Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Có hướng dẫn viên đã mất khi chưa kịp nhận hỗ trợ

Chuyện buồn xảy ra trong đợt dịch thứ tư tại TP.HCM khi một số hướng dẫn viên đã mất vì nhiễm bệnh, chưa kịp nhận hỗ trợ. Nhiều kiến nghị đơn giản hóa thủ tục để họ sớm có tiền trợ cấp tiếp tục được đưa ra.

Cần hỗ trợ kịp thời

Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến Bàn cách gỡ vướng để hướng dẫn viên du lịch nhận hỗ trợ do Covid-19 diễn ra ngày 12/9, ông Nguyễn Đức Chí, cựu Phó phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, cho hay, cả nước hiện có hơn 28.400 hướng dẫn viên, trong đó có 17.766 hướng dẫn viên quốc tế, 9.355 hướng dẫn viên nội địa và 1.160 hướng dẫn viên tại điểm.

Trong số đó, có 17.000 hướng dẫn viên tự do, 7.000 là hội viên các chi hội Hướng dẫn viên và 2.700 hướng dẫn viên cơ hữu. Số hướng dẫn viên cơ hữu được ký hợp đồng chính thức, dài hạn hiện chỉ chiếm khoảng 10%, là những người đã được nhận số tiền trợ cấp 3,71 triệu đồng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên.

90% hướng dẫn viên còn lại chưa được nhận hỗ trợ. Vì thủ tục làm hồ sơ xin hỗ trợ còn nhiều phức tạp, khó khăn nên trong số này, nhiều người đã quay sang nhận gói hỗ trợ khác.

{keywords}
Tại Huế, đã có 571 HDV được nhận hỗ trợ

Ông Chí dẫn chứng, như tại TP.HCM một số HDV đã nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo Nghị quyết 09 của TP. Hay Hà Nội cũng có gói hỗ trợ tương tự, với mức 1,5 triệu đồng/người, cho lao động khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Chí bày tỏ sự đáng tiếc khi nhiều hướng dẫn viên đã mất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP.HCM, khi chưa kịp nhận hỗ trợ. Theo ông biết, đó là 1 hướng dẫn viên tiếng Đức, 2 hướng dẫn viên tiếng Nhật, 1 hướng dẫn viên nội địa và một số nhân viên du lịch cũng bị nhiễm bệnh.

Ông Phan Bửu Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, chia sẻ, để giải quyết hồ sơ cho hướng dẫn viên, hiệp hội phải làm tới nửa đêm. Dù biết vất vả, nhưng ông Toàn nói rằng thời điểm này họ đang cần được hỗ trợ một cách kịp thời nhất.

“Thực tế, hai năm nay, hướng dẫn viên đã quá khổ. Riêng tại TP.HCM, có hàng chục trường hợp hướng dẫn viên là F0 hay gia đình họ là F0. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ chút ít từ nguồn quỹ nhỏ nhoi của mình. Một số chuyển nghề được, một số thì không. Có hướng dẫn viên lớn tuổi phải bán từng món hàng, từng món đồ cho tới chiếc xe cùi. Do đó, chúng tôi kiến nghị thủ tục cần đơn giản nhất để anh em hướng dẫn viên sớm nhận được hỗ trợ”, ông Toản nói.

Hơn nữa, theo ông Toản, đôi khi 3,7 triệu đồng với nhiều hướng dẫn viên là không đáng kể, nhưng quan trọng hơn là để họ giữ được cái gốc, để chứng tỏ nghề hướng dẫn viên được xã hội công nhận. 

Đơn giản hóa thủ tục càng sớm càng tốt

Dù đã triển khai hơn hai tháng, nhưng chính sách hỗ trợ với số tiền 3,71 triệu đồng nhận một lần cho hướng dẫn viên vẫn chậm so với các gói hỗ trợ khác của một số địa phương. Điều này khiến nhiều hướng dẫn viên bức xúc.

Ông Phan Bửu Toàn lý giải, đó là do vướng mắc về thủ tục khi làm hồ sơ, liên quan đến hợp đồng lao động, do giãn cách xã hội nên hướng dẫn viên không thể hoàn thành việc nộp hồ sơ giấy; kể cả nộp online, họ vẫn phải đến tận Sở để nộp hồ sơ giấy. Ngoài ra, còn có tình trạng một số địa phương chưa cập nhật danh sách công ty lữ hành lên trang của Tổng cục Du lịch nên hướng dẫn viên đã nộp hồ sơ mà tra danh sách không thấy tên mình.

{keywords}
Kiến nghị chỉ cần hướng dẫn có thẻ hành nghề là được nhận trợ cấp.

Tại TP.HCM, theo số liệu của Sở Du lịch, đã có 7 đợt cấp kinh phí, 530 hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ nhưng trong đó, số hội viên Chi hội Hướng dẫn viên chiếm tới 80%.

Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, đến ngày 9/9 đã tiếp nhận và thẩm định 649 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trong đó có 639 hồ sơ đủ điều kiện, 571 hướng dẫn viên được chi trả hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn Phúc nói rằng, một số hồ sơ chưa đủ điều kiện do hợp đồng lao động chưa đúng hoặc là hợp đồng ngắn hạn, hướng dẫn viên lại chưa tham gia chi hội nhưng Sở vẫn tiếp nhận và tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng kiến nghị xử ý.

Do đó, ông Phan Bửu Toàn cho rằng, đã là hướng dẫn viên, dù vào hiệp hội hay không họ vẫn hoạt động nghề nghiệp, nên đơn giản hóa thủ tục càng sớm càng tốt. Giai đoạn này, theo ông, chỉ cần hướng dẫn viên có thẻ là được nhận hỗ trợ. Nếu không được, nên chấp nhận cả hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng theo tour,...

Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí đưa ra ba iải pháp, trong đó với giải pháp giữ nguyên điều kiện về hồ sơ như hiện nay và tăng cường sự hỗ trợ của các Sở và chi hội hướng dẫn viên; giải pháp giảm điều kiện chứng minh hợp đồng lao động thì các hạn chế trên vẫn không khắc phục được.

Ông kiến nghị, để đơn giản hóa thủ tục, chỉ cần hướng dẫn có thẻ hành nghề là được nhận trợ cấp. Đến nay, đã có 6 Sở Du lịch kiến nghị chỉ áp dụng duy nhất điều kiện này.

Tham khảo chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên của các nước

Singapore có nhiều gói hỗ trợ cho hướng dẫn viên. Tại quốc đảo này, trên 95% HDV là hướng dẫn viên tự do. Họ chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề, một số bằng chứng (biên bản giao nhận tour) của bất kỳ công ty du lịch nào. Sau khi xem xét và xác nhận, HDV sẽ được hỗ trợ lên đến 9.000 đô la Singapore (khoảng 153 triệu đồng), giải ngân theo nhiều đợt khác nhau chứ không cùng một lúc. Chính phủ còn mở ra các khóa học nghề, khuyến khích HDV đi học bằng cách miễn học phí và tặng thêm 3.000 đô la Singapore nữa cho mỗi người.

Tại Hàn Quốc, thủ tục để HDV nhận hỗ trợ khá đơn giản. HDV chỉ cần nộp hồ sơ gồm thẻ HDV và một tấm hình đang hành nghề, có thể là tour dẫn đoàn. Nhà chức trách sẽ kiểm tra lại, đối chiếu với công ty du lịch rằng HDV đó có đi tour, có đóng thuế không? Chỉ cần phía lữ hành chứng nhận là HDV được nhận hỗ trợ 1,5 triệu won, tương đương 30 triệu đồng, chuyển làm 3 đợt.

Pháp cũng chia làm hai gói hỗ trợ: HDV cơ hữu của công ty, được nhận lương hàng tháng (chẳng hạn 1.500 euro, Chính phủ sẽ hỗ trợ 70% số tiền này, 30% còn lại công ty chi trả); với HDV tự do, Chính phủ sẽ hỗ trợ hoàn toàn 1.500 euro, chỉ cần họ có thẻ hành nghề và xác nhận của bất kỳ công ty nào về việc hợp tác dẫn đoàn. Từ tháng 3/2020-7/2021, mỗi HDV nhận được 1.500 euro/tháng.

Bồ Ban Nha thì tổ chức khóa học nghề cho HDV, với 80 giờ học. Học xong, HDV có chứng nhận nghề tương đương cấp 5, có thể chuyển sang làm việc khác ngay.

(Ông Nguyễn Đại Lưỡng, cựu HDV du lịch của BenThanh Tourist)

Ngọc Hà

Đề xuất chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên sẽ được nhận trợ cấp

Đề xuất chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên sẽ được nhận trợ cấp

Tại cuộc họp trực tuyến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (HDV) ngày 31/8, một số địa phương đề xuất chỉ cần có thẻ là HDV nhận được trợ cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét