Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Gửi vàng nhận lãi cao

Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đang rất thấp, lợi dụng điều đó, thị trường đã xuất hiện trường hợp tổ chức huy động vàng với lãi suất rất cao để thu hút người dân.

Tại Tập đoàn VsetGroup (TPHCM), chúng tôi được nhân viên tiếp thị tên L. cho biết, tập đoàn này đang thu hút nhà đầu tư góp vốn bằng vàng 9999 và SJC. Hình thức đầu tư chia theo các gói, thấp nhất từ 1 - 6 chỉ vàng, cao nhất từ 10 - 20 lượng vàng với lãi suất 12,79%/năm. Thời gian góp vốn từ 1 - 5 năm, sau khi hợp đồng hết hạn thì được hoàn trả toàn bộ số vàng. Tính ra, với giá vàng hiện nay, nếu đầu tư một chỉ vàng thì mỗi năm nhận được 497.700 đồng, một cây vàng thì nhận về hơn 5,6 triệu đồng/năm… Mức lãi suất này cao gấp đôi so với lãi suất gửi tiết kiệm bằng VNĐ tại các ngân hàng hiện nay.  

{keywords}
Mức lãi suất huy động vàng được một doanh nghiệp niêm yết

Từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 11/2011 quy định kể từ ngày 1/5/2011, các tổ chức tín dụng phải chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng. Nghị định 24 của Chính phủ ban hành năm 2012 cũng quy định “Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép”. Tuy nhiên từ đó đến nay, tình trạng cố tình vi phạm huy động vàng vẫn xảy ra.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, luật hiện chỉ mới quy định việc quản lý đối với các tổ chức tín dụng, cần bổ sung rõ rằng kể cả các doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định cấm huy động vàng để dễ hơn trong việc xử lý các vi phạm, tránh tình trạng lợi dụng lách luật, tranh cãi trong quá trình xử lý.

Việc huy động vàng liên quan đến chính sách tiền tệ, đến an ninh... nên việc cấm huy động vàng là cần thiết. Cho dù nếu doanh nghiệp được cấp phép huy động vàng đi nữa thì người dân cũng cần lưu ý về nguy cơ rủi ro rất cao do vàng không phải là hàng hóa bình thường, giá cả biến động rất mạnh.

Có hai khả năng xảy ra. Nếu là chiều thuận, hôm nay huy động vàng của dân là 50 triệu đồng/lượng, hai năm sau xuống còn 20 triệu đồng/lượng thì doanh nghiệp thắng đậm, người dân không mất gì và vẫn có lãi. Còn chiều ngược lại thì doanh nghiệp mất trắng, hoặc cắn răng mua vàng trả lại cho dân hoặc không có tiền trả, vỡ nợ. Việc doanh nghiệp huy động vàng cam kết giá chuyển đổi từ vàng sang VNĐ vẫn giữ nguyên bất kể giá vàng tăng giảm chỉ là cam kết cho... vui. Điều đó cũng giống như cá nhân đi vay mượn với nhau, ai cũng cam kết trả đủ gốc lãi, nhưng nếu không trả được thì vỡ nợ.

Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn luật sư TPHCM - đặt câu hỏi: doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh, không có chức năng kinh doanh về tiền tệ, ngoại tệ, vàng vậy huy động vàng để làm gì? Chỉ có mục đích duy nhất là huy động vàng rồi bán lại để lấy vốn kinh doanh hoặc ăn chênh lệch, khi đến hạn sẽ mua ra trả lại. Như vậy rủi ro là rất cao.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng pháp chế Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) - nhận định: “Huy động vàng là lĩnh vực nhạy cảm và rất nguy hiểm, nếu xảy ra vi phạm thì là vi phạm hình sự. Cần phải kiểm tra doanh nghiệp này xem họ huy động vốn có thực hiện theo đúng quy định hay không, huy động vốn với mục đích gì?”. 

(Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét