Cuộc chiến Mỹ-Trung vẫn căng thẳng và dường như đang bước sang một giai đoạn mới. Sau cuộc chiến thương mại, công nghệ, tiền tệ, giờ đây Bắc Kinh đang tính toàn cho một cuộc chiến dài hơi hơn.
Đồng Nhân dân tệ tăng bất ngờ
Trong vài ngày gần đây, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc bất ngờ tăng khá mạnh, trong khi đó đồng USD của Mỹ suy yếu nhanh chóng. Đồng NDT đã lên trở lại ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, thay vì thấp hơn khá nhiều trước đó.
Đây là một diễn biến lạ trên thị trường tài chính Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn căng thẳng. Tổng thống Donald Trump tuyên bố quan hệ Mỹ - Trung đã bị phá hủy nghiêm trọng và ông không hứng thú với thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Bắc Kinh.
Lạ là ở chỗ Bắc Kinh đang để đồng tiền nội tệ tăng giá nhanh so với USD mà theo đó lợi thế thương mại sẽ nghiêng về phía Mỹ. Một đồng NDT mạnh lên sẽ khiến Trung Quốc khó xuất khẩu hàng hóa hơn, trong khi Mỹ lại thuận lợi khi bán hàng vào Trung Quốc.
Nó trái ngược với một khoảng thời gian gian Bắc Kinh để đồng NDT yếu để có lợi thế thương mại với Mỹ, đến mức ông Trump gọi Bắc Kinh là kẻ thao túng tiền tệ, phá giá đồng NDT để hưởng lợi.
Nhưng ở vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn đang thực thi những cam kết theo thỏa thuận giai đoạn 1 ký kết hồi đầu năm với Washington bằng cách đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa, trong đó có nông sản Mỹ. Hai bên đã đạt một số tiến triển trong các vấn đề cấu trúc và mua hàng hóa nông sản.
Các tổ chức thương mại trên thế giới cũng kêu gọi Mỹ - Trung Quốc thực thi thỏa thuận thương mại trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu.
Sự kiên nhẫn của Trung Quốc cũng hợp lý bởi trước đó Bắc Kinh đã chấp nhận lùi bước khá nhiều trong thỏa thuận cuối 2019 đầu 2020 do lo ngại những đòn thuế không chùn tay của ông Donald Trump.
Căng thẳng Mỹ-Trung vẫn leo thang. |
Gần đây những tuyên bố về khả năng “đôi ngả chia ly” của ông Trump hay bình luận “lỡ lời” của Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã kết thúc… có lẽ đã khiến Trung Quốc phải thận trọng giữa lúc Bắc Kinh cần thời gian để giải quyết những vấn đề trong và ngoài nước, từ vấn đề Hong Kong, Covid, lũ lụt, cho tới mâu thuẫn trong nước và với phương Tây…
Việc để một đồng NDT tăng giá giúp tình hình bớt căng thẳng. Hoạt động nhập hàng Mỹ sẽ được đẩy nhanh hơn, đáp ứng được kỳ vọng của ông Trump và giảm bớt những áp lực của phương Tây đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, về dài hạn, đây được cho cũng là một chiến lược giúp Trung Quốc thực hiện toan tính lên vị trí số 1 thế giới, giảm sức mạnh của ông Donald Trump nói riêng và nước Mỹ nói chung, ở chính những thế mạnh nhất của nền kinh tế số 1 thế giới.
Đồng NDT đã tăng một cách đều đặn từ cuối tháng 5 và vượt ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên trong vòng 4 tháng qua. Tính tới cuối tuần, đồng NDT được giao dịch với tỷ giá 1 USD đổi được 6,99 NDT.
Tham vọng lớn
Trên tờ SCMP, đã có những ý kiến kêu gọi Trung Quốc phải chuẩn bị cho sự leo thang toàn diện của cuộc đấu tranh với Mỹ và chuẩn bị dần dần tách đồng NDT khỏi USD, phá thế độc quyền toàn cầu của USD trong lĩnh vực tài chính.
Lời kêu gọi được đưa ra khi Washington chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức và công ty tài chính Trung Quốc vì đã tham gia vào luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong sau khi Quốc hội Mỹ thông qua yêu cầu chính quyền trừng phạt các ngân hàng nước ngoài nếu họ tiếp tục làm ăn với các quan chức bị trừng phạt, bao gồm cả việc từ chối họ truy cập vào hệ thống thanh toán bằng USD toàn cầu.
Hiện Trung Quốc nắm giữ hàng nghìn tỷ USD đầu tư ở nước ngoài, trong đó phần lớn bằng USD. Bắc Kinh cũng năm giữ cả nghìn tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ như là một phần của dự trữ ngoại hối trị giá 3.000 tỷ USD.
Trên thực tế, không phải bây giờ Bắc Kinh mới tính đến chuyện thoát khỏi đồng USD.
Đồng NDT được cho là khó có thể cạnh tranh vị trí số 1 của đồng USD. |
Trong nhiều năm, Trung Quốc kiên nhẫn thực hiện các kế hoạch quốc tế hóa đồng NDT, thay thế đồng USD bằng đồng tiền của riêng mình trong các giao dịch quốc tế. Nhiều thỏa thuận với các nước đã được ký kết. Hồi tháng 10/2016, đồng NDT của Trung Quốc đã chính thức gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế SDR của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Trung Quốc vẫn kiên nhẫn đẩy mạnh quốc tế hóa đồng NDT, đẩy nhanh việc tăng thanh toán xuyên biên giới và dàn xếp thanh toán bù trừ cho đồng NDT.
Hồi cuối tháng 6, trên SCMP, ông Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên chuẩn bị cho việc ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT một cách thực sự. Trung Quốc hiện dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt tiềm năng của Washington.
Trong tháng 5 vừa qua, Quốc cũng đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số (DCEP) sau gần 2 năm nghiên cứu. Đây cũng là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tuy nhiên, cho đến nay, dấu ấn của NDT sau khi vào rổ SDR khá mờ nhạt, còn tương lai của một đồng tiền số của Trung Quốc cũng chưa biết như thế nào. Nếu các nước không được hưởng các giá trị lợi ích từ các giao dịch này bằng đồng tiền số của Trung Quốc thì khả năng phát triển của DCEP cũng không lớn.
Trong thanh toán quốc tế, Bắc Kinh vẫn phải sử dụng đồng USD trong phần lớn các giao dịch. Các giao dịch cũng được thực hiện chủ yếu qua hệ thống SWIFT cũng như dự trữ ngoại hối chủ yếu bằng đồng USD.
Trên CNBC, chuyên gia Citibank gần đây cho rằng, không nên kỳ vọng NDT có thể trở thành một “nơi trú ẩn an toàn”, thay thế cho đồng USD của Mỹ trong những năm sắp tới. Tài sản trú ẩn an toàn đầu tiên phải có giá trị lâu dài, nhất là khi khủng hoảng xảy ra. Tính thanh khoản và khả năng tiếp cận thị trường tài chính địa phương cũng là điều mà NDT còn rất nhiều hạn chế.
M. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét