Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Ban chống buôn lậu và gian lận thương mại TP Hà Nội cho rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng chính là mắt xích quan trọng có thể tiếp tay hoặc dập tắt vấn nạn này.
Trong diễn biến mới nhất liên quan vụ triệt phá kho hàng lậu khủng ở Lào Cai, Tạp chí điện tử Ngày nay Online chiều nay cho hay, lực lượng chức năng đã ra quyết định tạm giữ, lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, theo thủ tục hành chính và niêm phong toàn bộ số hàng hóa; 2 xe ô tô (nghi dùng để vận chuyển hàng hóa của kho); 49 màn hình máy tính đã qua sử dụng; 49 CPU máy tính đã qua sử dụng.
Ngoài ra còn 1 laptop, 2 két, 1 đầu thu camera đã qua sử dụng, 1 máy in tem đã qua sử dụng bị niêm phong.
Theo ghi nhận của TTXVN, qua kiểm đếm kho hàng lậu rộng 10.000 m2 tại số 145 Hoàng Diệu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, lực lượng chức năng đã tạm giữ 237 mặt hàng, với 158.014 sản phẩm và 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát.
Tại kho hàng có địa chỉ tại số 145 Hoàng Diệu, Đội Quản lý thị trường số 1, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã tiến hành kiểm tra tại Địa điểm kinh doanh của tài khoản Faceboock Giày Đồng Giá 11 (đang bán hàng trực tiếp trên mạng xã hội).
Kết quả, có 128 loại hàng hóa với tổng số 100.099 đơn vị hàng hóa. Trong đó gồm 95 loại với 94.932 đơn vị hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như giày dép, quần áo, ba lô, túi xách, ví nữ, dây lưng; và 33 loại với 5.167 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Theo TTXVN, người đang sử dụng và là đại diện tài khoản Facebook Giày Đồng Giá 11 là ông Phạm Đức Thiện (SN 1987, cư trú tại địa chỉ số nhà 194, đường Nguyễn Tri Phương, phường Lào Cai).
Ảnh: Báo Lào Cai |
Cũng theo TTXVN, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai còn tiến hành kiểm tra tại Địa điểm kinh doanh của tài khoản Facebook Thảo Trần (đang bán hàng trực tiếp trên mạng xã hội) ở kho hàng tại số 145 Hoàng Diệu.
Kết quả, có 109 loại hàng hóa với tổng số 57.915 đơn vị hàng hóa, gồm 101 loại với 56.394 đơn vị hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như giày dép, ba lô, túi xách, ví nữ, dây lưng, kính thời trang; 08 loại với 1.521 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát.
Người đang sử dụng và là đại diện tài khoản Facebook Thảo Trần là ông Trần Đức Cương (cư trú tại địa chỉ số nhà 145, đường Hoàng Diệu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai).
Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường |
Nguồn trên ghi nhận, thời điểm kiểm tra, toàn bộ những mặt hàng trên bao bì có in chữ nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo quy định.
Chủ của kho hàng lậu lớn ở Lào Cai vẫn chưa có mặt để làm việc với cơ quan chức năng.
Việc kiểm tra kho hàng lậu này trước đó diễn ra hôm 7/7. Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an đột kích kiểm tra. Theo báo Lào Cai, chủ của kho hàng là Trần Thành Phú (sinh năm 1992, thường trú tại phường Lào Cai) cùng em gái của mình điều hành kho hàng.
Theo báo Lào Cai, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tại kho hàng của Phú thường xuyên có 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy đồng giá... để bán hàng qua mạng internet. Các nhân viên khai, hằng ngày hơn 40 nhân viên ngồi máy tính thực hiện chốt đơn hàng.
Tuổi trẻ online ghi nhận, "công thức" của kho hàng lậu này là gom hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc), tuồn vào Việt Nam tập kết tại 145 Hoàng Diệu để bán online, rồi giao đi khắp cả nước.
Tờ này thuật lại, trong kho có 2 gian kinh doanh chính. Một gian đặt tên đại lý là "Giày đồng giá 11" chuyên buôn bán mặt hàng giày, dép, quần áo, trang sức... Gian còn lại lấy tên "Thảo Trần" buôn bán hàng tiêu dùng, đồ gia dụng...
"Mỗi gian hàng đều có một phòng tổng chỉ huy để lấy các thông tin sản phẩm khách hàng quan tâm từ các máy livestream trên Facebook trước khi chuyển sang phòng kinh doanh. Tính riêng gian "Giày đồng giá 11", khoảng 40 nhân viên luôn túc trực để kết nối và chốt đơn với khách hàng", báo Tuổi trẻ cho hay.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, tính sơ bộ đếm sơ bộ bình quân hàng ngày kho hàng chốt khoảng hơn 1.000 đơn hàng. Một tháng, kho hàng này bán ra thị trường khoảng trên 30.000 đơn và số lượng sản phẩm bán ra là trên 90.000, doanh thu 10 tỷ đồng.
Theo ông Minh, toàn bộ kho chia làm 5 khu vực chính: Livestream trên facebook; Chốt đơn hàng; Kế toán, tài chính, tổng hợp; Đóng gói hàng hóa sau khi chốt đơn hàng; Khu vực hậu cần khác.
Trả lời VOV, ông Vũ Vinh Phú (chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Ban chống buôn lậu và gian lận thương mại TP Hà Nội) cho rằng, cơ sở này hoạt động hai năm trời mà cơ quan chức năng không hề hay biết cho thấy sự tắc trách của các cơ quan liên quan. Trước hết là công an kinh tế, cơ quan quản lý thị trường, sau đó là trách nhiệm của chính quyền cơ sở đã không kiểm tra đôn đốc các đơn vị dưới quyền.
"'Nếu vẫn còn tình trạng buông lỏng hay bảo kê cho hành vi buôn lậu, hàng giả hàng nhái thì chắc chắn, vấn nạn này sẽ còn cửa sống, thậm chí là "sống khỏe"", ông Phú nói trên VOV.
Cũng theo ông Phú, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng chính là mắt xích quan trọng có thể tiếp tay hoặc dập tắt vấn nạn này. Chỉ khi người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay, kiên quyết quay lưng với hàng giả, hàng nhái thì tệ nạn này mới dần được kiểm soát và chấm dứt.
(Theo Tổ Quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét