Doanh nghiệp đầu ngành vẫn ở vùng đáy 4 năm sau khi cựu lãnh đạo cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa rút lui hoàn toàn và không còn là cổ đông lớn. DQC gặp khó dù gia đình bà Thoa vẫn nắm cổ phần chi phối.
CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) tiếp tục chứng kiến cổ phiếu giao dịch ảm đạm và giá giảm trong hơn 1 tháng qua. Trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu DQC giảm và đứng giá phần lớn các phiên với giao dịch hầu hết chỉ vài ngàn đơn vị mỗi ngày, tương đương trên dưới 100 triệu mỗi phiên.
Trong quý I, Bóng đèn Điện Quang tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khá u ám. Doanh nghiệp này chỉ lãi 3 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và DQC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính lớn. Còn doanh thu giảm 15% xuống 191 tỷ đồng.
Trong năm 2019, DQC cũng đã chứng kiến doanh thu giảm 30,5% xuống chỉ còn 825 tỷ đồng.
Năm 2020, DQC đặt mục tiêu doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2019. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết các chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh do Covid-19.
Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp Bóng đèn Điện Quang gặp khó khăn. Doanh nghiệp đầu ngành tiếp tục khó khăn sau khi cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã rút lui hoàn toàn và không còn là cổ đông lớn của Điện Quang.
Trước đây, Bóng đèn Điện Quang được xem là doanh nghiệp đầu ngành với thị phần lớn và lợi nhuận cao đến từ những khoản thu lớn từ khách hàng Cuba. Tuy nhiên, khoản thu này đã hết và DQC hiện còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đơn vị tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Bóng đèn Điện Quang và giá cổ phiếu DQC trong vài năm qua biến động mạnh gắn liền với những biến cố trong gia đình bà cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Gần cuối 2018, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chính thức không còn là cổ đông lớn với thương vụ bán gần hết cổ phần Điện Quang ở vào thời điểm doanh nghiệp không còn đỉnh cao.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công thương. |
Bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật khiển trách hồi tháng 1/2017 do vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.
Bà Thoa sau đó bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương do còn liên quan đến một loạt những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Đến ngày 16/8/2017, bà Thoa chính thức rời chức Thứ trưởng.
Tối 10/7 vừa qua (2020), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Thoa để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Mặc không còn là cổ đông lớn DQC, các thành viên trong gia đình bà Thoa vẫn nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại công ty này. Theo báo cáo, nhà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện vẫn nắm giữ khoảng 30% cổ phần tại CTCP Bóng đèn Điện Quang DQC.
Em trai bà Thoa - ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Điện Quang - hiện nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC (hơn 9,1%).
Hai con gái của bà Hồ Thị Kim Thoa hiện vẫn đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại Bóng đèn Điện Quang và nắm một số lượng cổ phiếu lớn tại doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước này. Bà Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên HĐQT kiêm phó TGĐ và nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phần DQC (gần 15%). Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu hơn 2,2 triệu cổ phần DQC.
Trong năm 2018, DQC đã 3 lần trả cổ tức mỗi lần 15% bằng tiền mặt, tương đương tổng cộng 4.500 đồng/cp. Khi đó, nhóm cổ đông có liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nắm giữ hơn 34% cổ phần, nhận về hàng chục tỷ đồng.
Thành lập từ năm 1973, Ðiện Quang được biết đến là một trong những tên tuổi sản xuất, kinh doanh các loại bóng đèn, thiết bị chiếu sáng lớn nhất cả nước. Ðiện Quang được xem là ngôi sao 1 thời của ngành giải pháp điện chiếu sáng, được rất nhiều kỳ vọng tuy nhiên kết quả kinh doanh gần đây lại không mấy khả quan.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 13/7, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và đứng trên ngưỡng 870 điểm.
Theo BVSC, tuần mới thị trường dự báo có thể gặp áp lực điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần trước khi quay lại xu hướng tăng điểm vào cuối tuần. Về tổng thể VN-Index vẫn duy trì đà tăng ngắn hạn với đích đến tại 883-888 điểm. Tuy nhiên, chỉ số có thể giảm về vùng 862-868 điểm trước khi hướng đến vùng kháng cự BVSC vừa đề cập. Tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của thông tin về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp. Các thông tin này vẫn được dự báo sẽ tạo ra ảnh hưởng không mấy tích cực đến diễn biến của các lớp cổ phiếu.
Trong tuần tới, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM sẽ công bố kết quả thay đổi các cổ phiếu thành phần của rổ VN30 và các quỹ sẽ thực hiện tái cơ cấu sau khi kết quả được công bố. Do đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 có thể thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/7, VN-Index giảm 5,25 điểm xuống 871,21 điểm; HNX-Index giảm 0,5 điểm xuống 115,66 điểm. Upcom-Index tăng 0,09 điểm lên 57,25 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,3 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét