Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Hành trình 10 năm, chỉ 150 triệu ban đầu nay đã có nhà mặt đất

Chưa bao giờ chị Lương Thị Ngọc, 40 tuổi lại nghĩ vợ chồng chị được sống trong căn nhà mặt đất 4 tầng diện tích 35m2 khang trang đến vậy. Nhờ đồng cam cộng khổ, cố gắng từng ngày mà anh chị đã có được căn nhà mơ ước.

Vợ chồng chị Ngọc cưới nhau từ tháng 1/2010. Khi ấy cả hai sống chung với bố mẹ chồng trong một căn nhà 3 tầng ở Hoàng Mai, Hà Nội. Chị Ngọc làm nhân viên truyền thông lương tháng 8 triệu đồng. Chồng chị là thợ sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng thu nhập không đều nhưng trung bình cũng khoảng 8 triệu/tháng.

“Với thu nhập như vậy, một tháng chúng tôi cố bỏ ra 10 triệu, còn 6 triệu để chi tiêu ăn uống, điện nước cho gia đình. Cũng may bố mẹ chồng tôi ăn uống đơn giản, lại tiết kiệm nên dù hơi tằn tiện trong chi tiêu cũng không ý kiến gì. Ông bà còn động viên các con chịu khó chắt bóp để có chút tiền tích lũy”, chị Ngọc kể.

Sau cưới 5 tháng, một lần về nhà bác chồng ăn giỗ ở Hà Đông thì cơ duyên mua đất của vợ chồng chị Ngọc chợt đến.

{keywords}
Nhà 5 tầng mà vợ chồng chị Ngọc mua được (ảnh minh họa)

“Hôm ấy bác chồng kể hàng xóm nhà bác muốn bán một mảnh đất 38m2 ở trong ngõ với giá 500 triệu đồng. Vì thế, vợ chồng tôi quyết lấy mảnh này để tích lũy. Chúng tôi bán hết vàng cưới đi được 100 triệu. Với 50 triệu tiết kiệm được lúc sau cưới, ông bà nội cho 50 triệu nữa, vợ chồng tôi có 200 triệu trong tay còn vay ngân hàng 300 triệu”.

Vay tiền ngân hàng trả trong vòng 10 năm nên mức lãi suất ưu đãi cố định mà vợ chồng chị phải chịu là 8,5%/năm trong 2-3 năm đầu tiên. Sau đó, chị Ngọc chịu mức lãi suất thả nổi 10%/năm. Tổng cộng, số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng là 5,2 triệu đồng.

“Sau khi mua đất chừng 1 năm thì vợ chồng tôi quyết định ra thuê trọ, bởi em chồng cũng cưới vợ nên ngôi nhà trở nên chật chội. Chúng tôi tìm thuê 1 căn gần nhà khoảng 20m2. Đây là căn hộ tập thể cũ nhưng khá sạch sẽ. Tuy nhiên, cảnh ở trọ tạm bợ, lại có con nhỏ cần không gian chơi nhiều cho con nên hai vợ chồng nhen nhóm ý định mua nhà chung cư”, chị Ngọc tâm sự.

Anh chị quyết định bán mảnh đất mua được để mua một căn chung cư nhỏ ở Hà Đông. Vợ chồng chị đều chuyển về Ngã Tư Sở làm nên có ý định mua chung cư ở gần đi làm cho tiện. Bán đất được 800 triệu, lãi 300 triệu so với ngày mới mua, vợ chồng chị Ngọc đủ tiền mua 1 căn chung cư 60m2, cách Hà Đông 3km. Dồn thêm 100 triệu đồng để sửa chữa, anh chị dọn về ở.

{keywords}
Căn nhà 35m2 không gian rộng rãi hơn cho trẻ con chơi

Từ khi mua nhà chung cư, cuộc sống của vợ chồng chị Ngọc thoải mái hơn. Bà ngoại lên ở đỡ đần trông con giúp nên vợ chồng chị yên tâm đi làm và có thời gian làm thêm, tăng thu nhập.

Công việc mỗi ngày một tốt hơn, cả hai đã có kinh nghiệm nên đều được tăng lương. Thu nhập của vợ chồng chị từ gần 16 triệu đã tăng lên khoảng 25 triệu/tháng. Cộng với tiền làm thêm được 5-6 triệu đồng/tháng nữa nên cả hai cũng có của ăn của để. Mỗi tháng, anh chị cố gắng chi tiêu trong khoảng 15 triệu và để ra 15 triệu tích lũy.

Tính ra, mỗi năm vợ chồng chị Ngọc tiết kiệm được 180 triệu. Cứ như vậy suốt 7 năm, vợ chồng chị để ra được 1,2 tỷ. Vì thế đầu năm 2020, chị Ngọc quyết định mua nhà mặt đất.

“Chúng tôi muốn chuyển sang nhà đất cho tiện. Tôi đã mua căn nhà 35m2 ở một ngõ thông tại Hà Trì 1, Hà Đông, Hà Nội. Nhà ở căn góc, 2 mặt tiền nên tầng 1 có thể kinh doanh nhỏ hoặc cho thuê kinh doanh nhỏ. Giá nhà là 2,7 tỷ đồng, đầu tư nột thất, sở sửa hết tổng gần 3 tỷ đồng. Vợ chồng có 1,2 tỷ tiết kiệm và bán căn chung cư đi được 1,2 tỷ nữa. 300 triệu còn lại  tôi vay ông bà ngoại và trả lãi như lãi ngân hàng”, chị Ngọc cho hay.

Hiện vợ chồng chị Ngọc đã chuyển về căn nhà mặt đất mới mua 5 tầng với không gian sinh hoạt rộng rãi hơn. Như vậy, 10 năm  với 1 lần mua đất, 2 lần chuyển nhà vợ chồng chi Ngọc nay đã ổn định. Giờ còn nợ 300 triệu đồng nhưng anh chị không quá áp lực. “Chúng tôi phấn đấu cày cuốc hơn 1 năm là trả dứt điểm cho ông bà ngoại”, chị tin tưởng.

Nói về kinh nghiệm phấn đấu chuyển đổi nhà ở từ chung cư sang nhà mặt đất kiên cố, chị Ngọc khẳng định: “Cứ sống tiết kiệm, chi tiêu có kế hoạch và biết khả năng của mình đến đâu để đổi hướng dần dần. Ngoài ra, đừng ngại nợ nần vì nợ mới có động lực làm thêm trả nợ”.

Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét