Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Ông chủ của Tập đoàn Bảo Sơn

Không ồn ào như những đại gia khác, ông Sơn cứ lặng lẽ, vật lộn, nỗ lực trên thương trường hàng chục năm, để rồi xây dựng lên "đế chế" Bảo Sơn ngày hôm nay.

Những cay đắng khi mới khởi nghiệp

Tốt nghiệp Trường Trung cao cơ điện năm 1965, đến năm 1967, ông Sơn được Bộ Cơ khí Luyện kim cử sang Bulgaria học về ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Năm 1972, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư thực hành và trở về nước. Tiếp đó, năm 1989, ông trở thành Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ.

{keywords}
Ông Nguyễn Trường Sơn – Người đứng đầu Tập đoàn Bảo Sơn

Cũng chính trong quãng thời gian này ông đã có những kỷ niệm cay đắng, những bài học lớn không bao giờ quên được trong cuộc đời doanh nhân mà ông vẫn thường nói là "lắm rắc rối và tai ương" của ông.

Rắc rối thứ nhất xảy ra năm 1985, lúc đấy ông là Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm với thương vụ xuất khẩu 200 tấn cà phê sang CHDC Đức ngoài Nghị định Thư để đối lấy 900 tấn hạt nhựa. Trong một năm với các thủ tục giấy tờ, Nguyễn Trường Sơn đã gặp biết bao bão táp dư luận với những lời thị phi, đồn thổi.

Tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các lãnh đạo Bộ, ngành, Nguyễn Trường Sơn đã xuất được 200 tấn cà phê nhưng không phải sang Đức mà sang Liên Xô và đem về hơn 20.000 tấn phân đạm. Nhờ thương vụ này mà tiếng tăm lẫn những thị phi của ông Nguyễn Trường Sơn nổi tiếng cả hai miền Nam Bắc.

Rắc rối lớn thứ hai trong cuộc đời nhiều bão táp của Nguyễn Trường Sơn là thương vụ xuất khẩu 150.000 chiếc áo thêu sang Ba Lan để đổi lấy 80.000 mét vải giả da và mấy nghìn cái phích nước.

Thương vụ này cũng lấy đi của ông không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Ông đã phải đứng trước những cuộc thanh tra, kiểm tra để tìm sai phạm. Và với bản lĩnh của mình, vượt lên sự bủa vây của dư luận, ông đã chứng minh được sự trong sạch của bản thân.

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông vẫn thoáng chút ngậm ngùi: "Đời tôi lắm tai ương".

Sau những sóng gió, ông Sơn đã chuyển toàn bộ công ty của Nhà nước ra ngoài quốc doanh và quyết định kinh doanh độc lập.

Và kể từ đó, Công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) chính thức ra đời.

Đến năm 1995, Tập đoàn Bảo Sơn tạo dấu ấn đầu tiên bằng việc xây dựng Khách sạn Bảo Sơn với tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội. Tọa lạc trên đại lộ lớn hàng đầu thủ đô với 100 phòng nghỉ, 2 phòng hội nghị, nhà hàng Âu - Á, Khách sạn Bảo Sơn được rất nhiều sự chú ý của các du khách trong nước và quốc tế kể từ khi thành lập.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2005, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục trở thành tâm điểm của giới kinh doanh khi đưa Công viên Thiên Đường Bảo Sơn - quy mô 20 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD đi vào hoạt động.

Dự án này là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới tại An Khánh, Hà Nội và được giới chủ Bảo Sơn kỳ vọng là cửa ngõ du lịch của thủ đô. Được biết, khu đô thị mới tại An Khánh gồm ba phần là Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, khu biệt thự BaoSon Paradise và khối công trình văn phòng, thương mại cao tầng, nhà ở, bệnh viện... được liên doanh giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Công ty Gelexim.

Những năm kế tiếp, Tập đoàn Bảo Sơn liên tiếp đặt chân vào các lĩnh vực kinh doanh mới, không chỉ đầu tư bất động sản, xây dựng các khu đô thị, "hệ sinh thái" của ông Sơn còn mở rộng sang y tế, giáo dục, tư vấn xuất khẩu lao động, thẩm mỹ, du lịch trong và ngoài nước...

Ước tính đến nay, nhóm doanh nghiệp dưới sự quản lí của ông Sơn và Tập đoàn Bảo Sơn đã lên đến cả chục thành viên với tổng tài sản vô cùng ấn tượng.

Bảo Sơn đang kinh doanh ra sao?

Theo VietnamFinance trong các năm gần đây, tài sản của Tập đoàn Bảo Sơn (công ty mẹ) ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn. Nếu như năm 2016 con số này chạm mức 1.791 tỷ đồng, thì chỉ đến 2019 đã chinh phục ngưỡng 2.586 tỷ đồng, tức tăng 44%.

Đối ứng bên nguồn vốn, các khoản nợ có xu hướng tiết giảm và vốn chủ sở hữu ngày càng nảy nở. Đến cuối năm 2019, nợ phải trả của Tập đoàn Bảo Sơn là 1.224 tỷ đồng, chiếm 47% tài sản.

Sức vóc doanh nghiệp khá lớn nhưng kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Bảo Sơn khá khiêm tốn. Duy trì ở mức trên 60 tỷ đồng và lãi dưới 10 tỷ đồng mỗi năm.

Với các công ty con, kết quả kinh doanh có phần khởi sắc hơn.

{keywords}
Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn được coi là "con gà đẻ trứng vàng" của Tập đoàn Bảo Sơn.

Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn trong giai đoạn 2016 - 2019, pháp nhân của dự án Thiên đường Bảo Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 200 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi lên 303 tỷ đồng vào cuối năm 2019; lợi nhuận duy trì trên mức 60 tỷ đồng mỗi năm.

Một "con gà đẻ trứng vàng" của Bảo Sơn là Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn. Tính đến cuối năm 2019, cơ cấu cổ đông, ông Sơn nắm giữ gần 29% vốn, bà Nguyễn Thị Thu Hà nắm giữ 14% vốn, bà Lê Thị Tuyết Hoa, vợ ông Sơn nắm giữ 2,3% và bà Nguyễn Thanh Thủy, con gái ông Sơn nắm giữ gần 15% vốn.

Năm 2016, doanh thu của bệnh viện chỉ đạt 23,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 6,5 tỷ đồng. Một năm sau, bất chấp doanh thu tăng 33% lên 31,5 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn lỗ đậm đến 9,3 tỷ đồng.

Năm 2018 và 2019, bức tranh tài chính của Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn mởi phần nào được cải thiện, bệnh viện bắt đầu có lợi nhuận dương. Theo đó, doanh thu ghi ở mức 50 tỷ đồng và 54 tỷ đồng, lãi sau thuế lần lượt 602 triệu đồng và 460 triệu đồng.

Đối ứng với nguồn vốn, tài sản của Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn đang có xu hướng lệ thuộc vào các khoản vay ngoài. Năm 2016, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 55,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 91 tỷ đồng, tuy nhiên đến năm 2019, các khoản nợ đã phình to lên 77 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu co hẹp còn 85 tỷ đồng.

Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn trực thuộc doanh nghiệp mảng y tế này là một bệnh viện khá tai tiếng kể từ khi thành lập.

Không chỉ lùm xùm về việc nợ lương bác sĩ vào năm 2017, theo kết luận thanh tra số 45 ngày 13/3/2020, thanh tra Bộ Y tế còn chỉ ra hàng loạt sai phạm tồn đọng như thiếu giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy theo mô hình bệnh viện, hàng chục nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...

Cũng theo Vietnamfinance, hai công ty con khác của Bảo Sơn là Xuất khẩu lao động Bảo Sơn và Quản lý đầu tư Hồng Lam tỏ ra khá đuối, gần như không phát sinh lợi nhuận, đặc biệt có năm còn gánh lỗ hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, "hệ sinh thái" của ông Sơn còn rất đa dạng. Ngoài Tập đoàn Bảo Sơn, gia đình vị doanh nhân xứ Nghệ còn đang điều hành, góp vốn vào không ít doanh nghiệp khác, đơn cử như Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, Đầu tư Việt Nam - Bulgaria, Du lịch giải trí và nghỉ dưỡng Bảo Sơn...

Thế nhưng, đa số các doanh nghiệp này đều hoạt động cầm chừng, hầu như không phát sinh doanh thu và lỗ ròng các năm do khấu trừ các chi phí.

(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét