Dân gian ví tổ yến là “vàng trắng” bởi ngoài giá trị dinh dưỡng cao thì đây là loại thực phẩm cực kỳ đắt đỏ.
Nghề nuôi chim yến cũng được mệnh danh là nghề “bạc tỷ” bởi nguồn thu nhập khủng từ loại chim trời này có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Yến về đâu là trời ban lộc ở đó?
Vào những mùa sinh sản trong năm, chim yến thường xây tổ cho mình để chuẩn bị “nằm ổ” và chúng thường xây khoảng 35 ngày. Khi “xây”, chim yến dùng nước dãi được tiết ra từ cặp tuyến dưới lưỡi thành những phiến mỏng sau đó bện chúng vào nhau và sau đó dính trên những vách đá cheo leo hay mỏm núi hiểm trở.
Chính bởi sự khó khăn khi khai thác và việc chiết xuất ra những phiến yến mỏng trên vách núi không hề nhiều mà loại tổ yến tự nhiên này được coi là thần dược vô cùng quý hiếm, được bán ra thị trường với giá vô cùng đắt đỏ.
Chim yến dùng nước dãi của mình để xây tổ nên giá của tổ yến vô cùng đắt đỏ. |
Từ khi người ta biết rằng có thể làm nhà cho loài chim yến hoang dã vào ở để thu lợi từ tổ ấm của chúng thì người dân khắp các vùng ven biển của nhiều tỉnh thành khu vực Nam bộ “đua nhau” xây nhà dụ yến.
Nhiều người cho rằng, dẫn dụ chim yến là nghề “một vốn bốn lời”, vì không cần đầu tư chăn nuôi, chăm lo nguồn thức ăn, chỉ bỏ tiền xây nhà dụ yến về ở thì loài chim trời này mang đến nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nuôi yến giờ đây không còn là “độc quyền” của xứ biển, những nhà yến đã mọc lên khắp nơi ở các tỉnh đồng bằng trong những năm gần đây. Từ những tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, đến gần đây là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, nhà yến đều “mọc lên như nấm sau mưa”. Số lượng nhà yến đang tăng chóng mặt.
Nghề xây nhà nuôi yến không đơn giản chỉ là “xây nhà rồi đợi yến vào ở” mà đòi hỏi kiến thức và kỹ thuật rất cao. |
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 10/2019, nước ta có 42/63 tỉnh thành có nuôi chim yến với tổng số 24.352 nhà yến. Năm 2017, số lượng nhà yến của nước chỉ có 8.300 nhà. Như vậy chỉ trong 2 năm, số lượng nhà yến đã tăng hơn 300%.
Nghĩ là “dễ ăn” bởi chỉ nặng vốn ban đầu, chim tự bay đi ăn, chiều về treo mỏ lên lam ngủ, khi chúng làm tổ thì mình thu hoạch, bán ra thị trường từ 20-35 triệu đồng/kg yến thô. Tuy nhiên, không phải ai đầu tư vào nghề yến cũng thành công. Không ít gia đình bỏ tiền tỷ đầu tư xây nhà dẫn dụ chim yến nhưng thất bại vì sai kỹ thuật, yến không đến làm tổ. Mặt khác, nơi mật độ chim yến thấp thì lỗ vốn, nơi mật độ chim yến cao lại thường có nhiều nhà yến xây trước đó.
“Vàng trắng” bốc hơi cả chục triệu đồng/kg vì Covid-19?
Từ việc đổ xô đi xây nhà dụ yến về làm tổ, mô hình nuôi chim yến phát triển ngày càng mạnh mẽ khiến giá tổ yến thô ngày càng giảm. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ dân nuôi yến cho biết, chưa năm nào giá tổ yến rẻ như năm nay.
Nếu nhà yến không thể dẫn dụ chim về làm tổ thì xem như chủ nhà “thua trắng”, nếu có yến về làm tổ thì cũng cần 5-7 năm mới có nguồn thu ổn định. |
Chị Như Thanh (trú tại thị xã Gò Công, Tiền Giang) cho biết, gia đình chị có 2 nhà yến, mỗi tháng cho thu hoạch từ 4-5kg. Nếu như mọi năm, tổ yến dễ bán và bán được giá khoảng 25 triệu đồng/kg thì thời điểm hiện tại chỉ còn 16,5 triệu đồng/kg đối với tổ yến trắng, giòn, đẹp.
“Đầu tư cả tỷ đồng, hồi hộp trông từng con yến về, phải hơn 1 năm sau, khi đã quen chỗ rồi chúng mới bắt đầu làm tổ, thu những tổ yến đầu tiên như bắt được vàng dù chỉ được 0,5kg trong tháng thu hoạch đầu tiên. Rồi dần dần số lượng tổ tăng lên, phải 7-8 năm sau lượng tổ yến thu hoạch ổn định mới bớt lo thì giờ rớt giá”, chị Thanh thở dài.
Đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng 2 nhà yến với diện tích 500m2 tại Buôn Hồ, Đắk Lắk, anh Vũ Văn Phương cho rằng giá tổ yến hiện tại có giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng yến Việt Nam là tốt nhất trong khu vực nên rất được ưa chuộng.
“Hiện tại giá tổ yến tôi vẫn bán được từ 18-25 triệu đồng/kg yến thô, có giảm từ 2-3 triệu đồng/kg. Tùy chất lượng tổ yến đẹp hay xấu mà bán giá thấp hoặc cao hơn nhưng không có chuyện xuống đến 40% như một số người nói”, anh Phương khẳng định.
Xây nhà nuôi yến như “đánh bạc với trời”, kẻ thành tỷ phú, người trắng tay vì xây xong chưa chắc chim yến về làm tổ như dự định. |
Lý giải nguyên nhân giảm giá, theo anh Phương, có thể do một số đầu nậu muốn thu gom tổ yến giá rẻ nên loan tin làm hoang mang dư luận. Hơn nữa, trường hợp tổ yến của một số nước khác không xuất khẩu được tuồn về Việt Nam nên có sự xáo trộn thị trường.
Đồng quan điểm, anh Trần Tuấn (trú tại Cần Giờ, TP HCM) cho rằng, với người nuôi yến mới đầu tư tại thời điểm này thu hồi vốn rất chậm do lượng nhà yến mới mọc ra như nấm, người người đua nhau đầu tư, nạn săn bắt yến lấy thịt, phóng sinh... cũng đang diễn ra. Nên thực tế nghề yến không còn là nghề đầu tư hấp dẫn.
Về vấn đề tổ yến bị giảm giá, anh Tuấn cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá của tổ yến trong nước cũng giảm xuống nhưng không đáng kể. Mặt khác, ở những thị trường tiêu thụ yến như Trung Quốc lại không giảm, vì yến có khả năng giúp đỡ cơ thể tăng cường kháng thể với bệnh cúm và nâng cao sức khoẻ.
“Giá tổ yến tại Việt Nam giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do hàng nhập khẩu đội mác yến Việt Nam tràn về nhiều hơn trước. Ở nước ngoài, những tổ yến đạt chất lượng đều tìm đường qua Trung Quốc, những tổ yến không đạt chuẩn, yến vụn, yến bể, yến loại... được một số thương lái qua gom về đội lốt yến Việt Nam bán kiếm lời”, anh Tuấn thông tin.
Tổ yến Việt Nam thuộc loại tốt nhất trong khu vực nên nhiều người lợi dụng tuồn hàng từ nước ngoài về để bán được với giá cao. |
Theo anh Tuấn, những tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn bán được giá rất cao, trên 30 triệu/kg. Loại yến xấu hơn về hình thức thì giá có xuống do bị yến nhập cạnh tranh. Sản lượng tổ yến Việt Nam chưa nhiều, lượng cung từ các nhà yến Việt thực tế chưa đủ cho thị trường. Để tổ yến giá tốt hơn thì cần ngăn chặn được đầu nậu đưa hàng kém chất lượng từ nước ngoài vào Việt Nam. Hơn nữa, những nhà sản xuất đầu tư tốt cho nhà xưởng thì chắc chắn tổ yến Việt nam sẽ có giá tốt hơn.
Bà Lý Hứa Thị Lan Phương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, giá yến hiện nay có giảm từ 10 đến 15% so với thời điểm trước dịch chứ không phải bị giảm đi 10 giá hay 40% như một số nơi thông tin.
“Họ đã lấy giá của yến loại 1 so với giá của yến kém chất lượng (yến dưới sàn) nên thấy khoảng chênh lệch giá lớn. Để so sánh giá chúng ta cần so sánh giá giữa các sản phẩm cùng cấp với nhau”, bà Phương nhận định.
Theo bà Phương, giá tổ yến hiện nay tuy có sụt giảm do việc mất cân bằng cung và cầu trong ngắn hạn nhưng thực chất nhu cầu thị trường cho sản phẩm yến sào trên thế giới và trong nước còn rất lớn, giá sẽ tăng lại khi kinh tế dần ổn định và phát triển.
“Bà con nông dân không nên quá hoang mang lo lắng vì yến sào sau khi thu hoạch, được bảo quản đúng cách sẽ lưu trữ được rất lâu mà không ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến, không cần phải bán đổ bán tháo làm nhiễu loạn cả thị trường chung”, bà Phương nói.
(Theo Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét