Mặc dù có vẻ ngoài kỳ dị, xấu xí nhưng những đặc sản này lại hấp dẫn du khách bởi hương vị vô cùng thơm ngon. Dù có giá thành đắt đỏ, lên tới cả bạc triệu nhưng chúng vẫn được thực khách lùng mua.
Cá mặt quỷ
Cá mặt quỷ (hay còn gọi là cá đá, cá mao ếch) là loài cá có vẻ ngoài xấu xí và khả năng ngụy trang tài tình. Thậm chí, cá mặt quỷ còn rất độc, được mệnh danh là "hung thần nọc độc" dưới đáy đại dương.
Tuy có vẻ ngoài kỳ dị, "xấu hết phần thiên hạ" nhưng cá mặt quỷ lại là đặc sản nổi tiếng ở một số vùng biển như Nha Trang, Phú Yên, Bình Thuận... Thịt của chúng có mùi vị lạ và ngon, lại giàu chất dinh dưỡng nên được dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn như hấp, nướng muối ớt, lẩu chua, om cà ri...
Cá mặt quỷ vừa xấu vừa độc nhưng lại là đặc sản "hiếm có khó tìm". |
Để chế biến loài cá này đòi hỏi đầu bếp phải thật cẩn thận và có kinh nghiệm. Đầu tiên, người ta phải lọc hết lớp da sần sùi bên ngoài rồi dùng dao tách lớp thịt cá. Phần thịt này được thái thành lát mỏng, ướp gia vị vừa ăn rồi đem chế biến thành các món ngon.
Tuy nhiên do số lượng đánh bắt cá mặt quỷ còn ít nên ngay cả người dân vùng biển và thực khách khi đi du lịch không phải ai cũng được thưởng thức món đặc sản này.
Thịt cá mặt quỷ ăn dai và chắc, hương vị đậm đà, được miêu tả vừa giống thịt gà lại vừa giống tôm hùm (Ảnh: Vựa hải sản thủy cung). |
Mỗi con cá mặt quỷ có trọng lượng từ 1,2-3kg. Ở Hà Nội và TPHCM, một số nhà hàng phục vụ món cá mặt quỷ với giá từ 700.000 đồng đến 1,6 triệu đồng/kg.
Hải sâm
Hải sâm thuộc nhóm động vật biển với thân hình dài và da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da, được biết đến với những tên gọi khác như đồn đột, đỉa biển, dưa chuột biển... Chúng là loại hải sản được tìm thấy nhiều ở đảo Lý Sơn (Việt Nam), đảo Jeju (Hàn Quốc), thậm chí xuất hiện ở cả các vùng biển Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia.
Sở dĩ hải sâm có tên gọi như vậy là bởi vẻ ngoài xù xì, có màu đen trông như con đỉa kích thước lớn. Xung quanh hải sâm có những mắt vòi giống bạch tuộc khiến nhiều người nhìn thôi cũng thấy "rùng mình", không dám cầm nắm hay chạm.
Được ví như "nhân sâm của biển", hải sâm trở thành đặc sản "hút" khách lùng mua dù giá cao và có vẻ ngoài kém hấp dẫn (Ảnh: Dmitrii Melnikov). |
Dù có diện mạo kém hấp dẫn nhưng hải sâm lại là một trong những đặc sản xa xỉ rất được lòng giới nhà giàu vì cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều protein, ít chất béo, ít cholesterol,... và có hương vị lạ miệng không thể lẫn với bất kỳ món ăn nào.
Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), người dân muốn bắt được đỉa biển thì phải đi săn đêm và cần có nhiều kinh nghiệm. Loài động vật này di chuyển khá chậm chạp nên bắt chúng không khó. Tuy nhiên, chỉ những thợ lặn tinh mắt mới có thể phát hiện hải sâm từ bọt khí trong hốc đá để bắt mang về.
Hải sâm có thể đánh bắt quanh năm nhưng hải sâm ngon và nhiều dinh dưỡng nhất là dịp hè. Thậm chí vào thời điểm "trúng" vụ, ngư dân có thể thu hoạch được những con hải sâm "khủng", nặng tới cả vài cân.
Hải sâm được loại bỏ ruột, sơ chế sạch, chỉ sử dụng phần thịt giòn bên ngoài (Ảnh: Justdial). |
Không chỉ cần kỹ thuật đánh bắt điêu luyện mà quá trình sơ chế hải sâm cũng đòi hỏi sự kỳ công. Người dân địa phương thường bỏ ruột hải sâm, rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó luộc chín cùng lá đu đủ, ngâm nước 2-3 lần rồi vò kỹ với muối cho bớt màu đen. Bỏ hải sâm sơ chế sạch vào tủ lạnh hoặc ngâm nước lạnh để tăng độ giòn rồi mới đem đi chế biến.
Ở Lý Sơn, hải sâm thường được chế biến thành nhiều món ngon như hải sâm xào nấm và một số rau củ khác, lẩu, canh hải sâm,... Dù có hình thù kỳ dị, kém bắt mắt nhưng hải sâm lại có hương vị thơm ngon lạ lùng, dễ dàng hấp dẫn thực khách ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Thịt hải sâm có độ dai, giòn, hương vị lạ miệng lại giàu dinh dưỡng (Ảnh: Hungryworks). |
Không chỉ là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn độc đáo mà hải sâm còn mang lại giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng như những bài thuốc tự nhiên có tác dụng dưỡng huyết nhuận táo, bổ thận ích tinh…
Chính vì giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon độc đáo mà hải sâm là thực phẩm được bán với giá đắt đỏ, trung bình khoảng 700.000 - 1.000.000/kg, tùy loại. Một trong những loại đắt nhất là hải sâm Nhật, có giá 3.500 USD/kg (khoảng 68 triệu đồng), hình thù càng kỳ dị thì giá càng cao.
Sam biển
Sam được xem là loại đặc sản đắt đỏ và quý giá, sống chủ yếu ở các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Tại Việt Nam, sinh vật này xuất hiện nhiều ở vùng biển Cát Bà, Hạ Long, Cần Giờ hay Quảng Yên…
Thoạt nhìn, sam giống một chiếc mũ sắt, phần mai rất dày và cứng. Chúng có 4 mắt và 8 đôi chân, trong đó hai mắt lồi ra ở bên thân và hai mắt còn lại ở trên đầu nằm sát vào nhau. Ở phần đuôi có gờ mặt lưng, hình tam giác.
Sam biển có vẻ ngoài kỳ dị, xấu xí nhưng là đặc sản "hút" khách sành ăn (Ảnh: Tùng Anh). |
Sam biển sống thành từng cặp, con đực bám trên lưng con cái, đi đâu cũng song hành. Bởi vậy, ngư dân thường đánh bắt cả 2 con sam cùng lúc. Nếu chỉ có một con lẻ dính lưới, ngư dân sẽ nhanh chóng thả nó về biển.
Sam có quanh năm nhưng nhiều nhất là vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 9. Một con sam cái thường nặng từ 1.5 - 3kg, có khi nặng hơn. Còn sam đực nhỏ hơn một nửa, chỉ từ 1-2kg.
Tùy theo thời điểm mà giá thành của sam cũng khác nhau. Sam được bán theo đôi, mỗi đôi có giá dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Có những ngày ngư dân đánh bắt được ít, lượng sam khan hiếm mà khách cần tìm mua nhiều nên giá sam "đội" lên gần 1.500.000 đồng/đôi.
Việc đánh bắt sam khá khó. Sam chỉ sống được khoảng 3 ngày khi rời khỏi biển nên không phải thực khách nào cũng có cơ hội được thưởng thức đặc sản này (Ảnh: Tùng Anh). |
Không chỉ khó khăn từ khâu đánh bắt mà đến công đoạn chế biến sam cũng khá kỳ công, nếu không cẩn thận thì món ăn "coi như bỏ". Sam phải được sơ chế hết sức cẩn thận. Khi cắt tiết sam, phải làm sao cắt thành tia mới không làm mất độ chát của thịt. Riêng phần gan, ruột sam được lọc thật khéo. Nếu không may sơ ý làm vỡ gan, ruột sam, dính vào phần thịt thì có thể khiến thực khách dị ứng hoặc đau bụng...
Sam là loài giáp xác có tính hàn, do đó khi chế biến, đòi hỏi người nấu phải dung hòa các gia vị có tính nóng để cân bằng lại món ăn như tỏi, sả, ớt, lá lốt,... Mỗi con sam sau khi loại bỏ vỏ cứng sẽ thu được phần thịt nặng khoảng 2/3 trọng lượng ban đầu. Từ thịt sam biển, đầu bếp sẽ chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau như gỏi sam, sam xào xả ớt, nộm sam, miến sam, sam chiên giòn…
Nhưng phổ biến nhất và "được lòng" thực khách nhất là món nộm thịt sam và chân sam xào chua ngọt. Những con sam cái vào mùa sinh sản thường mang bụng trứng to, giàu đạm nên thường được chế biến thành món trứng sam nướng, khiến ai ăn một lần là nhớ mãi hương vị khó quên.
Món nộm thịt sam được nhiều thực khách yêu thích (Ảnh: Tùng Anh). |
Với món chân sam xào chua ngọt, sau khi sơ chế phần cẳng chân sam sạch sẽ, người nấu sẽ chặt chúng thành các khúc vừa ăn. Sự kết hợp của loại nước sốt dẻo quánh đặc biệt, có vị chua cay, mặn ngọt, đậm đà, dậy mùi thơm từ lá lốt khiến chân sam xào chua ngọt trở thành món ngon dễ ăn, có hương vị đặc trưng, đậm vị biển. Vỏ chân mềm nên thực khách khi thưởng thức cũng dễ dàng lọc thịt, ăn như càng cua rất thú vị.
Vì khó đánh bắt, không sống được lâu lại kỳ công chế biến nên sam chỉ xuất hiện trong thực đơn ở một số nhà hàng. Nhiều thực khách muốn thưởng thức sam đành chấp nhận di chuyển hàng trăm cây số về vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh để "mục sở thị" những món ăn lạ miệng từ sam.
Tuy nhiên, theo nhiều người có kinh nghiệm, thực khách cũng không nên ăn quá nhiều trứng và thịt sam biển cùng lúc bởi các chất độc trong rong và tảo biển - thức ăn của sam có thể chưa phân hủy hết sẽ gây hại đến sức khỏe người dùng.
Nhum
Nhum biển là loài hải sản sống thành đàn, xuất hiện ở nhiều vùng biển khác nhau, nhiều nhất là Cà Ná, Phú Quốc, Lý Sơn, Nam Du và vùng biển Tuy Hòa. Chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rong rêu và cỏ biển, đặc biệt là cỏ lá hẹ.
Một trong những vùng du lịch biển nổi tiếng nhất với món ăn từ nhum là đảo Nam Du. Thời điểm thưởng thức nhum ngon nhất là tầm tháng 3 - 6 âm lịch.
Tuy vẻ ngoài xấu xí, kỳ dị nhưng nhum biển là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người yêu thích. |
Để làm món nhum ngon đúng vị, người ta sẽ bỏ thêm mỡ hành và một chút lạc vào trong con nhum và nướng đến khi mỡ xèo xèo và phần thịt nhum đã ngả sang màu vàng. Tùy vào khẩu vị của mỗi người mà có thể cho thêm muối chanh hoặc không.
Nhum nướng mỡ hành ăn có vị bùi bùi của thịt nhum có vị béo ngậy của mỡ hành và vị thơm thơm của lạc. Tất cả tạo nên hương vị thơm ngon của món ăn nhum nướng mỡ hành đặc sản Nam Du.
Nhum biển được ví như "thần dược quý ông" vì có công dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực. |
Với một số du khách ưa thích đồ tươi sống thì có thể ăn nhum sống đã sơ chế sạch sẽ, cắt bỏ gai, vắt chanh và ăn cùng với mù tạt.
Đến Nam Du, cháo nhum cũng là món ngon du khách không thể bỏ qua. Để làm được món cháo ngon, người ta phải sử dụng nhum tươi mới bắt. Sau khi làm sạch, người đầu bếp nạo phần thịt nhum ra.
Người đầu bếp sẽ ướp chung phần thịt nhum với các loại gia vị như tiêu, hành để tăng sự đậm đà. Sau đó, các nguyên liệu sẽ được chiên qua để tăng thêm mùi vị và hòa quyện với nhau rồi đổ vào nồi cháo đang sôi sùng sục, khuấy đều và múc nhanh ra bát.
Món nhum biển nướng mỡ hành được nhiều thực khách yêu thích (Ảnh: ntvvirus). |
Thịt nhum là thực phẩm giàu chất bổ, cung cấp nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo nghiên cứu của y học, nhum biển có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực, ngoài ra còn là một món ăn tăng cường canxi cho cơ thể nên nó còn được tôn vinh là "nhân sâm biển".
(Theo Dân Trí)
Đặc sản 'trời ban' xấu 'hết phần thiên hạ', có tiền cũng khó mua ở Cà Mau
Dù có vẻ ngoài xấu xí, kỳ dị khiến thực khách dè chừng nhưng cá thòi lòi lại là đặc sản "hiếm có khó tìm" ở Cà Mau. Đến Đất mũi, không phải ai cũng may mắn được thưởng thức đặc sản "trời ban" này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét