Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Tỷ giá ngoại tệ ngày 1/8: USD tiếp tục giảm

Chỉ số đồng USD rơi xuống mức thấp nhất hai năm và vừa trải qua tháng giao dịch tồi tệ nhất trong một thập kỷ.

Tỷ giá trung tâm 31/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.213 đồng, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Biên độ dao động của tỷ giá USD ở mức 22.516 - 23.909 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.175 - 23.859 đồng/USD.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… giao dịch quanh mức 23.090 - 23.270 đồng/USD. Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD. Vietinbank: 23.083 đồng/USD và 23.263 đồng/USD. ACB: 23.110 đồng/USD và 23.260 đồng/USD.

Tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.170 đồng/USD và bán ra là 23.200 đồng/USD.

{keywords}
Tỷ giá

Chỉ số Bloomberg Dollar đo lường sức mạnh của USD trong tháng 7 ở mức thấp nhất 1 thập kỷ qua.

Chính phủ Mỹ ngày 30/7 công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong quý II/2020 đã giảm 33%, ghi dấu số liệu kém nhất kể từ năm 1947, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng - chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ - giảm 34%.

Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này trong tuần qua đã lên tới 1,43 triệu người, tuần thứ 19 liên tiếp ghi nhận số liệu này ở trên mức 1 triệu, cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ.

Theo Bank of America, khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép.

Carsten Fritsch, nhà phân tích của Commerzbank cho rằng, động thái của FED vào hôm thứ Tư khi quyết định giữ nguyên lãi suất sẽ dẫn đường cho vàng lên cao hơn.

Theo phát biểu của ông Powell chủ tịch FED, FED thậm chí không nghĩ đến việc sẽ tăng lãi suất. Điều này cho thấy FED vẫn muốn chống khủng hoảng, và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cũng sẽ không thay đổi trong tương lai gần.

Goldman Sachs Group Inc đã bất ngờ lên tiếng thể hiện mối lo ngại về sức mạnh của USD, khi nhận định đồng bạc xanh đang ở “tình trạng nguy hiểm” có thể đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ trên thế giới.

Hiện tại, USD đang là đồng tiền được sử dụng trong 88% các giao dịch tiền tệ, theo báo cáo gần nhất của Bank of International Settlements, đồng thời chiếm khoảng 62% các quỹ dự trữ ngoại tệ trên toàn cầu, giảm so với mức đỉnh khoảng hơn 85% vào những năm 1970, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Một áp lực khác mà USD đang phải đối mặt là sức mạnh gia tăng của euro. Các chiến lược gia tại Credit Agricole và Mizuho International Plc đánh giá, việc các lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đồng ý thực thi gói hỗ trợ trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD) sẽ nâng cao vị thế của đồng tiền này và gia tăng tỷ trọng của các loại tài sản định giá bằng euro.

Đông Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét