Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Doanh nghiệp, thương lái ngại đến Hải Dương mua hàng, giá nông sản giảm mạnh

Ngoài hoa đào, các loại rau như bắp cải, su hào, cà rốt, hành… cũng đang đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái, doanh nghiệp e ngại đến Hải Dương mua hàng vì dịch Covid-19 khiến giá nhiều mặt hàng nông sản đang giảm mạnh, rơi cảnh ế ẩm.

Mua bán khó khăn, giá giảm mạnh

Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT về thực trạng hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bản tỉnh Hải Dương cho thấy, nhiều loại rau màu vụ đông của tỉnh này đang bước vào vụ thu hoạch để phục vụ thị trường Tết, nhưng nay còn tồn đọng.

Cụ thể, diện tích cà rốt ở huyện Nam Sách còn tồn lại chưa thu hoạch là 350ha (80%), ở Cẩm Giàng còn 400ha (90%), Chí linh 150ha (80%); bắp cải ở Gia Lộc còn khoảng 200ha, Tứ Kỳ khoảng 200ha, Kim Thành cũng còn khoảng 400ha rau bắp cải, su hào, súp lơ và rau ăn lá…

Về vấn đề tiêu thụ nông sản ở các chợ dân sinh tại Hải Dương đã bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh nên buôn bán ngoài đường, vỉa hè bị hạn chế. Việc hạn chế hoạt động mua bán khiến sức mua giảm dù giá bán không cao.

Trong khi việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hoá từ trong tỉnh Hải Dương ra ngoài tỉnh tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do các tỉnh lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt để ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19.

{keywords}
Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới việc thu mua nông sản ở Hải Dương

Báo cáo Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ, thị trường nông sản chính của Hải Dương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, bắp cải, rau ăn lá, ổi, chuối… của Hải Dương). Tuy nhiên, 2 tỉnh này đang cấm tất cả các phương tiện và người Hải Dương vận chuyển hàng hoá đi vào địa bàn nên việc tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng.

Các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương. Các doanh nghiệp tiêu thụ, thương lái của tỉnh khác không muốn đến Hải Dương để thu mua nông sản vì lo ngại vùng dịch và phải cách ly khi quay về.

Việc lưu thông hàng hoá thông qua một số tuyến đường khó khăn, đặc biệt là hàng qua Chí Linh đi Bắc Ninh, Bắc Giang. Hiện lái xe tìm cung đường khác để đưa hàng hoá đi tiêu thụ nên chi phí vận chuyển tăng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm sản lượng tiêu thụ nông sản ở ngoài tỉnh.

Giá nông sản là các loại rau củ quả trên địa bàn tỉnh bị giảm khoảng 10-20% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, giá cà rốt giảm còn 6.000-6.500 đồng/kg, bắp cải còn 4.000 đồng/kg, súp lơ giá 4.000-5.000 đồng/cây, su hào 2.000-2.500 đồng/củ, hành giá 9.500 đồng/kg…

Ưu tiên mua chế biến, khuyến khích trữ hàng ở nông hộ

Đối với những địa phương bị phong toả vì dịch bệnh, Bộ NN-PTNT đề xuất với cây hành tỏi tại Kim Môn, Chí Linh, thời điểm thu hoạch từ nay đến Tết phải xong để giải phóng đất cấy lúa. Ưu tiên thu hoạch và bảo quản tại nông hộ để chờ tiêu thụ khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Với các loại rau màu cần tiêu thụ ngay, ưu tiên tiêu thụ tại các cơ sở thu mua và chế biến, tiêu thụ trong tỉnh như: siêu thị, nhà máy chế biến, chợ…

{keywords}
Người nông dân trồng đào ở Hải Dương đang gặp khó khăn trong tiêu thụ khi thương lái huỷ mua, đòi tiền cọc

Cây cà rốt được thu hoạch từ nay đến cuối tháng 3/2021, trong đó diện tích cà rốt củ còn nhỏ khuyến khích nông dân giữ tại ruộng, tiếp tục chăm sóc chờ tiêu thụ khi hết dịch. Riêng cà rốt đến kỳ thu hoạch tiêu thụ tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Sau khi sơ chế, đóng gói, mang đi siêu thị trong nước và xuất khẩu. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh cần có phương pháp chuyển tải hoặc đổi lái xe ở cửa ngõ tỉnh, áp dụng biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với địa phương chưa bị phong toả, Bộ này đề nghị tập trung chăm sóc và thu hoạch cây vụ đông đã đến kỳ để phục vụ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trước và sau Tết Nguyên đán.

Đề nghị tỉnh Hải Dương có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển và có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hoá phục vụ sản xuất cũng như tiêu thụ trên địa bàn cũng như ở các tỉnh lân cận. Đồng thời tuyên truyền để "người Hải Dương ưu tiên sử dụng hàng của Hải Dương".

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị ngành y tế ưu tiên xét nghiệm cho các lái xe vận chuyển hàng hoá đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để có thể vận chuyển hàng hoá ra ngoài tỉnh.

Kêu gọi mua đào Tết ủng hộ nông dân Hải Dương
UBND TP Hải Dương vừa có văn bản kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiêu thụ hoa đào giúp người dân.
Trên địa bàn TP Hải Dương có 275ha trồng cây hoa đào Tết đang trong thời kỳ bán cho dịp Tết Tân Sửu, nhưng người dân mới bán được 10% tổng số cây hoa đào.
Chính vì vậy, UBND thành phố Hải Dương kêu gọi các cơ quan, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp, thương lái và người dân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ mua hoa đào Tết ủng hộ người dân, để gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng của người miền Bắc, với phương châm "người Hải Dương chơi hoa Tết của Hải Dương".
Còn 2.000ha chưa thu hoạch, Quảng Ninh kêu gọi mua nông sản giúp nông dân
Theo Bộ NN-PTNT, hiện dịch tích rau màu còn tồn lại chưa thu hoạch của Quảng Ninh lên tới 2.000ha, ước khoảng 30.000 tấn, trong đó chủ yếu là khoai tây, ngô, rau các loại.
Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nông dân, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản; vận động các tổ chức, người dân ưu tiên đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào các bữa ăn tại bếp ăn của cơ quan, gia đình.
Tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo các chốt kiểm soát cho phép các phương tiện vận tải đang chuyên chở hoặc đi nhận hàng được phép đi qua các chốt kiểm soát với các tỉnh ngoài và các chốt kiểm soát nội tỉnh (trừ phương tiện xuất phát từ các vùng bị phong tỏa do có dịch).

Tâm An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét