Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Tin chứng khoán ngày 5/2: Đại gia ra đi, khoản lỗ 3 nghìn tỷ không biết bao giờ xử lý

Cha con đại gia Võ Trường Thành đã rút và bắt đầu bồi thường cho doanh nghiệp từng đứng đầu ngành gỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ 3 nghìn tỷ đồng không biết bao giờ các cổ đông mới có thể gỡ lại được.

Gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố báo cáo tài chính hộp nhất quý IV/2020 với doanh thu tăng khá mạnh thêm 36,5% so với cùng kỳ lên trên 407 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ TTF vẫn lỗ ròng 31 tỷ đồng, so với mức lỗ 416 tỷ đồng trong quý IV/2019.

Tính chung cả năm 2020, TTF đạt doanh thu thuần hơn 1.210 tỷ đồng và lãi ròng hơn 21 tỷ đồng, cải thiện hơn nhiều so với năm trước đó.

Trong năm 2019, TTF lỗ gần 900 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 715 tỷ, còn năm 2016 doanh nghiệp này lỗ gần 1.300 tỷ đồng. Năm 2017, TTF ghi nhuận lợi nhuận vỏn vẹn 10,7 tỷ đồng.

Sở dĩ TTF ghi nhận lợi nhuận dương trong 2020 là nhờ khoản thu nhập gần 34 tỷ đồng từ bồi thường từ cựu Chủ tịch Võ Trường Thành và con trai là ông Võ Diệp Văn Tuấn trong quý III.

Theo thông tin từ TTF, đến cuối tháng 6, tập đoàn này chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với TTF. Sau 3 năm ban lãnh đạo mới do ông Mai Hữu Tín đứng đầu tiếp nhận TTF, đến nay những vấn đề liên quan lùm xùm 2016 cơ bản dứt điểm.

{keywords}
Ông Võ Trường Thành.

Đây là chuyển biến tích cực sau những khoản lỗ vài nghìn tỷ đồng trong 4 năm trước đó. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này vẫn quá nhỏ bé so với quy mô hơn 3.000 tỷ đồng của Gỗ Trường Thành. Hơn nữa, lãi đến chủ yếu từ khoản bồi thường từ cựu Chủ tịch Võ Trường Thành, người bị cáo buộc là quản lý yếu kém dẫn tới sự suy sụp của ông trùm ngành gỗ một thời.

Như vậy, với khoảng bồi thường của cha con cựu chủ tịch, TTF đã có lợi nhuận và đã tránh khỏi việc bị hủy niêm yết nếu thua lỗ tiếp trong năm 2020.

Gỗ Trường Thành từng được biết đến là một doanh nghiệp gỗ đầu ngành tại Việt Nam và từng được tỷ phú số 1 Phạm Nhật Vượng nhòm ngó thâu tóm để phát triển thành một công ty con phục vụ cho các công trình xây dựng của Vingroup.

Tuy nhiên, sau đó công ty con của Vingroup - Tân Liên Phát - rút lui vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng về tình hình kinh doanh tại TTF, chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ.

Sự việc bắt đầu sau khi đơn vị kiểm toán Ernst & Young từ chối đưa ra kết luận về báo cáo kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của công ty do không thể xác định chính xác doanh số bán hàng và giá trị hàng tồn kho bị "bốc hơi" gần 1.000 tỷ đồng sau kiểm kê.

Hồi giữa năm 2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Võ Trường Thành và Võ Diệp Văn Tuấn (con ông Thành) về tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán".

Dưới thời của ông Võ Trường Thành và con trai Võ Diệp Văn Tuấn, Gỗ Trường Thành gần như sụp đổ vì nợ nần. Cha con ông trùm ngành gỗ mất toàn bộ cơ nghiệp có lẽ cũng vì ham hố đầu tư lớn, vượt quá sức của doanh nghiệp trong khi ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn, lao động và nguyên liệu trong nước không phải lúc nào cũng thuận.

Sau khi cổ đông lớn Tân Liên Phát tháo chạy, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín vào và vực lại TTF. Tuy nhiên, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2020, TTF còn lỗ lũy kế 2.984 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index diễn biến tích cực quanh ngưỡng 1.110 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo MBS, thị trường khép lại phiên 4/2 trong sắc xanh dù chịu áp lực bán của lượng hàng T+ vào phiên chiều. Kể từ khi thị trường chạm đáy ngày 29/1 cho tới nay, VN-Index đã tăng tới phiên thứ 3 liên tiếp giúp thị trường lấy lại gần như toàn bộ thành quả đã mất kể từ nhịp điều chỉnh vừa qua.

Về kỹ thuật, mô hình đáy đảo chiều cũng đã được xác nhận ở phiên 3/2 khi thị trường tạo mô hình The island Gap, bên cạnh đó các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho nhịp phục hồi. Nhịp tăng vừa qua đưa VN-Index vượt đường MA50, các nhịp chốt lời như trong phiên 4/2 sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên sau khi lượng hàng T+ đang ở trang thái lãi ngắn hạn. Ngưỡng cản của thị trường có thể ở vùng 1.130-1.160 điểm, các nhịp điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/2, VN-Index tăng 0,9 điểm lên 1.112,19 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm lên 223,68 điểm. Upcom-Index tăng 0,75 điểm lên 74,06 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 14,2 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét