Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Thực hư chất lượng của thiết bị tiết kiệm điện

Với thiết kế đơn giản, gọn nhẹ nhưng công dụng thần kỳ có thể tiết kiệm 50% điện năng tiêu thụ mỗi tháng, thiết bị tiết kiệm điện đang "làm mưa làm gió" được khuyến cáo sẽ "tiền mất tật mang" nếu niềm tin người mua đặt nhầm chỗ.

Siêu tiết kiệm điện chỉ bằng một thiết bị?

Sau nhiều trường hợp có hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng cao, không ít người dùng điện đã "rỉ tai" nhau về loại thiết bị có thể dùng điện "xả láng" mà không lo về giá. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Huyền (29 tuổi, quê ở Nam Định) là một ví dụ. Vì chồng đang làm việc cho một tập đoàn công nghệ lớn tại khu vực quận Cầu Giấy, nên vợ chồng chị Huyền thuê một phòng trọ tại ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) để chồng an tâm tiếp tục theo đuổi đam mê công việc. Vì là phòng trọ đóng tiền thuê theo tháng nên giá điện nước hàng tháng chị Huyền phải trả theo giá kinh doanh do chủ nhà quyết định, với mức 4.000 kWh (số).

Chi Huyền cho biết: "Mặc dù tiền thuê trọ khá rẻ, chỉ 1,5 triệu đồng/tháng nhưng khoản điện nước trong những tháng hè này đều lên đến 4- 4,5 triệu đồng/tháng. Nhà có con nhỏ, phòng thuê ở tầng 2 nên những ngày hè này, nhà tôi không thể không dùng các thiết bị làm mát. Càng sử dụng thì càng sốt ruột nên khi được "mách" về các loại thiết bị có thể làm tiết kiệm điện, tôi đặt mua một chiếc với giá đắt nhất là 490.000 đồng (đã giảm giá). Thế nhưng, sau 1 tháng sử dụng thì tiền điện nhà tôi dùng vẫn dao động như những tháng trước đó, không hề có một chút tiết kiệm nào".

{keywords}
Cận cảnh một thiết bị tiết kiệm điện đang “làm mưa gió” trên thị trường. Ảnh: PV

Theo chỉ dẫn của chị Huyền, PV đã tìm kiếm "thiết bị tiết kiệm điện" trên Internet, chỉ chưa đầy 36 giây đã cho ra hơn 63 triệu kết quả, đi kèm là những lời quảng như "chỉ cần cắm vào ổ điện là có thể giảm nửa số điện mỗi tháng", "máy tiết kiệm điện mới nhất 2020", "tiết kiện đến 45% điện hàng tháng"...

Click vào một đường link có dòng quảng cáo nổi bật "máy tiết kiệm điện mới nhất, tiết kiệm đến 45% tiền điện hàng tháng", một nickname có tên Q.M tự nhận là kỹ sư điện đã chia sẻ cách tiết kiệm điện mà không vi phạm pháp luật chính là mua thiết bị làm tiết kiệm điện.

Chỉ với mức giá 550.000 đồng/thiết bị (chưa áp dụng giảm giá 43%), người dùng điện có thể giảm từ 30 - 50% điện năng tiêu thụ mà các vật dụng trong gia đình không hề bị ảnh hưởng. Không những vậy, dùng thiết bị tiết kiệm điện còn là giải pháp tuyệt vời để giảm tải cho lưới điện quốc gia.

Mặc dù quảng cáo sản phẩm với nhiều lời có cánh nhưng khi PV yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan như yếu tố pháp lý, nguồn gốc, xuất xứ, yếu tố chất lượng... của sản phẩm thì nickname Q.M đã không đáp ứng được yêu cầu.

Theo anh Bắc-một người chuyên kinh doanh đồ điện tử tại chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm) cho biết, không có bất cứ sản phẩm nào có thể làm tiết kiệm được điện bởi nếu có ngăn cản dòng điện thì sẽ ảnh hưởng ngay tới các thiết bị đồ dùng trong gia đình. Các loại thiết bị tiết kiệm điện đang bán tràn lan trên mạng chủ yếu là xuất xứ từ Trung Quốc, với mức giá bán dao động từ 80.000-500.000 đồng/ chiếc là đã bao gồm nhiều loại phí như phí vận chuyển, quảng cáo... vậy thì giá nhập sẽ vô cùng thấp nếu mua ở chợ đầu mối Trung Quốc. Trong khi đó, thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt đã tiếp tay cho những sản phẩm không tác dụng tồn tại.

"Tiền mất tật mang"

Theo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật điện của EVN đã nhiều lần cảnh báo về những loại "thiết bị siêu tiết kiệm điện", "Thẻ tiết kiệm điện thông minh"... Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, "lợi dụng" tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện. Như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, EVN khuyến cáo người dùng điện không mua và không sử dụng các thiết bị kể trên do các thiết bị này không được các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc của đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các sản phẩm thiết bị điện tử đều được các cơ quan chuyên ngành thẩm định và cấp giấy hợp quy trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Nếu trên thị trường có những loại thiết bị thực sự có tác dụng làm công tơ điện chạy chậm lại thì ngành điện sẽ bị thiệt hại nặng nề. Người dân sử dụng các thiết bị này đương nhiên là có hành vi vi phạm sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện. Thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì phụ thuộc 2 yếu tố, một là người mua hàng bắt buộc phải trở nên thông thái khi tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm. Thứ hai là cơ quan chức năng và cơ quan quản lý thị trường phải vào cuộc để quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn loại mặt hàng này, góp phần làm lành mạnh thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo EVN, cách tiết kiệm điện duy nhất là người dân nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm như: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…); khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng kết hợp quạt điện để tỏa nhiệt trong nhà...

(Theo Gia đình và Xã hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét