Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Đại gia chuyển sang nuôi bò

Nuôi bò không phải là một lĩnh vực mới mẻ gì, bởi trước ông Phạm Văn Tam, đã có không ít đại gia chi hàng nghìn tỷ đồng phát triển đàn bò.

Ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam lấn sân sang nông nghiệp

Ông Phạm Văn Tam là CEO của Tập đoàn Asanzo. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm nhưng không có hứng thú với công việc gia đình nên khi học xong THPT, ông Tam đã bươn chải khắp nơi kiếm tiền mà không đi học đại học.

Trước khi trở thành một doanh nhân, ông Tam đã trải qua nhiều công việc như chụp ảnh, bưng phở, áp tải hàng, buôn linh kiện...

Cuối năm 2013, nhận thấy những thương hiệu tivi nổi tiếng chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, ông quyết định thành lập Asanzo. Asanzo đã tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21, 24 – 32 inch, nhắm đến khách hàng ở nông thôn. Tập đoàn này từng công bố, với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam.

Mới đây, thông tin ông Phạm Văn Tam "rót" 2.000 tỷ đồng vào 5 trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An với tổng quy mô 25.000 con khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

{keywords}
Ông Phạm Văn Tam - CEO của Tập đoàn Asanzo.

Theo đó, chuỗi trang trại được tổ chức theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không có nước thải, không có phế phẩm. Nguồn bò nhập từ Australia, nuôi lấy thịt phục vụ thị trường lân cận.

Phế phẩm, chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ dựa trên công nghệ và công thức phối trộn vi sinh độc quyền đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp. Cỏ và rơm rạ cho bò ăn được thu gom từ người nông dân quanh vùng

Chia sẻ với VnExpress, CEO Asanzo cho biết, các trang trại đã hoàn tất quy trình nuôi bò lấy thịt và phân phối cấp 1, đang cung cấp ra thị trường 50 tấn thịt mỗi ngày. Với khối lượng phân mỗi ngày hơn 400 tấn, doanh nghiệp chuẩn bị ra mắt phân bón hữu cơ dạng tơi và dạng viên nén ngay trong tháng 3 với thương hiệu Ba Con Bò.

Ông nhấn mạnh 3 yếu tố hữu ích của mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Thứ nhất, nguyên liệu đầu vào cho quá trình chăn nuôi bò là cỏ, rơm rạ có sẵn trong vùng. Việc phân bố 5 trang trại ở khoảng cách khá xa nhau tại 3 tỉnh giúp đảm bảo nguồn thức ăn đầu vào không bị thiếu hụt, bên cạnh tiết kiệm chi phí logistic.

Hai là, sản phẩm phân hữu cơ Ba Con Bò được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, trải qua công thức phối trộn vi sinh độc quyền và dây chuyền công nghệ, đảm bảo chất lượng đồng nhất, tối ưu cho đất đai và cây trồng.

Ba là, với mô hình khép kín hoàn toàn từ nguyên liệu đầu vào là phế phẩm sau mỗi vụ thu hoạch cho đến nguyên liệu đầu ra, phân hữu cơ Ba Con Bò góp phần giải quyết bài toán chất thải trong ngành chăn nuôi. CEO Asanzo đặt kỳ vọng Ba Con Bò sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất 500% trong năm nay.

Về việc lấn sân sang mảng nông nghiệp, ông Tam cho hay, trong năm qua, kinh doanh điện tử gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Một phần nữa, khách hàng của ông đa số là nông dân. Được mùa, có thu nhập từ nông nghiệp thì đời sống mới khá lên được. Bao năm qua, khách hàng của Asanzo đều là người có thu nhập thấp, nông dân… nên giờ ông Tam muốn tăng thu nhập cho nông dân.

Trong năm 2022, CEO Tam dự định mở rộng trang trại về phía Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Tây nhằm tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu và tiềm năng thị trường.

Loạt đại gia sa lầy vì... bò

Việc các doanh nghiệp lấn sân sang làm nông nghiệp không phải là chuyện mới lạ gì. Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt chứng kiến sự đổ bộ của rất nhiều các đại gia, rót vốn hàng nghìn tỷ đồng để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công, cũng đem lại lợi nhuận.

{keywords}
Đàn bò nghìn tỷ "vang bóng một thời" của bầu Đức.

Bầu Đức là một điển hình trong việc gặp khó khăn khi lấn sân sang làm nông nghiệp và chăn nuôi bò. Đại gia phố núi này đã rất kỳ vọng vào nguồn thu khổng lồ từ lĩnh vực chăn nuôi bò.

Tháng 6/2014, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức chính thức nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi bò ở cả 3 nước, là Việt Nam, Lào và Campuchia.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 được triển khai trong 2 năm 2014 và 2015 với mức đầu tư 3.150 tỷ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2017 với số vốn 3.150 tỷ đồng. Tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con, trong đó 120.000 con bò sữa, 116.000 con bò thịt.

{keywords}
Đàn bò nghìn tỷ "vang bóng một thời" của bầu Đức.

Kế hoạch nuôi bò nghìn tỷ của bầu Đức trong năm đầu tiên đã mang lại hiệu quả lớn khi năm 2015 sản phẩm đầu tiên được ra lò. Tuy nhiên, những năm sau đó, đàn bò đã không mang lại nguồn thu như kỳ vọng cho Hoàng Anh Gia Lai.

Biên lợi nhuận từ đàn bò của bầu Đức cứ giảm dần và đến quý 4/2016 chỉ còn 5%, mức thấp kỷ lục. Đến hết năm 2017, doanh thu từ bò đã giảm hơn 78% so với năm 2016, còn 757 tỷ đồng. Sang đến năm 2018, trong kế hoạch kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp này, chăn nuôi bò đã không còn được nhắc đến.

Không chỉ có Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai cũng chi 2.600 tỷ đồng cho dự án nuôi bò. Dự án được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1/2016, với quy mô đàn bò hơn 33.000 con. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trên diện tích 1.500ha, tổng vốn 2.632 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu chiếm 20%).

{keywords}
Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai hoang tàn, trống trơn.

Dự kiến đến tháng 10/2018 dự án sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị, nhập bò và trồng cỏ để nuôi.

Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã đột ngột đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông cho dự án điều chỉnh giảm từ 33.000 con xuống còn 1.000 con bò sinh sản và bò giống. Với việc thay đổi quy mô này, tổng số vốn đầu tư cũng đã thay đổi, giảm xuống chỉ còn 100 tỷ đồng, diện tích đất còn gần 71ha.

Thực tế tại dự án chủ đầu tư đã xây dựng 2 chuồng trại với quy mô rộng hàng nghìn mét vuông. Thế nhưng, ở 2 chuồng trại này không có người làm việc, người quản lý… Mọi hoạt động của trang trại đã bị "tê liệt" hoàn toàn.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét