Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Ứng dụng đặt phòng theo giờ hút khách

Đặt phòng theo giờ được đánh giá là phân khúc tiềm năng nhưng đang bị bỏ quên tại Việt Nam.

Trong thời đại của kinh tế chia sẻ, các ứng dụng đặt phòng phục vụ du lịch (Online Travel Agencies) ngày càng trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, phần lớn thị phần tại Việt Nam đang nằm trong tay các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế, như Agoda.com, Booking.com (đều thuộc Booking Holdings), Trivago.com, Hotels.com (đều thuộc Expedia Group), hay Airbnb.com, Tripavisor, Traveloka (Indonesia)…

Các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nhau phần ít ỏi còn lại và đa số đang báo lỗ nặng. Top đầu doanh thu có thể kể đến như Chudu24, iVivu.com, Tripi, Vntrip OTA. Xin lưu ý là cách ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp này khác nhau tùy thuộc và chính sách kế toán, do đó sự so sánh chỉ mang tính tham khảo.

Các OTA đang khốn đốn vì đại dịch, nhưng các tay chơi trong lĩnh vực đặt phòng theo giờ lại vừa huy động về hàng triệu USD - Ảnh 1.
Các OTA đang khốn đốn vì đại dịch, nhưng các tay chơi trong lĩnh vực đặt phòng theo giờ lại vừa huy động về hàng triệu USD - Ảnh 2.

Trong thị trường đặt phòng trực tuyến, một phân khúc đang có ít "người chơi" tham gia bởi tính đặc thù của nó - ứng dụng đặt phòng nghỉ theo giờ. Đối tượng khách hàng chính của phân khúc này là các cặp tình nhân, với sản phẩm chủ lực là khách sạn tình yêu.

Đây không phải là một mô hình kinh doanh mới tại các thị trường phát triển, nhưng chưa quá phổ biến tại Việt Nam.  

Ứng dụng Yanojia, Hàn Quốc, có nghĩa là "Hey, let’s play" được thành lập năm 2007, và được định giá 1 tỷ USD năm 2019. Công ty phát triển dịch vụ đặt phòng trên nền tảng khách sạn tình yêu, sau đó mở rộng sang các khách sạn thông thường, trở thành một trong những ứng dụng đặt phòng lớn nhất Hàn Quốc. Doanh thu hàng năm của Yanojia lên tới 3,6 tỷ USD.

Quay trở lại Việt Nam, Go2Joy, được phát triển theo phong cách này.

Cách đây chưa đầy hai tuần, Go2Joy thông báo huy động được 2,3 triệu USD trong vòng gọi vốn A+. Các nhà đầu tư gồm có HB Investments dẫn đầu, ngoài ra còn Platform Partners Asset Management.

Go2Joy, tiền thân là Appro Mobile, được sáng lập bởi người Hàn Quốc – ông Simon Byun. Đặc điểm của ứng dụng này là cung cấp cho khách hàng dịch vụ đặt phòng theo giờ, nửa ngày, hoặc qua đêm. Công ty tập trung chủ yếu vào các khách sạn bình dân, thấp sao và khách sạn tình yêu.

Go2Joy cho biết họ có kế hoạch mở rộng sang các thị trường Thái Lan, Philippines khi thị trường đặt phòng khách sạn và du lịch phục hồi sau đại dịch.

Tháng 2/2020, Go2Joy từng huy động được 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn A từ các nhà đầu tư STIC Ventures, Wonik Investment Partners, KB Investment và Wadiz Platform.

Theo cập nhật đến giữa tháng 1/2021, vốn điều lệ của Go2Joy ở mức trên 45 tỷ đồng, tương đương gần 2 triệu USD. Công ty mẹ gần như sở hữu toàn bộ cổ phần là Go2Joy Hàn Quốc.

Doanh thu của Go2Joy trong năm 2019 còn khá khiêm tốn, họ thu về gần 760 triệu đồng; nhưng lỗ ròng 8 tỷ đồng.

Trên thực tế, Vntrip, OTA của Việt Nam cũng tham gia vào sân chơi này. Cuối năm ngoái, công ty sáp nhập QuickStay - ứng dụng được sáng lập bởi ông Nguyễn Thành Việt, người từng làm giám đốc vận hành của Uber Việt Nam và Gojek Việt Nam. Song song, ông Việt trở thành Tổng giám đốc Vntrip.

Trước đó không lâu, Vntrip huy động thành công 7 triệu USD trong vòng gọi vốn B, nâng tổng số tiền đã thu về lên 20 triệu USD. Công ty được định giá 45 triệu USD. Một trong những nhà đầu tư vào Vnrtip trong những ngày đầu là Alibaba, công ty thương mại điện tử số một Trung Quốc.

Ngoài hai cái tên trên, những doanh nghiệp nhỏ tham gia vào thị trường đặt phòng theo giờ còn có Grabhotel và Staynow.

Có thể thấy phân khúc đặt phòng theo giờ tại Việt Nam còn nhỏ về quy mô. Theo ông Nguyễn Thành Việt, CEO Vntrip, đây là thị trường lớn nhưng lâu nay không được chú ý nhiều. Điều này để ngỏ dư địa phát triển trong tương lai còn hấp dẫn.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét