Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Uber bại trận tại châu Âu

Với phán quyết của Tòa án Tối cao Anh, Uber sẽ phải công nhận tài xế là nhân viên chính thức. Điều đó có thể đặt dấu chấm hết cho "nền kinh tế tạm bợ" tại châu Âu.

Theo Bloomberg, sau thất bại của Uber Technologies trong cuộc chiến pháp lý dài hơi tại Anh, hãng gọi xe Mỹ và các công ty "kinh tế tạm bợ" (gig economy) khác sẽ đối mặt với làn sóng khiếu nại từ người lao động trong khu vực châu Âu.

Hôm 19/2, Thẩm phán George Leggatt nêu rõ Tòa án Tối cao Anh bác bỏ kháng cáo của Uber và giữ nguyên phán quyết của các tòa áp cấp dưới, được đưa ra vào năm 2016, 2017 và 2018.

Vụ kiện ban đầu chống lại Uber được đưa ra vào năm 2016 bởi hai tài xế của công ty, James Farrar và Yaseen Aslam. Họ lập luận rằng Uber kiểm soát gần như tất cả khía cạnh trong điều kiện làm việc, tức đóng vai trò là người sử dụng lao động.

Uber thua kiện ba lần vào năm 2016, 2017 và 2018. Phán quyết ngày 19/2 của Tòa án Tối cao Anh đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực chống đối của công ty Mỹ.

{keywords}
Theo phán quyết tại Tòa án Tối cao Anh, Uber phải coi tài xế là "nhân viên" thay vì "đối tác". Ảnh: Reuters.

Bước ngoặt quan trọng

Theo phán quyết, Uber phải coi các tài xế là nhân viên. Điều này có nghĩa là tài xế sẽ được hưởng mức lương tối thiểu, ngày nghỉ phép có trả lương và những biện pháp bảo vệ pháp lý khác. Bloomberg nhận định phán quyết sẽ mở đường cho những khiếu nại khác, không chỉ đến từ các tài xế Uber.

"Các nhân viên giao hàng cho những công ty như Amazon.com, cũng như các công ty nhỏ khác, giờ có một con đường rõ ràng hơn để phản đối những điều khoản làm việc của các nền tảng trên", chuyên gia lao động Mick Rix thuộc công đoàn GMB nhận định.

"Đó không chỉ là câu chuyện của riêng Uber, mà còn toàn bộ nền kinh tế tạm bợ", ông Rix nhận xét. Ông mô tả nền kinh tế tạm bợ là "một mô hình kinh doanh giả tạo, sai trái và bóc lột người lao động". Trong nền kinh tế này, người lao động làm việc bán thời gian, tạm bợ trong khi các công ty chỉ muốn sử dụng lao động tự do thay vì lao động có hợp đồng.

Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, Anh là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với các nền tảng công nghệ, từ gọi xe đến giao đồ ăn. Đối với riêng Uber (có trụ sở tại San Francisco), Anh là thị trường châu Âu lớn nhất.

"Bất cứ doanh nghiệp nào thuộc mô hình kinh tế tạm bợ đều cần ghi nhớ ngày hôm nay", ông Michelle Hobbs, chuyên gia luật việc làm tại Stevens & Bolton, nhận định.

"Phán quyết mang tính bước ngoặt này chắc chắn sẽ làm tăng áp lực đối với các doanh nghiệp thuộc 'nền kinh tế tạm bợ' trong việc cung cấp những điều khoản, điều kiện tốt hơn cho người lao động", ông nói thêm.

Những người lao động làm việc trong các nền tảng như Uber được coi là đối tác độc lập thay vì nhân viên chính thức. Họ đang trở thành một bộ phận ngày một lớn của lực lượng lao động.

Đại dịch Covid-19 đưa các tài xế, nhân viên giao hàng thành những người lao động tuyến đầu. Họ có nguy cơ lây nhiễm cao, phải tăng cường làm việc để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Điều đó gây áp lực lên các công ty công nghệ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, bao gồm bảo hiểm và ngày nghỉ phép có lương.

Đến gần dấu chấm hết

Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu dự kiến công bố các khuyến nghị cải thiện điều kiện làm việc của người lao động vào cuối tháng này. Tại Tây Ban Nha, chính phủ đang chuẩn bị thay đổi luật lao động, buộc các nền tảng giao đồ ăn phải coi người lao động là nhân viên chính thức.

Một số công ty giao đồ ăn (theo định hướng công nghệ) có cách tiếp cận khác. Trong một bài đăng trên Twitter, ông Jitse Groen - Giám đốc điều hành Just Eat Takeaway.com NV - nhận định phán quyết của Tòa án Tối cao Anh "gần như đặt dấu chấm hết cho nền kinh tế tạm bợ ở châu Âu".

Just Eat Takeaway.com NV trả lương cho tài xế theo giờ và cung cấp một số quyền lợi khác. "Tài xế taxi không phải người lao động tự do", ông Groen khẳng định.

Trao đổi với Financial Times, ông nhận xét việc các nền tảng sử dụng đối tác độc lập "đã dẫn đến điều kiện làm việc bấp bênh trên khắp châu Âu". "Đó là điều tồi tệ nhất từng thấy trong vòng 100 năm qua”, ông nhấn mạnh.

{keywords}
Việc các nền tảng công nghệ coi người lao động là đối tác đã tạo ra một điều kiện lao động cực kỳ bấp bênh. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, luật của Anh phân biệt giữa người lao động được hưởng tất cả quyền việc làm như trả lương làm thêm giờ (employee) và người lao động đủ điều kiện nhận lương tối thiểu và lương nghỉ lễ nhưng không được hưởng đầy đủ quyền lợi (worker).

Tất nhiên các đại diện của nền kinh tế tạm bợ lên tiếng phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao Anh. Theo ông Sacha Michaud, nhà đồng sáng lập ứng dụng giao hàng Glovo của Tây Ban Nha, luật lao động nghiêm ngặt sẽ “hạn chế nghiêm trọng tính linh hoạt”, dẫn đến ảnh hưởng xấu tới các tài xế và nhân viên giao hàng.

"Điều đó cũng sẽ có tác động tiêu cực đến chúng tôi, cản trở việc mở rộng phạm vi hoạt động đến các thị trấn và thành phố nhỏ hơn. Nó còn gây ảnh hưởng tới những doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương. Bởi họ không thể tự cung cấp dịch vụ giao hàng riêng", ông bình luận.

(Theo Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét