Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

Tin chứng khoán ngày 24/2: Quan chức thoái vị, làm chủ tịch cho đại gia kín tiếng tại ngân hàng của vợ chồng Bầu Kiên

Ông chủ cầm trịch VietBank bất ngờ thoái vị, rút khỏi vị trí cao nhất và thay vào đó là một cựu quan chức chính phủ. Đây là diễn biến từng thấy ở nhiều ngân hàng cũng như DN lớn tại Việt Nam trước đó.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VietBank (VBB) vừa thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong ban quản trị của ngân hàng nhiệm kỳ này.

Theo đó, ông Dương Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của VietBank rút khỏi vị trí này từ ngày 23/2 và thay vào đó là ông Bùi Xuân Khu, một cựu quan chức của chính phủ.

Ông Bùi Xuân Khu trước đó là phó chủ tịch HĐQT của VietBank kiêm thành viên thường trực HĐQT của ngân hàng này.

Trước khi tham gia HĐQT VietBank vào năm 2011, ông Bùi Xuân Khu từng đảm nhiệm chức Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương.

Như vậy, ông Bùi Xuân Khu là cựu quan chức cấp cao tiếp theo làm chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần. Cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm hiện đang là chủ tịch Ngân hàng HDBank (của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo) và chủ tịch Công ty sữa Vinamilk (VNM).

Bà Tâm gia nhập Vinamilk từ năm 2013 với tư cách là thành viên HĐQT độc lập. Bà làm chủ tịch Vinamilk từ 2015 cho tới nay và từ 2010 tới nay là chủ tịch Ngân hàng HDBank. Bên cạnh đó, bà Tâm là cố vấn cấp cao cho một số định chế tài chính nước ngoài.

{keywords}
Ông Bùi Xuân Khu.

Ông Trần Xuân Giá - Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá là chủ tịch Ngân hàng ACB từ  2008-2012. Ông Trần Xuân Giá cùng với nhiều cựu lãnh đạo cao cấp tại ACB như ông Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang… đã bị điều tra trong “vụ án Bầu Kiên” tại ACB. 

Ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng - NHNN cũng từng là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sacombank từ 2014 - 2017. Ông Dũng cũng là chủ tịch Công ty Chứng khoán ACB, rồi Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sacombank.

Cựu thứ trưởng Bùi Xuân Khu gia nhập VietBank từ năm 2011 với vị trí phó chủ tịch HĐQT, thành viên thường trực HĐQT và phó chủ tịch Hội đồng Tín dụng ngân hàng. Ông Khu có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, từng làm tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam; tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến; phó chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Dầu khí Toàn cầu…

Hồi giữa 2019, VietBank đã đưa cổ phiếu VBB lên giao dịch trên sàn chứng khoán.

VietBank được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng với vị thế ban đầu là một ngân hàng nông thôn. Các cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Sau 5 lần tăng vốn, Vietbank hiện có vốn điều lệ 4.192 tỷ đồng.

Gần đây, nhóm ACB đã rút vốn, nhóm Diệu Hiền không còn được đề cập tới trong các thông tin của ngân hàng, nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm hiện vẫn nguyên tỷ lệ sở hữu với đại diện ông Dương Ngọc Hòa, Dương Nhất Nguyên là phó chủ tịch…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index có xu hướng tăng nhẹ hiện đang ở ngưỡng 1.180 điểm.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động giăng co tích lũy trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, thị trường sẽ sớm thoát khỏi trạng thái tích lũy này để bước vào nhịp biến động mới theo chiều hướng tích cực trong ngắn hạn. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong giai đoạn hiện tại. Đồng thời, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đối với diễn biến thị trường trong các phiên cuối tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/2, VN-Index tăng 2,6 điểm lên 1.177,64 điểm; HNX-Index tăng 0,81 điểm lên 238,78 điểm. Upcom-Index giảm 0,1 điểm xuống 76,47 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 18,0 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét