Lối sống thuận tự nhiên, trở về với nguyên bản khiến giới nhà giàu sẵn sàng chi tiền tỷ để sở hữu cho mình một không gian sống giữa thiên nhiên.
Trồng rau nuôi cá sống an yên
Gần 50 năm sống giữa thủ đô hoa lệ, chưa từng có ý rời bỏ cuộc sống thành phố cho đến khi phượt xe máy lên vùng cao, ông Nguyễn Hoàng Nam (Ba Đình, Hà Nội) đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình. Cuộc sống núi rừng mang tới cho ông sự bình yên, một môi trường tuyệt vời bởi thiên nhiên còn hoang sơ, không khí trong lành mà ông hiếm thấy ở thành phố.
Sau chuyến đi ấy, ông Nam luôn trăn trở: “Hay là bỏ phố lên rừng”. Ông cũng đưa câu nói này ra trong các bữa ăn gia đình như một cách thăm dò. Ấy vậy, cả gia đình chẳng mấy ai hưởng ứng. Con trai ông còn cằn nhằn: “Người ta về phố không được, mình lại bỏ phố lên rừng. Bố đúng là lẩm cẩm”. Còn những người dân quê nghĩ ông này “rửa tiền”, ai đời giàu có như ông mà bỏ nhà mặt phố về quê mua đất, lại còn vào sâu gần rừng.
Năm 2017, sau khi tìm hiểu đất Hoà Bình, ông Nam quyết định trở thành công dân ở đây với khu đất rộng 5ha. Có đất, ông bắt đầu tìm người xây nhà, cải tạo vườn, trồng cây. Thời gian đầu tương đối vất vả, ông thường xuyên phải nghỉ làm để giám sát công trình để đời của mình.
Xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên |
Đất đồi chỗ trồi chỗ sụt, mặt trên đá sỏi lởm chởm tốn nhiều công khiến lắm lúc ông nản. Sau 2 năm gây dựng với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, vườn cây hữu cơ của ông đang chờ ngày hái quả. Diện tích vườn của ông tăng thêm 2 ha từ việc mua lại của hàng xóm.
Ông tự hào với những gì mình đang có, một căn nhà hòa mình giữa vườn cây xanh. “Sống mãi ở đây dần thấy quen và yêu, bây giờ cả nhà tôi thích ở đây hơn về phố. Trừ khi có công việc họp hành thì tôi mới về Hà Nội, còn không thì thực sự là không muốn về”, ông nói.
Không hào nhoáng xa hoa, không xô bồ sầm uất, những người có điều kiện như ông Nam sẵn sàng chi tiền tỷ để được bình yên, được thưởng thức các món ăn có nguyên liệu hữu cơ,... Họ tìm kiếm những giá trị bền vững cho sức khỏe, cả về vật chất lẫn tinh thần, những trải nghiệm mang tính hàn gắn, kết nối với thiên nhiên.
Bỏ ra tiền tỷ đầu tư trang trại tại Hoà Bình, ông Đỗ Mạnh Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa thấy thoả mãn. Cách đây 5 năm, ông Thắng đã nảy sinh ý tưởng làm một ngôi nhà giữa rừng cây sau chuyến đi Thái Lan. “Ở Thái, có những ngôi nhà giữa rừng cây xanh, giữa thiên nhiên núi rừng, dù chẳng có gì nhưng lại rất đắt giá”, ông nói.
Vì thế, ông bỏ công sức đi kiếm đất với mục tiêu ban đầu vừa làm một chỗ để chơi cuối tuần vừa để kinh doanh nếu có điều kiện. Để có được mảnh đất ưng ý, ông cất công đi về nhiều vùng núi rừng như Ba Vì, Hoà Bình, Sơn La. Những địa điểm này đều cách Hà Nội không xa, có đường cao tốc đi lại thuận tiện và có thiên nhiên vẫn còn hoang sơ.
Mô hình thực phẩm hữu cơ thuần khiết |
Theo ông Thắng, cái khó nhất là đi tìm được khu có địa thế ưng ý, đặc biệt có suối chảy ra hay gần ao hồ. Sau đó, phải tốn thêm công và chi phí để cải tạo lại địa thế, quy hoạch không gian ở và trồng cây. Đồng thời, ông phải thuê thêm người dân địa phương trồng, chăm sóc cây cối và đồng hành cùng dự án.
Giai đoạn 1 của trang trại giờ đã hoàn thành, với một ngôi nhà và khu vườn ăn trái, vườn rau. Ông Thắng cho hay, sắp tới, ông sẽ xây thêm một ngôi nhà, bể bơi cho trẻ con và không gian thiền ngoài trời. Về quản lý, ông Thắng cho hay, xung quanh ngôi nhà đều có camera giám sát, hệ thống tưới nước tự động. “Ở tuổi mình, sống giữa thiên nhiên, trồng cây cuốc đất dù có chút vất vả nhưng sẽ thấy khoẻ hơn”, ông nói.
“Dịch bệnh mới thấy có được một không gian sống thiên nhiên quan trọng thế nào. Tôi và gia đình ở trên này cả tuần, công việc vẫn làm qua mạng. Con cháu thì được vui chơi tự do. Cuộc sống khác gì tiên cảnh, khối người thành phố không có được”, ông nói.
Ông cho biết thêm: “Tôi đang ở ngôi nhà thứ hai đến 60% thời gian, 40% còn lại vẫn ở Hà Nội vì công việc và các cháu đi học. Tuy nhiên, từ sang năm, có lẽ vợ chồng tôi ở trên này là chính”.
Của để dành cho thế hệ sau
Không phải nhất thời giới trẻ “bỏ phố về quê”, xu hướng những người có điều kiện tìm về các vùng núi, xây dựng các nông trang nghỉ dưỡng đã có từ lâu. Họ là những người mong muốn có một cuộc sống an cư giữa thiên nhiên. Đó là những biệt thự trên đồi cao, có tầm nhìn thoáng đãng, thiên nhiên nguyên sơ, không khí trong lành, ngập tràn nắng gió, được thiết kế sang trọng và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS, những nơi được giới nhà giàu lựa chọn xây ngôi nhà thứ hai thường có không khí trong lành; cảnh quan đẹp như có đồi núi, hồ, sông, suối.
Đây là thương vụ “một mũi tên trúng 2 đích” khi không chỉ là nơi tránh dịch, mà còn mang lại mối hời dài hạn của việc đầu tư.
Nói về cái được khi xây dựng cho mình một cơ ngơi riêng, ông Thắng tâm đắc: “Mình không nói về giá trị vật chất mà giá trị to lớn là tinh thần, muốn để lại cho con cháu một nơi sống an nhiên, khi mệt mỏi chúng có thể về để tận hưởng”.
Ông Thắng cho rằng, sắp tới khi đô thị hoá ngày càng gia tăng, môi trường ô nhiễm thì xu hướng chọn sống giữa thiên nhiên sẽ ngày càng được quan tâm. Con người sẽ trở về với thiên nhiên để chữa lành tâm hồn.
Để lại cho thế hệ sau một di sản |
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hà (Ba Vì, Hà Nội) lại tính kế dài hơn. Theo ông Hà, Ba Vì đang trở thành một địa điểm du lịch homestay hút khách do gần Hà Nội, có nhiều địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng. Chính vì thế, đi tắt đón đầu, cơ hội sẽ rất lớn.
Ông Hà phân tích, nếu chỉ nhắm đến mục tiêu đầu tư cho thuê thì đây không phải là bài toán kinh doanh lý tưởng vì còn phải tính toán kỹ lưỡng các chỉ số tài chính, như doanh thu, chi phí, lợi nhuận thực tế mà chỉ nhìn thấy doanh thu danh nghĩa. Mô hình homestay tự phát này doanh thu thấp và rất khó kiếm tiền bền vững.
Còn xét ở khía cạnh tích trữ đất, đây là một kênh khá phổ biến. Nhiều nhà đầu tư xác định mục tiêu chính là tích lũy tài sản, tích trữ quỹ đất chờ tăng giá nên việc khai thác cho thuê chỉ là nguồn thu phụ.
Hiện, Ba Vì chưa phát triển mạnh du lịch nên khách chỉ đông vào 3 ngày cuối tuần và dịp lễ, những ngày trong tuần vắng khách. Tuy nhiên, nhà đầu tư này không lo ngại homestay bị thất thu.
“Tôi mua căn nhà chỉ cải tạo chút đỉnh, không đặt nặng việc cho thuê, mục tiêu chính là tích lũy tài sản. Năm 2020, giá đất khu vực Ba Vì đã thiết lập mặt bằng giá mới. Từ mảnh đất chỉ tỷ đồng nay tăng gấp đôi. Sau này, con cháu mình có tiền cũng khó còn những mảnh đất đẹp như vậy để mua”, ông nói.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô, cho biết, hậu Covid đem đến nhiều sự thay đổi trong thói quen người dùng. Sự trỗi dậy của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, cụ thể là Hòa Bình, là một minh chứng cho sự thay đổi này.
Thực tế, không phải đến thời điểm hiện tại, xu hướng dịch chuyển ra ngoại ô của người Hà Nội mới xuất hiện mà đã manh nha từ nhiều năm trước. Theo ông Trung, xu hướng này được khởi nguồn từ những năm 2000 với bốn thủ phủ chính là Sóc Sơn, Lương Sơn - Hòa Bình, Hòa Lạc và Ba Vì.
Tuy nhiên, các đại gia cũng phải chịu chi hơn bởi sở thích này siêu tốn kém. Ông Nguyễn Thành Trung nói, nếu đã mua nhà nghỉ dưỡng ven đô thì người mua "nên chơi tới bến" chứ không nên lửng lơ ở mô hình trang trại, nhà vườn hay lẫn lộn với các khu dân cư.
“Vì thế, cố gắng khi mua thì dùng lý trí, đừng để cảm xúc đánh lừa. Hãy cân nhắc về đất, giao thông và tiềm năng có thể làm gì cho khu đất đó”, ông Trung đưa ra lời khuyên đối với những ai đang tìm kiếm một mảnh đất ở ngoại ô để xây nhà nghỉ ngơi cuối tuần.
Duy Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét