Bắc Kinh đang thúc đẩy một số công ty thuộc sở hữu của chính phủ và các nhà phát triển bất động sản được nhà nước hậu thuẫn mua lại một số tài sản của Evergrande.
Tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc Evergrande đang đứng bên bờ vực sụp đổ với khoản nợ 305 tỷ USD. Trong khi đó, chính quyền trung ương rất khó can thiệp trực tiếp để giải quyết cuộc khủng hoảng của Evergrande dưới hình thức một gói cứu trợ.
Nhưng các nhà chức trách nước này kỳ vọng rằng việc mua lại tài sản của Evergrande sẽ ngăn chặn được vụ vỡ nợ hoặc ít nhất có thể giảm thiểu những bất ổn xã hội xảy ra nếu Evergrande sụp đổ.
Một số doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ đã thực hiện thẩm định một số tài sản của Evergrande ở thành phố Quảng Châu.
Dự án sân vận động bóng đá Quảng Châu của Evergrande (Ảnh: Reuters) |
Trong đó phải kể đến Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Thành phố Quảng Châu. Tập đoàn này sắp mua lại sân vận động bóng đá Quảng Châu của Evergrande và các dự án khu dân cư xung quanh sân vận động này. Sân vận động bóng đá Quảng Châu có chi phí xây dựng khoảng 12 tỷ nhân dân tệ (tương đương1,9 tỷ USD). Sân vận động này được thiết kế với sức chứa hơn 100.000 người, được cho là sân bóng đá lớn nhất thế giới tính theo sức chứa.
Tương tự, Vanke - công ty do nhà điều hành tàu điện ngầm Thâm Quyến thuộc sở hữu nhà nước đang nắm 1/3 cổ phần - cũng được yêu cầu mua tài sản từ Evergrande. Vanke cho biết, vào tháng 8, họ đã thương lượng với Evergrande về việc hợp tác trong nhiều dự án.
Một số doanh nghiệp khác như Jinmao, China Resources Land, China Jinmao Holdings cũng được chỉ định mua lại tài sản của Evergrande. Các công ty được chỉ định mua lại những tài sản cốt lõi của Evergrande đều được xem xét và cân nhắc về cả chính trị lẫn thương mại.
Vào tuần trước, Evergrande vẫn chưa thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi suất trái phiếu cho các trái chủ ở nước ngoài và khoản thanh toán phiếu giảm giá 47,5 triệu USD đến hạn.
Dù Evergrande đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ (vụ vỡ nợ được đánh giá là lớn nhất Trung Quốc từ trước tới nay) nhưng các cơ quan chính phủ hầu như vẫn im lặng về khả năng giải cứu Evergrande bằng gói cứu trợ hay các biện pháp ngăn chặn sự sụp đổ. Song chính quyền Bắc Kinh đã và đang nỗ lực để hạn chế bất kỳ tác động nào của cuộc khủng hoảng nợ Evergrande đối với hệ thống tài chính. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ bảo vệ người mua nhà, đồng thời bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng để tăng thêm thanh khoản.
Một nguồn tin cho biết, chính quyền địa phương đã được yêu cầu làm trung gian cùng với các doanh nghiệp do chính phủ hậu thuẫn tham gia vào việc tái cơ cấu và bán tài sản của Evergrande. Sự tham gia của chính quyền địa phương sẽ phụ thuộc vào mức độ hiện diện của Evergrande tại địa phương đó cũng như nguồn tài chính của địa phương để tiếp quản được các tài sản đó. Các cơ quan quản lý sẽ đánh giá tình hình của tất cả các hoạt động kinh doanh của Evergrande trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào đối với tình hình thanh khoản của công ty.
Phương Anh (Theo Reuters)
Bom nợ Evergrande: Tỷ phú BĐS đổ tiền làm ô tô, ham bóng đá
Tập đoàn BĐS lớn thứ 2 Trung Quốc Evergrande nguy cơ vỡ nợ và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn. Lạm dụng vay tiền, ôm đất, đầu tư đa ngành khiến DN này ở bên bờ vực thẳm khi Bắc Kinh thay đổi chính sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét