến từ các công ty liên doanh liên kết. VEAM hiện đang nắm giữ 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam.
"Ông lớn" này nắm 30% Honda Việt Nam, 20%Toyota Việt Nam và 25% Ford Việt Nam (Ảnh chụp màn hình BCTC). |
Nửa đầu năm, VEAM đạt 2.044 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Hoạt động liên doanh liên kết (bao gồm cả Honda, Toyota và Ford) lãi 2.813 tỷ đồng; tăng 45% so với cùng kỳ.
Theo đó, tổng lợi nhuận kế toán hợp nhất nửa đầu năm của VEAM đạt 3.241 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 3.155 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 39%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 3.128 tỷ đồng, tăng 38%.
Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, biên lợi nhuận của VEAM trong năm nay sẽ cải thiện chủ yếu nhờ biên lợi nhuận của các công ty liên kết tăng trong năm 2021 so với mức cơ sở thấp năm 2020. Năm 2020, chỉ tiêu này bị ảnh hưởng bởi việc các nhà máy đóng cửa và khuyến mãi gia tăng nhằm thanh lý hàng tồn kho.
VCSC kỳ vọng Toyota có diễn biến kinh doanh theo ngành ô tô chung; doanh số ô tô của Honda và Ford tăng trưởng chậm hơn ngành trong khi vị thế thống nghị trong mảng xe máy của Honda sẽ tiếp tục. Theo dự báo, doanh số ô tô của Toyota, Honda và Ford tại Việt Nam sẽ lần lượt tăng 16%/9%/12% vào năm 2021.
Thị trường chứng khoán phiên 1/10 có phản ứng tích cực với thông tin trên giúp VEA đi ngược thị trường đạt trạng thái tăng 0,24% lên 41.600 đồng.
(Theo Dân Trí)
Bom nợ Evergrande: Tỷ phú BĐS đổ tiền làm ô tô, ham bóng đá
Tập đoàn BĐS lớn thứ 2 Trung Quốc Evergrande nguy cơ vỡ nợ và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn. Lạm dụng vay tiền, ôm đất, đầu tư đa ngành khiến DN này ở bên bờ vực thẳm khi Bắc Kinh thay đổi chính sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét