Xuất hiện trong buổi dạ tiệc, Thu Hoài nổi bật với chiếc túi xách gam màu be quý phái của nhà mốt Bulgari. Chiếc túi có giá hơn 100 triệu đồng, được rất nhiều sao quốc tế ưa chuộng như Miranda Kerr, Kate Moss.
Đam mê bạc tỷ
Thu Hoài tiết lộ trang phục, phụ kiện trên người cô có tổng giá trị khoảng 400 trăm triệu đồng, nhưng đó không phải là con số khủng nhất vì Thu Hoài từng mặc trên người một bộ trang phục hơn 3 tỷ. Mặc dù vậy, cô vẫn tự đánh giá: “Mình chỉ ở mức trung trung thôi”.
Thu Hoài khẳng định rằng có tới 99% phụ nữ đều muốn sắm cho bản thân mình một món hàng hiệu, chỉ trừ những người không hề biết hàng hiệu là gì. Thứ hàng hiệu đầu tiên của cô là một chiếc túi Louis Vuitton.
Là con gái một đại gia bất động sản, cô sở hữu loạt hàng hiệu của Dior, Hermes, Gucci, Chanel,... đi du lịch khắp nơi trên thế giới, ăn tối tại những nhà hàng sang trọng.
Nhằm thỏa mãn đam mê của những tín đồ hàng xa xỉ như Thu Hoài, Louis Vuitton vừa chính thức khai trương một cửa hàng lớn trên phố Ngô Quyền (Hà Nội). Nhà mốt này còn có 2 căn phòng VIP, với không gian riêng tư tuyệt đối, để khách hàng có thể tận hưởng trọn vẹn những trải nghiệm đặc sắc bằng mọi giác quan. Louis Vuitton đặt chân đến Việt Nam với cửa hàng đầu tiên nằm trong khách sạn Metropole Hanoi từ năm 1997.
Sở thích hàng hiệu của quý cô Việt (Ảnh minh họa) |
Cách đó không xa, tòa nhà International Centre tại Hà Nội hoạt động từ năm 1995 cũng quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ như Prada, Hermès, Gucci, Patek Philippe,... Còn tại Tràng Tiền Plaza, lấp lánh với hơn 200 thương hiệu đẳng cấp như Rolex, Cartier,...
Mặc dù vậy, số lượng các thương hiệu xa xỉ tại Hà Nội vẫn ít hơn TP.HCM. Với mặt hàng này, người mua đều có sở thích “nhìn tận mắt, sờ tận tay” nên không có chuyện bán online.
Những tín đồ hàng xa xỉ đã phải bay vào TP.HCM để mua sắm, theo chia sẻ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, một đại gia kinh doanh hàng xa xỉ tại Việt Nam. Sắp tới, đơn vị này sẽ mang một số thương hiệu ra Hà Nội sau khi Dior rời sang một địa điểm mới.
Một thế hệ mới giàu
Đam mê hàng xa xỉ của người Việt ngày càng trẻ. Khi bài viết về "Rich Kids of Vietnam" xuất hiện trên trang tin Mỹ Business Insider hồi giữa tháng 7/2017, nhiều người Việt đã thực sự choáng ngợp với cuộc sống xa hoa của những "thiên kim tiểu thư" con nhà giàu Việt. Họ đắp lên mình hàng loạt đồ xa xỉ, từ các thương hiệu lớn như Hermès, Louis Vuitton, Chanel, Burberry, Rolex... khi tuổi đời mới chỉ mười tám đôi mươi.
Savills Việt Nam nhận định, lượng khách hàng trẻ tuổi am hiểu công nghệ đang ngày càng gia tăng. Đây cũng là đối tượng số một mà các thương hiệu đẳng cấp tập trung nhắm đến. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, giới trẻ lại càng có nhiều cơ hội để tìm hiểu thương hiệu, nhìn ngắm các sản phẩm qua sự hiện diện của những người nổi tiếng trên các mạng xã hội. Đối tượng này rất tò mò muốn tìm đến cửa hàng để tương tác và chắc chắn sẽ yêu thích thương hiệu ngay khi tiếp cận.
Một thế hệ mới tiêu mạnh tay |
Đam mê hàng xa xỉ không chỉ người giàu mà các tầng lớp khác cũng bị cuốn hút. Nói về mức độ chịu chơi của người Việt, không chỉ giới siêu giàu mà tầng lớp trung lưu cũng có nhu cầu mua sắm. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay, tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh, họ muốn dành dụm lại mua một món quà cho xứng đáng. Họ không phải mua ồ ạt không suy nghĩ, họ thích hàng hiệu và phân chia thành nhiều tầng lớp khác nhau.
Ngay cả những người bình dân, một đạo diễn từng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện về hàng hiệu rằng, ông từng biết một cô gái trẻ, gia đình không khá giả, ở nhà trọ, nghề nghiệp chưa ổn định nhưng cũng dùng túi Gucci với giá 70 triệu đồng.
Theo khảo sát của Luxury Institute, một sản phẩm xa xỉ không chỉ được xem như một món hàng chất lượng cao, mà còn thể hiện đẳng cấp của người dùng, thậm chí được coi là một di sản để lại cho đời sau. Đặc biệt, hãng thời trang này không bao giờ giảm giá hay khuyến mãi. Thậm chí, có nhiều hãng luôn tăng giá sản phẩm mỗi năm.
Miền đất hứa
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, sự hiện diện gần đây nhất của Tập đoàn LVMH với hai cửa hàng Louis Vuitton và Christian Dior tại khu vực Tràng Tiền (Hà Nội) là dấu hiệu đáng mừng về niềm tin dành cho thị trường Việt Nam khi ở các thành phố khác hoặc ở quốc gia khác, các nhãn hàng không nhận thấy cơ hội trong việc mở cửa hàng mới hoặc đánh giá hoạt động kinh doanh có thể quá rủi ro.
Ông Thierry Stern, Chủ tịch thương hiệu đồng hồ xa xỉ Patek Philippe, từng chia sẻ ấn tượng với giới nhà giàu tại Việt Nam. Ông nhìn thấy doanh nhân Việt Nam có thói quen sưu tập đồng hồ và sở hữu nhiều bất động sản cao cấp.
Các thương hiệu xa xỉ đổ bộ tới Việt Nam |
Năm 2020, ngành hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Các lệnh đóng cửa biên giới và tình trạng lây lan dễ dàng của virus đã khiến ngành du lịch thế giới "ngủ đông" và khiến doanh số bán các loại hàng hóa xa xỉ, thường được mua bởi khách du lịch nước ngoài, sụt giảm. Doanh số hầu hết các nhãn hiệu thời trang cao cấp trên toàn cầu đã bị sụt giảm mạnh.
Hàng hiệu đắt tiền vốn dĩ không được coi là sản phẩm thiết yếu và không được ưu tiên khi ví tiền người mua bị "eo hẹp". Công ty nghiên cứu thị trường McKinsey dự báo ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trị giá 2.500 tỷ USD đánh mất khoảng 27-30% doanh thu trong năm 2020, trong khi lĩnh vực hàng hiệu cao cấp bị ảnh hưởng hơn, với doanh số giảm xấp xỉ 35-39%.
Các hãng đã không ngần ngại ồ ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam thời gian qua, bởi rất có thể, trong tương lai, bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành thị trường “cứu cánh” đối với hàng xa xỉ toàn cầu.
Nếu như trước kia, người Việt Nam muốn mua hàng hiệu xa xỉ như túi xách, quần áo, giày dép, mỹ phẩm,... phải sang các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Hong Kong,... thì gần đây, các nhãn hàng sang trọng nhất đã chính thức mở cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và sự xuất hiện của tầng lớp giàu có ngày càng tăng như số liệu Knight Frank ghi nhận, nhu cầu tiêu dùng hàng siêu sang cũng tăng tỷ lệ thuận. Điều này khiến Việt Nam đang tỏa sáng.
Trào lưu ngã dập mặt vào hàng hiệu từng nổi tiếng |
Theo tính toán của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt khoảng 974 triệu USD trong 2020, giảm 6% so với năm 2019.
Không chỉ vậy, thu nhập của người Việt cũng đang tăng lên. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Tuy nhiên, hàng xa xỉ vẫn có những khó khăn nhất định. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc IPPG, từng chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu rằng: “Có những thách thức mà tất cả các nhà bán lẻ cần cẩn trọng và sẵn sàng đối phó: lạm phát, những biến đổi khó lường trước của nền kinh tế thế giới, hàng giả, thị trường xách tay, hàng lậu, nhân lực, vị trí đắc địa khó tìm trong kinh doanh hàng hiệu”.
Bên cạnh đó, đa số hàng hiệu có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu và Mỹ, nên phải chịu mức thuế nhập khẩu và tiêu dùng rất cao. Đây là thách thức rất lớn đối với đơn vị phân phối hàng hóa như IPPG trong chiến lược về cạnh tranh giá với các nước châu Á lân cận.
Với sự chậm lại của thị trường Trung Quốc, Công ty nghiên cứu thị trường Bain và Altagamma dự báo, người tiêu dùng Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ sự đổ bộ ào ạt của các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ cao cấp thế giới vào thị trường trong những năm tới.
Duy Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét