Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Dự án môi trường muốn kéo dài thêm 10 năm, các Bộ nói "không đúng Luật"

UBND TP.HCM muốn kéo dài thời gian thực hiện dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 thêm 10 năm. Song các Bộ đề nghị làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2.

Mục tiêu của dự án là hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 nhằm cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân TP.HCM, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài gòn và hạ lưu sông Đồng Nai.

Thời gian thực hiện dự án ban đầu từ 2014-2019, với tổng vốn đầu tư là 524 triệu USD, trong đó vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) là 450 triệu USD vốn vay ưu đãi IDA là 200 triệu USD và vốn IBRD là 250 triệu USD).

UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh tên dự án từ Ban quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP.HCM thành Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.

{keywords}
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đáng chú ý, UBND TP.HCM muốn điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2014-2019 sang 2014-2029. Trong đó, thời gian thi công và vận hành thử nhà máy từ năm 2014-2024, thời gian vận hành chính thức nhà máy từ năm 2024-2029.

Lý do điều chỉnh, theo UBND TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án với thời gian thực hiện là 5 năm, trong quá trình chuẩn bị WB đề nghị đối với gói thầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải của dự án áp dụng hình thức Hợp đồng thiết kế - xây dựng - vận hành (hợp đồng DBO).

Đây là hình thức hợp đồng khá mới ở Việt Nam và WB quan ngại rằng, với công nghệ hiện đại TP.HCM chưa thể tiếp nhận để vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngay được. Do đó, WB đề nghị ngoài thời gian xây lắp và vận hành thử nhà máy, nhà thầu xây lắp tiếp tục vận hành nhà máy trong 5 năm và thời gian thực hiện hợp đồng DBO sẽ bao gồm thời gian thiết kế, thi công, vận hành thử nhà máy và vận hành chính thức nhà máy.

Ngoài ra, do gói thầu XL-02 là gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế, có nội dung công việc chính là thiết kế, xây dựng và vận nhà máy xử lý nước thải có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, trong khi đó hợp đồng DBO là loại hợp đồng chưa từng thực hiện tại Việt Nam nên công tác lựa chọn nhà thầu kéo dài gần 4 năm. Sau khi hợp đồng được ký đã phát sinh nhiều khiếu kiện từ các nhà thầu dự thầu nên tháng 1/2020 hợp đồng mới có hiệu lực.

Do đó, nhằm đảm bảo thời gian để nhà thầu hoàn tất các công việc theo hợp đồng đã ký, UBND TP.HCM cho rằng dự án cần phải xin gia hạn thời gian thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế triển khai gói thầu XL-02.

Bộ Xây dựng góp ý, việc điều chỉnh thời gian dự án kéo dài thêm 10 năm là chưa phù hợp quy định về trình tự đầu tư xây dựng tại Luật Xây dựng. Việc vận hành khai thác sử dụng công trình cần được quản lý bằng một chương trình, dự án riêng (không phải dự án đầu tư xây dựng).

Còn Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM rà soát đảm bảo thời gian thực hiện dự án đúng quy định. Theo đó, dự án đầu tư kết thúc năm 2024 không bao gồm thời gian vận hành, khai thác nhà máy xử lý nước thải; tổng mức đầu tư không bao gồm chi phí vận hành bảo dưỡng và không sử dụng vốn vay nước ngoài cho chi phí vận hành bảo dưỡng.

Thẩm định đề xuất của UBND TP.HCM, Bộ KH-ĐT đề nghị địa phương này làm rõ lý do việc đã phê duyệt gói thầu XL-02 với thời gian thực hiện hợp đồng là 120 tháng nhưng đến nay mới đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư; quá trình đấu thầu phát sinh khiếu kiện với nội dung gì và nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cho rằng theo hồ sơ dự án, WB có biên bản ghi nhớ ngày 3/2/2020 đề xuất gia hạn 36 tháng. Trong khi đó, UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thêm 10 năm là chưa có sự thống nhất của WB.

Mặc dù nội dung đề nghị điều chỉnh này đã được HĐND TP.HCM thông qua, tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để báo cáo thủ tướng, tránh việc tiếp tục chậm trễ dẫn đến sử dụng nguồn lực không hiệu quả.

Theo Bộ KH-ĐT, việc điều chỉnh thời gian và kế hoạch thực hiện dự án kéo dài thêm 10 năm, từ 2014-2019 sang 2014-2029 là chưa phù hợp quy định về trình tự đầu tư xây dựng tại Luật Xây dựng, Nghị định 59/2015. Bộ này đề nghị làm rõ lý do không thực hiện gói thầu XL-02 theo hình thức khác, mà lại thực hiện theo hình thức DBO dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài thêm 10 năm.

Lương Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét